ODA không hoàn lại chưa hẳn là “ngon, bổ, rẻ”
Đến nay, Việt Nam mới quan tâm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Giai đoạn 2000-2016, một loạt công trình thủy điện nhỏ và vừa được rất nhiều nhà tài trợ cấp vốn xây dựng, trong khi tại thời điểm đó các nước phát triển đang nghiên cứu và lắp đặt công nghệ năng lượng tái tạo như năng lượng sức gió hay năng lượng mặt trời và tránh xa thủy điện bởi nó gây rất nhiều tác hại tới môi trường, sinh thái.Ảnh: THÀNH HOA |
Tại Việt Nam, nguồn vốn ODA được thực hiện theo cả ba hình thức nêu trên với tỷ lệ tương ứng như sau: ODA viện trợ không hoàn lại (10-12%), ODA vay ưu đãi (80%) và ODA hỗn hợp (8-10%). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1993-2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỉ đô la Mỹ; tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỉ đô la Mỹ, bình quân 3,5 tỉ đô la Mỹ/năm(1).
Lượng vốn ODA cam kết cũng như giải ngân tại Việt Nam được đánh giá là tương đối cao so với các nước có cùng mức thu nhập trung bình thấp. Sự hiện diện của các dự án ODA trên khắp các tỉnh, thành, đặc biệt là viện trợ không hoàn lại, khiến nhiều người nghĩ tới một nguồn vốn “ngon, bổ, rẻ” có thể sử dụng thoải mái mà không phải lo nghĩ tới việc trả nợ và lãi như những nguồn vốn khác như trái phiếu chính phủ, vay thương mại…
Lợi ích
Lợi ích đầu tiên, rõ nét nhất và không thể phủ nhận thể hiện rất rõ trong chính tên gọi của nguồn vốn này đó chính là không hoàn lại. Nhà đầu tư sẵn lòng bỏ ra một khoản tiền lớn từ vài trăm ngàn tới hàng triệu đô la Mỹ cấp cho các cơ quan chính phủ, đơn vị nhà nước, các cơ quan phi chính phủ… để sử dụng cho các hoạt động phát triển. Đơn vị sử dụng dường như chỉ có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn hiệu quả mà không cần phải lo lắng tới áp lực trả nợ bao gồm thời gian trả nợ, lãi suất vay, đồng tiền thanh toán, tỷ giá…
Thứ hai, các nguồn vốn ODA trong đó có viện trợ không hoàn lại thường khá dễ tiếp cận. Tính tới thời điểm hiện tại thì Việt Nam đã có trên 50 nhà tài trợ là các chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế với số lượng vốn cam kết cho vay cao hơn rất nhiều so với số lượng vốn được ký kết. Đặc biệt trong những năm gần đây, trước sự ra đời của một loạt ngân hàng đa phương như AIIB, NDB… cạnh tranh với các nhà tài trợ truyền thống gồm nhóm sáu ngân hàng phát triển (WB, ADB, AFD, KfW, JBIC và Kexim) thì thị trường cung vốn ODA cũng trở nên dồi dào và cạnh tranh hơn rất nhiều.
Thứ ba, quy trình, thủ tục và trách nhiệm của người đi vay vốn ODA nhẹ nhàng hơn nhiều so với các hình thức vay khác như phát hành trái phiếu chính phủ. Trong khi đó, khả năng vay được, thời hạn trả, lãi suất đều ưu đãi hơn.
Với một loạt ưu điểm trên thì không thể phủ nhận ODA, đặc biệt là ODA viện trợ không hoàn lại, là nguồn vốn “ngon”. Còn nguồn vốn này có “bổ” và “rẻ” không thì còn cần phải xem xét bởi từ xa xưa ông cha ta đã đúc kết được một câu thành ngữ rất chính xác, đó là “bánh ít đi, bánh chì lại”.
Tác hại
Đây giống như hàng khuyến mãi giá trị lớn khi người tiêu dùng mua một sản phẩm đắt tiền. Nếu người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm là gói vay ưu đãi thì đương nhiên sẽ không được hưởng khoản viện trợ “cho không” này. |
Các tổ chức tài trợ sẽ không dễ dàng cấp một khoản viện trợ không hoàn lại mà không có điều kiện ràng buộc. Thông thường, khoản viện trợ không hoàn lại này sẽ là khoản hỗ trợ trong một gói cho vay ưu đãi. Nói một cách dễ hiểu thì đây giống như hàng khuyến mãi giá trị lớn khi người tiêu dùng mua một sản phẩm đắt tiền. Nếu người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm là gói vay ưu đãi thì đương nhiên sẽ không được hưởng khoản viện trợ “cho không” này.
Ngay cả khi đã nhận được khoản viện trợ không hoàn lại không đi kèm với khoản vay ODA khác, Việt Nam cũng phải chấp nhận một số quy định ràng buộc như phải mua các sản phẩm từ nước cấp vốn hoặc các thành viên trong tổ chức cấp vốn trong khi không thật sự cần thiết hoặc có nhiều sự lựa chọn khác tốt hơn, hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm hơn. Đây là cách mà hầu hết các nước cấp vốn sử dụng để tránh thất thoát túi tiền của mình đồng thời có thể hỗ trợ và tăng ưu thế của nước mình trên các bàn đàm phán song phương hoặc đa phương.
Việc các dự án bắt buộc phải sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại để thuê tư vấn của chính nước cung cấp viện trợ với chi phí cao hơn hẳn so với giá trên thị trường lao động thế giới không phải là hiếm gặp ở các dự án trong lĩnh vực đào tạo, tư vấn, nông nghiệp và lâm nghiệp tại Việt Nam. Trong khi đó, thay vì trả mức lương “trên trời” cho các chuyên gia này, chúng ta có thể sử dụng nó để thuê các chuyên gia trong nước với chi phí hợp lý và có nhiều hiểu biết về Việt Nam hơn.
Hơn thế nữa, rất nhiều dự án buộc phải sử dụng hoặc mua các thiết bị hoặc dây chuyền công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả trong khi thế giới đã bỏ đi từ lâu. Ví dụ như trường hợp một loạt công trình thủy điện nhỏ và vừa được rất nhiều nhà tài trợ cấp vốn xây dựng trong những năm 2000-2010, trong khi tại thời điểm đó các nước phát triển đang nghiên cứu và lắp đặt công nghệ năng lượng tái tạo như năng lượng sức gió hay năng lượng mặt trời và tránh xa thủy điện bởi nó gây rất nhiều tác hại tới môi trường, sinh thái.
Trên lý thuyết thì Việt Nam có toàn quyền quản lý, sử dụng ODA viện trợ không hoàn lại nhưng thông thường, các danh mục dự án cũng phải có sự thỏa thuận, đồng ý của nước viện trợ, dù không trực tiếp điều hành dự án nhưng họ có thể tham gia gián tiếp dưới hình thức nhà thầu hoặc hỗ trợ chuyên gia. Hay nhiều trường hợp, chính chính phủ các nước phát triển trực tiếp tài trợ cho doanh nghiệp nước họ, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp này trong quá trình tìm kiếm đối tác tại Việt Nam thay vì để Việt Nam tự chủ trương.
Ngoài ra, tình trạng thất thoát, lãng phí, quy hoạch sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại chưa hợp lý; trình độ quản lý thấp, thiếu kinh nghiệm trong quá trình tiếp nhận cũng như xử lý, điều hành dự án… khiến cho hiệu quả và chất lượng các công trình đầu tư bằng nguồn vốn này còn thấp trong khi chúng ta đang phải chắt chiu từng đồng vốn.
Như vậy, ODA viện trợ không hoàn lại không hẳn đã là “ngon, bổ, rẻ” như chúng ta bấy lâu nay vẫn tưởng. Kể cả không phải trả lãi, trả phí, trả tiền đã sử dụng thì chúng ta vẫn phải trả một thứ khác mà có thể không đong, đếm được hay không dễ nhìn thấy được trong hiện tại (mà sẽ bộc lộ trong tương lai). Hơn nữa, nguồn vốn này sẽ càng trở nên đắt đỏ và có tác hại lớn nếu như không được sử dụng một cách hiệu quả và hợp lý.
(1) http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/20-nam-viet-nam-vay-80-ty-usd-von-tai-tro-oda-255110.html