Ống dẫn nước bằng nhựa: Vật trung gian gây ô nhiễm nguồn nước
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay ống nhựa đã thay thế 60 - 70% các vật liệu truyền thống khác. Nhựa cũng đang là vật liệu chủ yếu để làm ống dẫn nước dùng cho các công trình dân dụng. Không chỉ là thiết bị cấp thoát nước nóng và lạnh trong các hộ gia đình, ống nhựa còn được sử dụng cho hệ thống tưới tiêu trong nông nghiệp và dẫn hóa chất trong công nghiệp.
Hiện nay nhiều hộ dân tại các khu đô thị phản ánh tình trạng lõi lọc nước bám đầy bùn đất, cặn bẩn. Theo các hộ dân tại các khu vực này, nước xả tại vòi trước khi qua máy lọc vẫn rất trong nên không nghĩ có thể lọc ra nhiều chất bẩn như thế.
Vì vậy, mặc dù sử dụng nước sạch đô thị nhưng nhiều gia đình vẫn thường xuyên gặp phải tình trạng viêm da, nấm tóc, đau mắt và nhiều bệnh liên quan đến da liễu, đường tiêu hóa khác. Nguyên nhân có phải chỉ do nguồn nước cung cấp không đảm bảo chất lượng hay còn do một nguyên nhân giấu mặt nào đó mà người dùng chưa nhận biết đươc? Một trong số đó có thể kể là do đường ống cấp nước trong mỗi công trình.
Ống nước chất lượng luôn là tiêu chí lựa chọn hàng đầu với mỗi gia đình. Ống nước có tốt mới đảm bảo cho ra nguồn nước sạch, tránh sự rò rỉ, thẩm thấu. Trên thực tế, hệ thống ống dẫn nước hiện nay còn tồn tại nhiều đường ống cũ, đã sử dụng hàng chục năm, dễ bị vỡ hoặc rò rỉ, khiến các vi sinh vật, virus, vi khuẩn, cặn bẩn, ion kim loại nặng độc hại như đồng, chì hay các độc tố như asen (thạch tín)… từ bên ngoài xâm nhập vào nguồn nước.
Chưa kể đến sau những lần xảy ra sự cố mất nước đột ngột đến khi cấp lại, áp lực nước bị thay đổi, các cặn bẩn đọng lại tích tụ nhiều năm trong đường ống cũng dễ bị cuốn theo dòng nước vào các hộ gia đình. Ngay cả hệ thống bồn chứa và đường ống dẫn nước trong chính gia đình cũng dễ bị nhiễm bẩn do không sục rửa thường xuyên. Hay đơn giản hơn, vòi nước kém chất lượng sẽ chứa nhiều kim loại độc hại bị thôi nhiễm vào nước.
Những năm gần đây, tại một số diễn đàn về công nghệ ống nước trên thế giới, các chuyên gia cho biết hiện vẫn chưa có bằng chứng nào khẳng định về sự an toàn tuyệt đối của ống nhựa như các nhà cung cấp đang quảng cáo.
Trong quá trình sản xuất ống nhựa, các nhà sản xuất thường thêm vào các chất phụ gia trong đó các hợp chất chì – chất ổn định nhiệt – được coi là các loại phụ gia nguy hiểm nhất. Nước nhiễm chì có thể xâm nhập qua da hoặc đường tiêu hóa vào cơ thể con người làm suy giảm thính giác, suy giảm chức năng tế bào huyết học, gây chậm lớn, IQ thấp đối với trẻ em và nguy cơ sinh non, sẩy thai, giảm khả năng sinh sản đối với người trưởng thành.
Ngoài ra, với đường ống nước bằng nhựa, sau một thời gian sử dụng, dưới tác động dòng chảy của nước, bên trong ống nhựa sẽ bị bào mòn tạo ra các gờ nhám, gây đóng cặn và tạo điều kiện cho vi sinh vật trú ngụ. Các chất bẩn trong nước tích tụ lâu ngày trong cơ thể qua đường uống nước sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.
Ý thức được điều này nên nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh… vẫn ưu tiên sử dụng ống đồng thay vì ống nhựa để đảm bảo nguồn nước sạch cho gia đình. Tuy nhiên, ống đồng chi phí quá cao nên không được sử dụng phổ biến tại Việt Nam.
Với nhiều ưu điểm vượt trội, inox đang là vật liệu được nghiên cứu để thay thế cho ống đồng và ống nhựa. Bởi ống inox đang được đánh giá là vừa có đầy đủ những ưu điểm của ống đồng vừa khắc phục được những nhược điểm của ống nhựa nhưng giá thành lại không quá cao. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cần phải có thời gian và nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm mang đến những sản phẩm chất lượng phục vụ người dân.