|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ôm tiền tỉ đi nộp lệ phí trước bạ

16:33 | 26/10/2019
Chia sẻ
Dù việc nộp lệ phí trước bạ điện tử với một số loại ôtô, xe máy đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP HCM từ tháng 3/2018, đến nay người dân vẫn phải nộp bằng tiền mặt, vừa rủi ro vừa mất thời gian.
 - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục đóng lệ phí trước bạ ôtô, xe máy tại Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh (TP.HCM). (Ảnh: Ngọc Hiển)

Dù việc nộp lệ phí trước bạ điện tử với một số loại ôtô, xe máy đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM từ tháng 3-2018, đến nay người dân vẫn phải nộp bằng tiền mặt, vừa rủi ro vừa mất thời gian.

Theo thông tư 05 của Bộ Tài chính hướng dẫn thí điểm về khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử với một số loại ôtô, xe máy tại Hà Nội và TP.HCM, từ ngày 16-3-2018 đến hết năm 2019, các tổ chức, cá nhân có thể khai, nộp hồ sơ khai lệ phí trước bạ điện tử tại cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế mà không phải ôm giấy tờ và tiền mặt đến nộp lệ phí trước bạ. Vì sao người dân vẫn phải nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy bằng tiền mặt?

“Ngay tại thủ đô, người dân đã sử dụng quen với các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong nộp tiền điện, nước, điện thoại... Thậm chí quán cà phê cũng chấp nhận thanh toán bằng cà thẻ, chuyển khoản... mà người dân vẫn phải nộp lệ phí trước bạ bằng tiền mặt là điều rất vô lý, gây nhiều phiền phức cho người dân.

Ông N.V.K. (Q.Hà Đông, Hà Nội)

Rủi ro và mất thời gian

Sau gần một giờ nộp hồ sơ liên quan đến lệ phí trước bạ cho chiếc xe máy mới mua tại Chi cục Thuế Q.Hà Đông (Hà Nội), ông N.V.K. (Q.Hà Đông) nhận được thông báo số tiền phải nộp, kèm theo là địa chỉ nộp tiền tại 1 trong 3 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn.

Chọn chi nhánh ngân hàng gần nhất, cách cơ quan thuế khoảng 2km cùng với thêm một lần xếp hàng chờ nộp lệ phí và lấy biên lai, ông K. mất trọn cả buổi chiều.

Kể lại "hành trình", ông K. bức xúc cho rằng việc thí điểm nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với xe máy, ôtô tại Hà Nội đã được triển khai từ tháng 3-2018, nhưng đến nay người dân vẫn phải "chờ đợi và thanh toán bằng tiền mặt là điều bất hợp lý".

Tương tự, ông N.V.H. (tổ đăng ký xe của một đại lý xe hơi tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết để nộp lệ phí trước bạ xe phải thực hiện theo quy trình gồm các bước như điền thông tin vào tờ khai, nộp hồ sơ cho cơ quan thuế và... chờ đợi (khoảng một giờ) mới nhận được tờ thông báo nộp LPTB.

Sau khi có giấy thông báo nộp lệ phí trước bạ xe, ông H. lại phải chạy qua ngân hàng để nộp. Chiều cùng ngày, ông mang biên lai đã đóng lệ phí để làm thủ tục đăng ký xe tại điểm đăng ký xe An Sương (Q.12).

"Mỗi lần đi làm thủ tục khai và nộp lệ phí trước bạ, tôi phải ôm vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng, thậm chí có khách hàng là doanh nghiệp mua vài xe cùng một lúc, số tiền đi nộp lệ phí trước bạ lên đến cả tỉ đồng tiền mặt. Cầm tiền mặt nhiều sợ lắm, lỡ bị cướp giật thì phải đền và rất nguy hiểm đến tính mạng" - ông H. nói.

Khi đến ô "đăng ký xe" ở một số chi cục thuế tại TP.HCM hỏi về thủ tục đăng ký khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với xe máy, chúng tôi được nhân viên tại đây thông báo chưa thực hiện thu phí điện tử, rồi phát cho mẫu tờ khai lệ phí trước bạ để điền thông tin trước khi đến kho bạc hoặc các ngân hàng có liên kết đóng lệ phí.

Chờ sửa đổi thủ tục?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lý Thị Hoài Hương - phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế - thừa nhận việc nộp thuế, lệ phí điện tử là nhu cầu tất yếu của người dân. 

Bởi khi đi nộp lệ phí trước bạ cho những ôtô, xe máy có giá trị lớn, người dân phải ôm nhiều tiền mặt, vô cùng bất cập.

Do đó, từ năm 2016, ngành thuế đã bắt tay xây dựng hệ thống điện tử trong việc nộp thuế nhà, đất và phương tiện ôtô, xe máy. Với xe máy và ôtô, Bộ Tài chính đã có bảng giá lệ phí trước bạ xe thống nhất trên toàn quốc nên người dân biết rõ mức phải nộp cho từng loại xe. 

"Nhưng việc thí điểm nộp lệ phí trước bạ điện tử tại Hà Nội và TP.HCM sẽ triển khai trong năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ" - bà Hương nói.

Giải thích về việc gia hạn sang năm 2020, bà Hương cho biết do giữa cơ quan thuế, ngân hàng và cơ quan công an phải thống nhất cơ sở dữ liệu. Ngành thuế, công an và ngân hàng đang thử nghiệm để đảm bảo thí điểm thật tốt và thuận lợi. 

"Căn cứ vào đề xuất của Bộ Tài chính, trong nghị định 20 năm 2019, Chính phủ yêu cầu thống nhất chuẩn kết nối dữ liệu và tổ chức triển khai thí điểm khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử trong năm 2020 tại Hà Nội và TP.HCM" - bà Hương nói thêm.

Ông Cao Anh Tuấn - tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cũng khẳng định ngành thuế đã nhiều lần làm việc với đại diện Bộ Công an để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thí điểm nộp lệ phí trước bạ điện tử, trước khi thực hiện mở rộng trên toàn quốc. 

"Một mình ngành thuế không thể triển khai nộp lệ phí trước bạ điện tử được, bởi dữ liệu điện tử phải được gửi sang cơ quan công an để chấp nhận" - ông Tuấn nói.

Một cán bộ Cục Cảnh sát giao thông cho biết đang sửa đổi thông tư 15 năm 2014 của Bộ Công an để tiếp nhận dữ liệu điện tử mà ngành thuế chuyển sang. "Bởi quy định hiện chưa đề cập đến chứng từ nộp lệ phí trước bạ điện tử, mà chỉ chấp nhận biên lai hoặc giấy nộp tiền vào ngân hàng bằng tiền mặt hoặc séc qua kho bạc hoặc giấy ủy nhiệm chi qua ngân hàng" - vị này thông tin.

Chỉ mất... 5 phút để nộp

Theo bà Lý Thị Hoài Hương, việc khai và nộp lệ phí trước bạ điện tử trước mắt mới chỉ triển khai với xe mới. Khi nộp lệ phí trước bạ điện tử, người đăng ký xe lên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để kê khai duy nhất thông tin số giấy chứng nhận do đăng kiểm cấp. Cơ quan thuế sẽ kết nối với cơ quan đăng kiểm để lấy dữ liệu đăng kiểm xe như số khung, số máy, loại xe.

Sau khi nhận được tờ khai của người dân, cơ quan thuế sẽ chuyển dữ liệu điện tử sang ngân hàng, đồng thời gửi tin nhắn báo mã hồ sơ và số tiền phải nộp về địa chỉ email và số điện thoại mà người dân đăng ký. 

Ngay sau khi nhận được thông tin của cơ quan thuế, người dân có thể nộp lệ phí trước bạ điện tử. Khi người dân nộp đủ, ngân hàng sẽ thông báo cho cơ quan thuế trước, còn hồ sơ được chuyển sang cơ quan công an.

"Sau khi cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế nhận được xác nhận thành công từ hệ thống ứng dụng của Cục CSGT về việc nhận được dữ liệu nộp lệ phí trước bạ điện tử, trong thời gian tối đa 15 phút, cơ quan thuế phải gửi thông báo vào email và điện thoại cho người dân biết để đến cơ quan công an làm thủ tục đăng ký và cấp biển số cho phương tiện" - bà Hương cho biết.

Tuy nhiên, đây là quy định tối đa về thời gian hoàn thành thủ tục nộp lệ phí trước bạ điện tử, trong khi thực tế thử nghiệm chỉ kéo dài trong 5 phút. 

"Với số thu lệ phí trước bạ ôtô, xe máy trong mấy năm gần đây mức không nhỏ, như năm 2018 đạt gần 27.000 tỉ đồng, việc thực hiện khai và nộp bằng điện tử là vô cùng ý nghĩa, giảm thời gian cũng như chi phí đi lại rất lớn cho người đi nộp lệ phí trước bạ" - bà Hương nói.

Đại diện Cục CSGT cũng cho biết theo nghị định 20 năm 2019 của Chính phủ, trong năm 2020 sẽ thực hiện thí điểm bỏ hồ sơ giấy, thực hiện điện tử hóa khi nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy mới ở Hà Nội và TP.HCM. 

"Do đó, sau khi khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử xong, người dân sẽ không phải mang hồ sơ giấy đến cơ quan công an như hiện nay. Còn về quy trình đăng ký, người dân vẫn phải mang xe đến để đối chiếu số khung, số máy" - vị này cho biết.

Trong công văn vừa gửi Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho biết quy định hiện hành không hạn chế các tổ chức trung gian thanh toán tham gia thu thuế điện tử.

Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản hướng dẫn việc nộp thuế điện tử qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, nên thời gian tới sẽ triển khai cho các trung gian thanh toán thực hiện thu lệ phí trước bạ điện tử.

Tùy chọn hình thức nộp lệ phí trước bạ

Sau năm 2020 thực hiện xong việc thí điểm lệ phí trước bạ điện tử ở Hà Nội và TP.HCM, theo Tổng cục Thuế, các cơ quan liên quan như thuế, công an và ngân hàng sẽ ngồi lại để đánh giá xem có thể mở rộng thí điểm hay triển khai rộng ra toàn quốc.

Tuy nhiên, trường hợp nào muốn kê khai và nộp điện tử sẽ thực hiện theo điện tử hóa. Nếu muốn kê khai và nộp như lâu nay, người dân vẫn thực hiện bình thường. Trong thực tế, tại các địa phương vùng sâu vùng xa, người dân cũng chưa quen với khai và nộp điện tử, ngành thuế vẫn phải nhận kê khai và nộp bằng giấy.

L.Thanh - N.Hiển