Ông Kim Jong-un sẽ gặp ông Putin vào ngày 24/4 tại Viễn Đông, Nga
Trợ lý tổng thống Nga Yury Ushakov, khi để cập một cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga và Triều Tiên hồi đầu tháng Tư đã nói phía Nga đã đưa ra các đề nghị cụ thể về ngày diễn ra cuộc gặp và rằng vấn đề đang được thảo luận, theo Tass.
Hôm thứ Sáu tuần trước, ông Putin đã chúc mừng ông Kim tái cử chức vụ chủ tịch Ủy ban Quốc vụ, cơ quan quyền lực cao nhất của Triều Tiên, và xác nhận ông sẵn sàng hợp tác với Bình Nhưỡng về các vấn đề cấp bách của khu vực.
“Ông Kim thân mến, tôi xin chân thành chúc mừng nhân dịp ông được bầu lại làm chủ tịch Ủy ban Quốc vụ của CHDCND Triều Tiên. Tôi tin tưởng rằng trên cương vị cao nhất của nhà nước, ông tiếp tục đóng góp vào quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước chúng ta và hai dân tộc và củng cố hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, ông Putin viết trong điện chúc mừng, được đưa lên website của điện Kremlin. Tổng thống Nga nhân dịp này xác nhận cam kết “hợp tác giải quyết các vấn đề song phương và khu vực”.
Ông Kim chưa từng gặp ông Putin
Đại biện Triều Tiên ở Moscow Jin Jong-hyuk hôm thứ Năm tuần trước nói Bình Nhưỡng trông đợi các chuyến viếng thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao Nga và Triều Tiên trong tương lai. “Chỉ từ tháng Ba đến nay… đã có 9 cuộc thảo luận liên chính phủ về hợp tác, tham vấn kinh tế ở cấp thứ trưởng ngoại giao, các đoàn viếng thăm thuộc Hội đồng liên bang Quốc hội Nga, Bộ Nội vụ, đã được tổ chức rất thành công. Một số cuộc viếng thăm cấp cao bàn về các chủ đề khác nhau, một loạt các hoạt động chung được trông đợi diễn ra trong năm nay”, vị đại biện nói tại một cuộc đón tiếp nhân dịp kỷ niệm 107 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il Sung).
Nhà phân tích địa chính trị Ankit Panda viết trên SCMP, điều đáng kể sau thượng đỉnh Hà Nội là báo chí Triều Tiên thường xuyên đưa tin về các sự kiện công khai, các cuộc đàm phán với Nga. “Nga là nước láng giềng của CHDCND Triều Tiên và quan hệ CHDCND Triều Tiên-Nga là quan hệ hữu nghị với chiều dài lịch sử”, KCNA viết trong một bài báo gần đây.
Ông Panda cho rằng “ông Kim Jong-un, không nghi ngờ gì nữa, đã nhận thấy sự khác biệt địa chính trị giữa Nga với phương Tây” là một cơ hội cho Bình Nhưỡng.
Riêng trong tháng Ba, báo chí Triều Tiên đưa tin về ba sự kiện chính có sự thạm dự của phía Nga.
“Trong bối cảnh ấy, và đặc biệt với kết quả của thượng đỉnh Hà Nội, chúng ta không cần phải ngạc nhiên nếu Triều Tiên chú ý đến những cơ hội mà có thể Nga nếu ra”, ông Panda viết. “Rõ ràng nếu ông Kim đang muốn thiết lập mối quan hệ sâu sắc hơn với Nga, tất cả là vì Mỹ”.