Ông Nguyễn Sự lên tiếng về việc dời nhà máy thép lên thượng nguồn sông Vu Gia
PV: Thưa ông, được biết khi còn làm Bí thư Thành ủy Hội An, ông từng đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam không nên cấp phép cho nhà máy thép Việt Pháp vào Cụm công nghiệp Thương Tín ở thị xã Điện Bàn?
Ông Nguyễn Sự: Chính xác. Đó là hồi năm 2008. Do nhà máy này nằm gần Hội An quá nên tôi phản ứng. Vì theo quy định, các nhà máy vào cụm công nghiệp là do cấp huyện cấp giấy phép, nhưng không được đưa công nghiệp nặng mà chỉ được đưa công nghiệp sạch vào cụm công nghiệp. Thép là một loại công nghiệp không phải sạch, dù dưới bất cứ hình thức nào. Vô KCN thì được, ví dụ vô KCN Điện Nam – Điện Ngọc, nhưng vô cụm công nghiệp cấp huyện là không được.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (Ảnh: HC)
Khi nghe thông tin huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) cấp phép cho nhà máy thép Việt Pháp vào Cụm công nghiệp Thương Tín thì tôi đã gọi điện cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lúc đó là anh Nguyễn Đức Hải và Phó Bí thư Tỉnh ủy là anh Nguyễn Văn Sĩ. Hai anh cũng không đồng ý để nhà máy thép này vào Cụm công nghiệp Thương Tín 1. Tuy nhiên lúc đó huyện Điện Bàn đã có thông báo thỏa thuận địa điểm đầu tư với họ rồi.
Đến năm 2012, nhà máy này đi vào hoạt động thì bị người dân phản đối do gây ảnh hưởng tới môi trường. Thứ nhất là tiếng ồn, thứ hai là khói bụi. Lúc này tôi đã vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ trước, cũng đưa ra bàn là cho nhà máy sản xuất một thời gian rồi tìm cách dời đi xa khu dân cư, nhưng dời đi đâu thì hồi đó chưa xác định vị trí. Vừa rồi thì mới nghe là dời lên thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang). Thực ra đây là giải quyết việc đã rồi chứ không phải là cấp mới. Cấp mới thì dứt khoát là không nên cấp!
Bây giờ mà dẹp cái nhà máy này thì bất ổn, tiền đâu bồi thường ba, 400 tỉ, mà vi phạm hợp đồng thì cũng chết, nên giải quyết cho nó đi một nơi nào đó xa khu dân cư, không gây ảnh hưởng tiếng ồn, khói bụi, nhưng phải kiểm soát và đánh giá tác động môi trường cho thật tốt. Di dời đi đâu thì cũng phải tính toán cho kỹ, phải xa khu dân cư và không tác động ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
PV: Như vậy ông thấy việc di dời nhà máy này lên thượng nguồn sông Vu Gia có hợp lý hay không?
Ông Nguyễn Sự: Tôi không rõ nói nhà máy này dời lên thượng nguồn sông Vu Gia thì chính xác là đặt ở chỗ nào. Nếu chỗ đó không ảnh hưởng đến nguồn nước, không gây khói bụi, tiếng ồn cho khu dân cư thì có thể chấp nhận được, vì đây là việc “chữa cháy” để giải quyết cho một chuyện đã rồi, chứ cấp mới thì không nên.
Cũng cần nói thêm, theo tôi biết thì lượng nước mà nhà máy này sử dụng cho sản xuất là ít vì nó không phải luyện thép mà chỉ nấu sắt thép phế liệu thành phôi thép, nên chỉ sử dụng nước để làm nguội thép và nguội thiết bị. Nhưng như vậy thì cũng cần xác định rõ lượng nước nhà máy thải ra mỗi ngày là bao nhiêu. Tức là việc đánh giá tác động môi trường phải làm cho kỹ, làm nghiêm túc chứ không phải làm lấy được.
Sau đó, nếu thấy không ảnh hưởng tới nguồn nước thì theo tôi là chấp nhận được. Nhưng nếu có tác động đến nguồn nước thì phải dứt khoát nói không. Bởi vì nếu tác động đến nguồn nước thì dù là sông Thu Bồn hay sông Vu Gia, không chỉ khu vực đó lãnh đủ mà nhiều khu vực khác cũng lãnh đủ nữa.
PV: Lúc nãy ông có nói nhà máy này có thể đưa vào KCN được. Vậy tại sao tỉnh Quảng Nam không di dời vào các KCN Điện Nam – Điện Ngọc, KCN Bắc Chu Lai hay Khu kinh tế mở Chu Lai mà nhất thiết phải đưa lên đến tận huyện Nam Giang?
Ông Nguyễn Sự: Nếu đánh giá tác động môi trường cho thật tốt thì đưa đi đâu cũng được, còn nếu đưa tới đâu mà gây ảnh hưởng nguồn nước thì có vào khu kinh tế mở Chu Lai cũng bất ổn, vào KCN Điện Nam – Điện Ngọc cũng bất ổn. Theo quy định, các nhà máy sản xuất công nghiệp nặng không cho vào các cụm công nghiệp, nhưng Thương Tín 1 là cụm công nghiệp chứ không phải KCN.
PV: Nhưng thôn Hoa ở huyện Nam Giang đâu phải là KCN, thưa ông?
Ông Nguyễn Sự: Cái này là lãnh đạo tỉnh Quảng Nam hiện nay giải quyết hậu quả của một việc đã rồi!
PV: Giải quyết hậu quả của một chuyện đã rồi không có nghĩa là gây ra một hậu quả mới khác, thưa ông?
Ông Nguyễn Sự: Tôi hoàn toàn đồng ý về điều đó, nên đòi hỏi việc đánh giá tác động môi trường phải thật kỹ, mà quan trọng nhất là phải đánh giá tác động của nó đến nguồn nước!
PV: Khi di dời lên huyện Nam Giang thì vận chuyển nguyên liệu nhập khẩu từ các cảng lên nhà máy rất xa khiến chi phí đầu vào tăng, thiếu nhân lực tại chỗ nên phải đưa từ nơi khác đến khiến chi phí nhân công tăng, không có thị trường tại chỗ nên phải vận chuyển sản phẩm đi rất xa để tiêu thụ. Vậy thì tại sao họ cứ phải đưa nhà máy lên trên đó?
Ông Nguyễn Sự: Tôi không rõ lắm về phân tích kinh tế, nhưng tôi cũng lăn tăn về chuyện nguồn nước lắm nên mới điện cho mấy người có trách nhiệm hơn nữa kia, đề nghị phải cẩn trọng việc này, chứ nếu ảnh hưởng nguồn nước thì không phải chỉ Đà Nẵng mà dân Hội An cũng lãnh đủ, dân Điện Bàn cũng lãnh đủ, Đại Lộc cũng lãnh đủ. Sau đó tôi nghe lại thì thấy nói nhà máy này chỉ sử dụng ít nước thôi, còn thực ra về mặt chuyên môn này thì tôi không rõ lắm.
Nhưng tôi nghe nói đến sắt thép là tôi đã chán rồi. Sắt thép đặt ở đâu tôi cũng thấy chán. Nói thiệt như vậy. Nội cái khách sạn thôi, nếu bản thân nó xử lý không kỹ, thải ra còn ô nhiễm thấy mồ, huống hồ gì mấy cái nhà máy luyện sắt, luyện thép. Cái gì sản xuất cũng gây ô nhiễm hết nên vấn đề cơ bản là biện pháp quản lý, kiểm soát như thế nào.
PV: Ngay ở đồng bằng mà có nhiều nhà máy còn lén lút xả thải nhưng chính quyền không quản lý nổi thì khi đưa lên trên núi, làm sao có thể quản lý chặt chẽ được, thưa ông?
Ông Nguyễn Sự: Tôi hiểu ý của anh, nêu điều quan trọng mà tôi nhấn mạnh nãy giờ là vấn đề quản lý!
PV: Lãnh đạo nhà máy thép Việt Pháp cho biết sử dụng công nghệ Trung Quốc khi di dời nhà máy lên Nam Giang. Theo nhiều chuyên gia, công nghệ sản xuất thép của Trung Quốc lạc hậu so với nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Ông thấy vấn đề đó như thế nào?
Ông Nguyễn Sự: Đó là là một vấn đề khác nữa. Đặt trường hợp nếu anh lợi dụng vấn đề kinh tế hoặc một điều gì khác để tiêu thụ nguyên liệu rẻ, thiết bị tào lao thiên địa thì là vấn đề khác nữa. Đó là việc mà bản thân các nhà quản lý phải tính. Khi đánh giá dự án phải yêu cầu chủ đầu tư sử dụng thiết bị đảm bảo. Việc sử dụng công nghệ và nhân lực là vấn đề phải bàn.
Không những sử dụng công nghệ Trung Quốc mà của bất cứ nước nào thì công nghệ phải đáp ứng, nhân lực phải đáp ứng yêu cầu của mình. Những người quản lý phải có trách nhiệm với chính nhân dân và địa phương mình trong vấn đề này, phải yêu cầu và bắt buộc họ thực hiện đúng quy định của mình!
PV: Xin cám ơn ông đã dành cho Infonet cuộc trao đổi này!
Theo báo cáo số 160/BC-UBND ngày 3/10/2016 của UBND thị xã Điện Bàn, tiến trình thủ tục đầu tư nhà máy thép Việt Pháp tại Cụm công nghiệp Thương Tín như sau: - Thông báo số 06/TB-UBND ngày 04/01/2008 của UBND huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Ban) về thỏa thuận địa điểm - Giấy đăng ký kinh doanh do Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam cấp ngày 25/8/2009 - Quyết định số 550/QĐ-UBND ngày 23/02/2010 của UBND tỉnh Quảng Nam về thu hồi đất cho Công ty TNHH thép Việt Pháp thuê để đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất thép tại Cụm CN Thương Tín. - Thông báo số 140/TB-UBND ngày 30/7/2010 của UBND huyện Điện Bàn về điều chỉnh diện tích đất để xây dựng nhà máy thép Việt pháp của Công ty TNHH thép Việt Pháp. - Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy số 47/11/TD-PCCC (PC66) ngày 07/4/2011 của Công an tỉnh Quảng Nam - Quyết định số 2368/QĐ-UBND ngày 26/7/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Nhà máy thép Việt Pháp” . - Giấy chứng nhận đầu tư số 40/CN-UBND ngày 19/9/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam cấp (thời gian đầu tư 50 năm) - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BK 940612 do UBND tỉnh Quảng Nam cấp ngày 15/10/2012 - Thời gian hợp đồng thuê đất: 15 năm (Bắt đầu từ năm 2012 đến 2027) với quy mô diện tích 2,9ha. Trả tiền thuê đất hằng năm và được miễn tiền thuê đất 11 năm (theo Giấy chứng nhận đầu tư số 40/CN-UBND) Như vậy, UBND tỉnh Quảng Nam là nơi đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kể cả ra quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy thép Việt Pháp tại Cụm công nghiệp Thương Tín. |
Theo Hải Châu