|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ông Lã Giang Trung: Thị trường chưa tạo đáy do định giá chưa đủ rẻ và nhà đầu tư không quá bi quan

07:30 | 11/08/2022
Chia sẻ
Theo ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment, một trong những yếu tố rất quan trọng để nhận diện "đáy" là định giá và tâm lý bi quan của nhà đầu tư.

Sau ba tháng liên tiếp giảm điểm mạnh từ vùng đỉnh 1.500 - 1.530, VN-Index đã phục hồi trở lại trong tháng 7/2022 từ vùng đáy ngắn hạn với mức tăng nhẹ 0,73% so với tháng trước. Như vậy, trong ngắn hạn chỉ số chính đang tạm thời  thoát khỏi xu hướng giảm giá kéo dài từ tháng 4/2022, phục hồi trên vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 và duy trì xu hướng tích lũy kiểm tra lại đỉnh cũ năm 2018. 

Bước sang tháng 8, tâm lý giao dịch của nhà đầu tư nhìn chung ở trạng thái lạc quan khi thị trường nối dài diễn biến tăng giá. VN-Index đã hồi phục hơn 100 điểm từ đáy và các chỉ báo như RSI hầu như đang ở mức khá cao vì gần như thị trường chưa có sự điều chỉnh đáng kể.

Theo quan điểm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường, cú hồi lần này sẽ đạt đỉnh khi những người cầm tiền sẽ nhảy vào mua thay vì tiếp tục đứng ngoài quan sát.

Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment.

Bình luận về vấn đề trên, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment nhận định đây là giai đoạn thị trường giá xuống, ngay cả trong thị trường giá xuống vẫn sẽ xuất hiện nhịp hồi. Tương tự với thị trường giá lên cũng sẽ xuất hiện những giai đoạn điều chỉnh. Thế nhưng chúng ta cần hiểu thị trường giá xuống bắt sóng hồi là đi ngược với xu hướng lớn và điều này khó hơn rất nhiều.

Thời gian gần đây Passion Investment có tham gia thị trường theo quan điểm đây là một sóng hồi của thị trường giá xuống và chúng tôi phải quản trị một cách chặt chẽ tỷ trọng rủi ro do xác suất thành công thấp hơn.

Trong sóng hồi những nhóm cổ phiếu đã chiết khấu rất sâu trong giai đoạn trước sẽ có cơ hội hồi phục lớn hơn so với các ngành chưa giảm nhiều. Vừa qua, chúng tôi đã giải ngân vào các nhóm ngành giảm mạnh 50 – 70% từ đỉnh như chứng khoán, bất động sản, thép,…

Trong giai đoạn thị trường “con gấu”, nhà đầu tư luôn cố gắng xác định những tín hiệu về việc thị trường tạo đáy. Thống kê của Flame University cũng chỉ ra một số tín hiệu khi thị trường ở vùng đáy như không có các thương vụ sáp nhập, thâu tóm, các thương vụ IPO, P/E thấp, tín dụng thắt chặt, tâm lý nhà đầu tư ở trạng thái bi quan,...

 (Ảnh chụp màn hình).

Theo ông Trung, một trong những yếu tố rất quan trọng để nhận diện "đáy" là định giá và tâm lý bi quan của nhà đầu tư.

Đầu tiên về định giá chúng ta có thể đánh giá thị trường hiện nay chưa phải rất rẻ, nghĩa là chưa phải ở giai đoạn đáy.

Thứ hai tâm lý của nhà đầu tư chưa quá bi quan bởi khi có sóng hồi lập tức các nhà đầu tư vẫn nhiệt tình tham gia. Vì vậy nếu thực sự là đáy, tâm lý của nhà đầu tư đã phải rất bi quan rồi và dù thị trường có lên cũng không nhiệt tình nữa. Trong khi gần đây có rất nhiều cổ phiếu mang tính đầu cơ, chỉ đợi có sóng hồi là lao vút lên ngay, còn khi ở đáy các cổ phiếu đầu cơ này đều đã "tan nát" hết rồi. Do vậy chuyên gia này đánh giá hiện tại vẫn chưa phải là thời điểm đáy của thị trường.

Còn theo quan điểm của ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của CTCP Chứng khoán SSI, việc dò đáy là rất khó bởi giống trong kinh tế học, "đáy" chỉ có thể nhận ra được khi chúng ta đã đi qua, và những nhà kinh tế học thường thấy được tình trạng suy thoái vài quý sau khi suy thoái bắt đầu.

Mặc dù rất khó đoạn định, ông Hưng đánh giá tâm lý bi quan chán nản là một trong các tín hiệu dễ nhận ra nhất. Thị trường tạo đáy thì có thể ở công ty số lượng người chán nản nghỉ việc tăng lên rất nhiều, đó cũng có thể là một dấu hiệu.

Thực ra trong đầu tư, như rất nhiều người giỏi như Mark Twain đã nói “History never repeats itself but it rhymes” nghĩa là lịch sử không bao giờ lặp lại, chỉ có giai điệu của nó giống nhau mà thôi. Có thể hiểu rằng ta có thể thấy hai sự kiện trong hiện tại và quá khứ rất giống nhau nhưng nó không giống nhau hoàn toàn.

Mặc dù ta có thể liệt kê ra 13 yếu tố khi thị trường ở đỉnh và đáy như thống kê phía trên nhưng có thể khi thực tế tạo đỉnh hoặc đáy, chỉ có một số dấu hiệu trùng lặp với quá khứ và thậm chí xuất hiện những yếu tố hoàn toàn mới. Cho nên việc nhìn vào những dấu hiệu và đánh giá, dự đoán về tạo đỉnh hoặc đáy không thực sự mang lại nhiều ý nghĩa.

Trải qua 22 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chứng kiến nhiều pha lập đỉnh và tạo đáy nhưng nhìn rộng ra trên bình diện thế giới, cả những thị trường phát triển như Mỹ có một thứ luôn lặp lại là tâm lý của con người.

Hoảng sợ thái quá, tham lam thái quá, những điều đó rất khó thay đổi và tạo nên cái chất, cái thú vị riêng của thị trường chứng khoán nói chung và thị trường cổ phiếu nói riêng.

Thu Thảo

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.