|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ồ ạt chuyển nhà lên HOSE, ngân hàng được và mất gì?

14:14 | 16/06/2020
Chia sẻ
Tại mùa đại hội cổ đông năm nay, một loạt ngân hàng lên kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu sang HOSE. Chuyển sàn sẽ giúp cổ phiếu tăng thanh khoản, vị thế, uy tín... nhưng cùng đi cùng với đó là yêu cầu nâng cao các tiêu chuẩn về vốn hóa, tính minh bạch và hiệu quả hoạt động.

Loạt ngân hàng xin chuyển niêm yết sang HOSE

Câu chuyện chuyển sàn niêm yết bắt đầu nóng trở lại trong mùa đại hội cổ đông thường niên năm nay khi một loạt ngân hàng công bố kế hoạch "dời nhà" lên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE).

Mới nhất, cổ đông ACB đã thông qua kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE. Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Đỗ Minh Toàn, ACB sẽ cố gắng thực hiện trong 2020, chia làm hai bước trong đó bước 1 là chốt cổ tức bằng cổ phiếu vào tháng 9 sau đó tháng 11, tháng 12 sẽ chuyển sàn sang HOSE

 "Xét ACB là tổ chức có qui mô vốn hóa lớn hàng đầu trên thị trường chứng khoán niêm yết và hiệu ứng chuyển sàn, HĐQT nhận thấy đây là thời điểm cần chủ động chuyển đăng kí niêm yết có thể đem lại một số lợi ích như: Cổ phiếu ACB nhiều khả năng sẽ được lọt vào rổ chỉ số của HOSE với tỉ trọng đáng kể như VN30 (tỉ trọng khoảng 4%), VNDIAMOND, VNFINSELECT, VNFINLEAD … ", tờ trình của HĐQT ACB nêu rõ.

Tương tự ACB, một "ông lớn" khác trên sàn HNX là SHB cũng đã được cổ đông thông qua phương án chuyển sàn niêm yết trong năm nay.

Nói về lí do chuyển sàn, ban lãnh đạo SHB cho biết, việc chuyển sàn là nhằm thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh hình ảnh của SHB tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là các tổ chức kinh tế lớn có uy tín, nâng cao vị thế của ngân hàng trên thị trường chứng khoán.

Ngoài hai ông lớn trên sàn HNX muốn "chuyển nhà", nhiều ngân hàng khác cũng đang có kế hoạch lên niêm yết trực tiếp cổ phiếu trên HOSE từ thị trường UPCoM hoặc thị trường phi tập trung (OTC).

Tại đại hội cổ đông thường niên 2020 tới đây, VIB sẽ trình cổ đông việc niêm yết trên sàn HOSE trong năm nay sau hơn 3 năm giao dịch trên UPCoM.

Theo ban lãnh đạo ngân hàng, đây là một thông tin rất tích cực cho nhà đầu tư khi cổ phiếu VIB nhiều năm qua được đánh giá trong nhóm cổ phiếu ngân hàng được săn đón nhưng nhiều tổ chức và các quĩ lớn chưa đưa được vào danh mục đầu tư do vẫn còn giao dịch trên UPCoM.

Nếu được cổ đông thông qua, HĐQT VIB sẽ được ủy quyền quyết định thời gian niêm yết sau khi hoàn tất việc tăng vốn bằng cổ phiếu thưởng.

Trong tờ trình đại hội mới được công bố, HĐQT LienVietPostBank cho biết sẽ hoàn thành việc chuyển đăng kí giao dịch cổ phiếu từ hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM) sang niêm yết tại HOSE trong năm 2020.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra mới đây, VietBank thông báo ngân hàng đã đủ điều kiện để niêm yết trên HOSE và giao cho Hội đồng quản trị quyết định thời điểm niêm yết cụ thể khi thời cơ và điều kiện thị trường cho phép.

Trước đó, cổ đông SeABank cũng thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu ngân hàng trên HOSE trong năm 2020. Đây là năm thứ ba liên tiếp, SeABank lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chính thức sau hai năm lỡ hẹn vì nhiều nguyên nhân. 

Được biết, cổ phiếu của SeABank đang được giao dịch trên sàn OTC với giá giao dịch gần nhất 14.200 đồng/cp.

Niêm yết sang HOSE, ngân hàng được và mất gì?

Hiện tại, trong số 31 ngân hàng đang hoạt động trên thị trường thì mới có 18 cổ phiếu ngân hàng đang được giao dịch trên sàn chứng khoán.Trong đó số lượng cổ phiếu niêm yết trên HOSE chiếm áp đảo với 10 mã gồm VCB, CTG, BID, TCB, MBB, VPB, HDB, EIB, STB, TPB; 3 cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX là ACB, SHB, NVB và 5 cổ phiếu niêm yết trên sàn UPCoM là LPB, VIB, VBB, BAB, KLB.

Tính đến ngày 15/6/2020, HOSE có 382 doanh nghiệp niêm yết với vốn hóa của toàn sàn đạt gần 2,9 triệu tỉ đồng, gấp 14 lần HNX và 3,5 lần UPCoM. Với qui mô lớn như vậy, việc chuyển sang niêm yết trên HOSE sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng có tính thanh khoản cao hơn, nâng cao vị thế, tạo uy tín và cơ hội thu hút vốn đầu tư cho đơn vị niêm yết.

Nói về lợi ích của việc chuyển sàn ban lãnh đạo ACB cho biết, việc chuyển sàn có thể giúp làm tăng giá trị thị trường cổ phiếu và đem lại lợi ích cho các cổ đông. Hơn nữa chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quĩ đầu tư sử dụng làm tham chiếu đo lường hiệu quả đầu tư.

Tuy nhiên đi cùng với những ưu điểm trên, HOSE cũng có yêu cầu cao hơn về các tiêu chuẩn vốn hóa, tính minh bạch và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.

Theo Nghị định 58, để được niêm yết trên HOSE, doanh nghiệp cần đạt được các tiêu chuẩn cao hơn về hiệu quả hoạt động, công bổ thông tin, qui định cổ đông… so với HNX và UPCoM.

Cụ thể, đối với các tiêu chí hiệu quả hoạt động, HOSE qui định doanh nghiệp niêm yết phải có hoạt động kinh doanh hai năm liền trước có lãi, nhiều hơn một năm so với HNX yêu cầu.

Về cơ cấu cổ đông, HOSE yêu cầu doanh nghiệp phải có tối thiểu 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ ít nhất 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty. Đối với HNX, tiêu chuẩn này là tối thiểu 100 cổ đông nắm giữ ít nhất 15% số cổ phần.

Đặc biệt, HOSE có tiêu chuẩn niêm yết cao hơn về việc công bố thông tin. Theo đó, doanh nghiệp phải công khai mọi khoản nợ đối với công ty của người nội bộ, cổ đông lớn và những người có liên quan.

Quốc Thụy