|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Mai Hữu Tín: 'Cuối năm nay hoặc đầu năm sau cổ phiếu TTF sẽ trở lại mức 10.000 đồng'

21:01 | 27/04/2021
Chia sẻ
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Gỗ Trường Thành chia sẻ với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên rằng một khi thoát được nợ xấu, TTF sẽ chơi cuộc chơi hoàn toàn khác vì có quyền vay tiền mặt và ngoại tệ với mức lãi suất thấp.

Chiều ngày 27/4, Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 tại Bình Dương và tất cả các tờ trình đều được thông qua.

ĐHĐCĐ TTF: Mục tiêu doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng, lãi gấp 3,2 lần năm ngoái - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của TTF diễn ra chiều 27/4 tại Bình Dương. (Ảnh: P.Dương)

Mục tiêu doanh thu tăng 67%, lãi trước thuế gấp 3,2 lần

Năm 2021 TTF đặt ra kế hoạch doanh thu tăng 67% lên 2.025 tỷ đồng; lãi trước thuế 59 tỷ đồng, gấp 3,2 lần thực hiện năm trước.

Ông Mai Hữu Tín: 'Cuối năm nay hoặc đầu năm sau cổ phiếu TTF sẽ trở lại mức 10.000 đồng' - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của TTF.

Theo ban lãnh đạo công ty, năm 2021 TTF sẽ tìm kiếm các đơn vị có tiềm năng hợp tác để cùng nhau tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ thiết kế, sản xuất đến thi công, tạo ra "giải pháp nội thất toàn diện", tối ưu chi phí và tiến độ thực hiện các dự án.

Đối với mảng dự án, TTF sẽ tiếp tục khẳng định thương hiệu với đối tác, cùng với việc tích hợp nhiều hệ thống công nghệ với chiến lược mở rộng, vừa đa dạng dòng hàng, vừa tập trung chuyên môn hóa và quản lý chi phí, chất lượng. Về mảng xuất khẩu, sẽ tiếp tục mở rộng tập khách hàng.

Với thương hiệu gỗ Casadora, công ty sẽ tham gia vào phân khúc đồ gỗ phong cách Italy cao cấp phục vụ cho giới thượng luu đang ngày càng mở rộng tại Việt Nam, bên cạnh thị trường nội địa công ty đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Trung Đông, Nga nhằm đa dạng danh mục sản phẩm đồ gỗ nội thất TTF

Đồng thời giữ ổn định hoạt động của nhà máy tủ bếp với công suất 60 container mỗi tháng, góp phần đẩy mạnh mảng kinh doanh xuất khẩu sang Mỹ doanh số bình quân 50 tỷ đồng/tháng.

Tháng 4/2020 nhà máy sofa 1 chính thức đi vào hoạt động, tới tháng 4/2021 nhà máy sofa 2 đi vào hoạt động, góp phần đẩy mạnh mảng kinh doanh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu với công suất hai nhà máy là 150 container mỗi tháng, doanh số bình quân 35 tỷ đồng/tháng.

Ngoài ra, mở rộng hơn nữa thương hiệu Sứ Thiên Thành, nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm trong thời gian tới kết hợp giữa gỗ và các sản phẩm thiết bị vệ sinh để tạo ra dòng sản phẩm cao cấp nhằm mở rộng taaoj khách hàng.

Trong năm 2020, doanh thu của TTF đạt 1.214 tỷ đồng, tăng 69% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 18,11 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 30,54 tỷ đồng.

Theo ban Tổng giám đốc công ty so với kế hoạch đề ra, doanh thu chỉ đạt 69% mục tiêu do bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố như tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu thị trường của TTF giảm do các dự án lớn trong nước đều chững lại.

Công ty chủ động chia tay với khách hàng không hiệu quả và dành nhiều thời gian để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng. Đồng thời, cải tiến quy trình hoạt động ở tất cả các khâu.

Huy động nghìn tỷ qua phát hành riêng lẻ

HĐQT TTF trình nội dung đáng chú ý về việc dừng triển khai phương án phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ tại Ngân hàng TMCP Đông Á.

Bên cạnh đó, TTF dự kiến phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động vốn với số lượng hơn 59,4 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là gần 595 tỷ đồng. Đây là cổ phiếu ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi. Mức cổ tức cổ định là 12%/năm.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để tái cơ cấu nợ vay, bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.

Ngoài ra, cũng tại đại hội, TTF trình cổ đông phương án chào bán cổ phiểu riêng lẻ hoán đổi nợ với số lượng hơn 40,5 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương đương hơn 405 tỷ đồng.

Toàn bộ cổ phiếu phát hành sẽ được hoán đổi cho một chủ nợ là ông Bùi Hồng Minh. Mức cổ tức cố định là 6,5%.

Một tờ trình khác nữa là kế hoạch M&A công ty ngoại. Cụ thể, TTF sẽ đầu tư vào Công ty Natuzzi Singapore Pte.ltd có trụ sở tại Singapore. Giá trị đầu tư do HĐQT quyết định nhưng không vượt quá 20% vốn điều lệ Natuzzi. 

Trong đó, Natuzzi Singapore là đơn vị trực thuộc Natuzzi S.p.A., được thành lập năm 1959 và cũng là công ty nội thất lớn nhất của Italy cũng như giữ vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp đồ nội thất trên toàn cầu.

Song song, TTF còn lên chiến lược đẩy mạnh mảng xuất khẩu, trong đó tích cực nâng cao hợp đồng dài hạn, tập trung chủ lực vào thị trường Mỹ, Italy, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… thông qua các kênh bán lẻ. Công ty đang tiếp tục tìm đối tác tiềm năng trong lĩnh vực đồ gỗ nội thất để liên doanh.

Tại BCTC kiểm toán, tính đến ngày 31/12/2020, nhóm công ty gánh chịu khoản lỗ lũy kế với số tiền là 3.043,8 tỷ đồng, tổng nợ phải trả và nợ phải trả ngắn hạn cũng vượt hơn tổng tài sản và tài sản ngắn hạn với số tiền lần lượt là 584,9 tỷ đồng, 1.268,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhóm công ty cũng đã trình bày các khoản vay ngân hàng và bên thứ ba đã quá hạn thanh toán với số tiền là 124,4 tỷ đồng. 

Với các điều kiện này, kiểm toán cho rằng, có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty.

Phần thảo luận:

Vì sao cần phát hành riêng lẻ thêm 1.000 tỷ đồng (gồm 595 tỷ đồng huy động vốn và 405 tỷ đồng hoán đổi nợ)?

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF: Do vấn đề trong quá khứ chưa giải quyết xong, điển hình là xin hủy phương án năm ngoái phát hành mua lại khoản nợ ngân hàng Đông Á. Lúc đó định giá chỉ khoảng hơn 2.000 đồng, nhưng cuối cùng NHNN không đồng ý thủ tục khiến phương án không thành.

Ông Tín cho biết cộng hết gốc và lãi khoản nợ với ngân hàng Đông Á là 200 tỷ nhưng ngân hàng đồng ý giảm một phần lãi, chỉ lấy chi phí vốn (khoảng 38 tỷ), cuối cùng TTF còn 124 tỷ nợ gốc cùng chi phí vốn 6,5% là tròn 160 tỷ đồng. 

Sau khi trả xong sẽ xóa tên doanh nghiệp có nợ xấu, khi đó doanh nghiệp làm ăn có lãi, không bị âm vốn chủ sở hữu và không có nợ xấu thì TTF có thể vay tiền mặt bình thường và nhất là vay ngoại tệ với lãi suất thấp, ông Tín chia sẻ.

Năm ngoái định phát hành giá 2.000 đồng không thành, năm nay giá là 10.000 đồng thì tính khả thi thế nào?

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF: Năm ngoái có nhà đầu tư rồi nhưng xin NHNN thủ tục không được, một phần do giá thấp quá nên năm nay giá sẽ phải ở mức quy định là 10.000 đồng.

Dự kiến khi nào sẽ trả nợ cho ngân hàng Đông Á?

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF: Dự kiến trả ngay trong quý II/2021, để quý III có thể đi vay chỗ khác.

Khi nào giá cổ phiếu trở về "mặt đất"?

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF: Một khi thoát được nợ xấu, TTF sẽ chơi cuộc chơi hoàn toàn khác vì có quyền vay tiền mặt và ngoại tệ với mức lãi suất thấp.

Theo tôi cái thiếu lớn nhất của doanh nghiệp Việt là khả năng quản trị hiệu quả, khả năng quy tụ nhân tài, đây là căn cứ xác định doanh nghiệp này hơn doanh nghiệp kia 5-10% về mặt lợi nhuận. 

Tại TTF, những bước đi dù rất chung nhưng cốt lỗi tạo TTF là có khả năng quản trị tốt nhất trong ngành, có quyền đi mua, thuê lại nhà máy khác, vươn tầm hàng đầu khu vực để thu hút nhân tài tốt nhất trong lĩnh vực, để cạnh tranh chất xám.

Ông Tín cho hay dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau cổ phiếu sẽ trở lại mức 10.000 đồng.

Kế hoạch mua lại Natuzzi hiện không công bố giá trị mua lại nhưng nguồn vốn từ đâu?

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF: Theo kế hoạch công ty sẽ phát hành 1.000 tỷ đồng, nâng vốn từ 3.100 tỷ đồng lên 4.100 tỷ đồng, trong đó, một phần hoán đổi nợ với ông Bùi Hồng Minh khoảng 405 tỷ đồng là cổ phần ưu đãi cổ tức, lãi suất đang trả 6,5%; phần còn lại 595 tỷ đồng sẽ phát hành ra đại chúng.

Số tiền mua lại sẽ nằm trong 595 tỷ đồng, TTF mất 160 tỷ đồng trả nợ ngân hàng Đông Á, phần còn lại bổ sung vốn lưu động và mua lại 20% Natuzzi.

Quý I/2021 kết quả kinh doanh ra sao?

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF: Quý I này doanh thu tăng 150% so với năm ngoái, lãi chưa có vì mùa tết, dịch COVID-19 cộng thêm giá nguyên liệu, chi phí container tăng nhưng bức tranh tăng trưởng doanh số rõ ràng. 

"Dù khó khăn trong quý I, khi hầu như nhà máy đều lao đao, nhưng tình hình vẫn rất ổn để tin phần còn lại của năm nay vì đơn hàng đủ chạy đến cuối năm", ông Tín cho hay.

Hiện tại đơn hàng đã có đến cuối năm nay nhưng container vẫn tăng giá, có khi nào càng làm càng lỗ khi giá đơn hàng đã chốt?

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF: Vấn đề container là ngắn hạn, lý do chính khiến giá container tăng là do container tới Mỹ nhưng không có công nhân lao động cấp thấp lấy hàng vì dịch COVID-19 khiến người Mỹ làm việc ở nhà. 

Tuy nhiên, ông Tín cho rằng nước Mỹ nhạy bén với vắc xin, khi người lao động đi làm rồi thì vấn đề sẽ được giải quyết trong vài tháng tới. Ông Tín cho rằng vấn đề lớn là tăng giá nguyên liệu nhưng cũng sẽ ổn định trở lại khi vắc xin được cung cấp đầy đủ.

P. Dương