|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Không để sân bay Việt Nam thành 'trạm dừng xe bus' của khu vực

16:17 | 16/05/2019
Chia sẻ
Thị trường hàng không Việt Nam những năm qua tăng trưởng khá nhanh nhờ sự nhập cuộc của các hãng hàng không giá rẻ. Tuy nhiên, hạ tầng sân bay của Việt Nam vẫn chưa được đầu tư đúng mức và vẫn còn thiếu những sân bay qui mô lớn, mang tính cửa ngõ để có thể thu hút các hãng hàng không lớn trên các đường bay dài xuyên lục địa.

Ngày 16/5 tại Hà Nội, báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm Xây dựng Môi trường phát triển chon ngành hàng không. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, vận tải hàng không đang tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là các nước đang phát triển. Việt Nam nằm trong những quốc gia có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Theo thống kê trên thế giới, cứ 1% tăng trưởng của thị trường hàng không sẽ đồng hành tương ứng với 0,4 - 0,5% tăng trưởng GDP. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây ngành hàng không đều tăng trưởng bình quân 14 -15%, tương ứng với mức tăng GDP 6,8 -7%/năm. 

Tuy nhiên ông Lộc cũng thận trọng: Mối quan hệ giữa hàng không và tăng trưởng kinh tế cũng tương tự như quan hệ con gà quả trứng, hàng không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà tăng trưởng kinh tế cũng thúc đẩy hàng không.

Không để sân bay Việt Nam thành trạm dừng xe bus của khu vực - Ảnh 1.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Hàng không giá rẻ thúc đẩy thị trường chung

Lấy ví dụ VietJet Air bắt đầu khai thác vào cuối năm 2011, Chủ tịch VCCI cho biết: "Thị trường hàng không trong nước đã có sự sang trang, thế độc quyền bị phá vỡ. Từ một loại phương tiện giao thông chỉ dành cho giới doanh nhân hay những người dân có thu nhập cao, hiện nay, hàng không đã trở nên thông dụng, cơ hội đi máy bay mở cửa với tất cả người dân".

Ông Phạm Ngọc Minh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam dẫn ra câu truyện tại Mỹ trong thập niên 1970. 

Theo ông Minh, vào năm 1978, chính quyền Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nới lỏng các qui định trong ngành hàng không (deregulation) giúp mở cửa bầu trời cho các doanh nghiệp. Hãng hàng không giá rẻ Southwest Airlines được thành lập trong giai đoạn này và thu hút được đông đảo hành khách. Các hãng khác lên tiếng phản đối, cáo buộc Southwest Airlines tranh cướp hành khách của mình. 

Không để sân bay Việt Nam thành trạm dừng xe bus của khu vực - Ảnh 2.

Ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vận tải hàng không (đồng thời là Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines).

Chủ tịch Southwest Airlines khi đó bình tĩnh trả lời rằng: Southwest Airlines không giành giật khách của các hãng khác. Hành khách của hãng là những người trước đây di chuyển bằng đường bộ, đường thủy, nay chuyển sang đi máy vì giá vé của Southwest hợp lý, vừa túi tiền. Từ đó trở đi, thị trường nào xuất hiện loại hình hàng không phổ cập này đều có tăng trưởng bùng nổ.

"Đối chiếu với hoàn cảnh của Việt Nam, tôi hình dung sự phát triển của Southwest Airlines tương tự với sự bùng nổ của Vietjet. Rất tiếc hôm nay đại diện của Vietjet không có mặt ở đây để cùng trao đổi. Sự bùng nổ của Vietjet với số lượng tải cung ứng ồ ạt đổ vào thị trường dẫn tới rất nhiều hành khách đường bộ, đường thủy chuyển sang đi máy bay", ông Phạm Ngọc Minh nhận định. 

Trong nửa cuối 2019 và quí I/2019, thị trường hàng không nội địa tăng trưởng lần lượt là 9% và gần 7%. Mức tăng trưởng này dẫn tới hai vấn đề, thứ nhất là hạ tầng quá tải, chẳng hạn như sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay không thể tăng số chuyến thêm được nữa. Thứ hai, lượng khách đường bộ chuyển sang đường hàng không đã đạt đến mức tới hạn, không tăng trưởng thêm được nữa.

Cần lắm những sân bay cửa ngõ, tầm cỡ

Một vấn đề quan trọng khác mà ông Minh đề ra là an ninh an toàn. Cục hàng không dân dụng Mỹ (FAA) không cấp phép cho từng hãng hàng không mà cấp phép cho nhà chức trách có thẩm quyền giám sát các hãng hàng không. Cục Hàng không Việt Nam đã được chứng nhận an toàn hàng không CAT 1 hồi đầu năm nay, các hãng hàng không Việt Nam sau đó mới có thể bay đến Mỹ.

Ngoài ra, Việt Nam còn cần có sân bay cửa ngõ, trung chuyển mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh. Không thể đánh đồng các sân bay với nhau, phải có những sân bay lớn, tầm cỡ được coi là cửa ngõ.

Ông Minh đặt câu hỏi: Có bao nhiêu hãng hàng không bay xuyên lục địa đến Việt Nam?Theo ông Minh quan sát chỉ có Air France của Pháp. Các hãng Lufthansa của Đức, United Airlines của Mỹ đã mở đường bay tới Việt Nam nhưng rồi hủy bỏ. 

Nếu các hãng hàng không lớn không bay xuyên lục địa đến Việt Nam thì họ bay đến đâu? Câu trả lời là họ bay đến các sân bay cửa ngõ xung quanh chúng ta, như Bangkok, Singapore, Hong Kong ... khiến Việt Nam bị các hãng hàng không lớn coi là "trạm dừng xe bus" chỉ để gom hành khách đi sang Singapore rồi từ đó đi trên các đường bay dài hơn.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đánh giá Việt Nam là thị trường hàng không có mức tăng trưởng nhanh trong top 5, bên cạnh Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Indonesia. Thị trường hàng không tăng trưởng giúp các doanh nghiệp dịch vụ kĩ thuật , khai thác sân bay và dịch vụ phụ trợ có lợi thế và có cơ hội cùng phát triển. Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp hội viên theo dây chuyền gắn bó và có cơ hội hợp tác cùng phát triển.

Chi phí xăng dầu, tỉ giá ngoại tệ, chính sách thu hút du lịch….ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả kinh doanh cũng như giúp các doanh nghiệp trụ vững. Thực tế, gần một thập kỉ qua thị trường vận tải hàng không Việt Nam luôn tăng trưởng từ 14 -17% so với tốc độ chung của châu Á là 6-6,7%.

Năm 2018, thị trường vận tải hàng không vẫn giữ được mức tăng trưởng cao. Trong đó sản lượng khách hàng tăng 12,9% so với năm 2017, sản lượng hàng hóa đạt gần 1,5 triệu tấn, tăng 7,7% so với năm 2017. Ngoài ra, đầu tư lĩnh vực hàng không đòi hỏi vốn lớn và có nguồn nhân lực cần thiết và các tiêu chuẩn đảm bảo theo chuẩn mực chung của quốc tế cũng như từng quốc gia.

Kiên Dương