Nước mắm làm cổ phiếu Masan rớt giá?
Cụ thể, mở đầu phiên giao dịch chiều 21.10, cổ phiếu MSN tiếp tục phiên giảm thứ 13 liên tiếp. Hiện giá cổ phiếu MSN chỉ còn 66.300 đồng/CP, giảm 5,6% so với thời điểm đầu tháng 10 (giá 70.300 đồng/CP vào ngày 30.9).
Cuộc chiến nước mắm công nghiệp và truyền thống đang khá gay gắt (ảnh IT) |
Theo nhận định của một số chuyên gia chứng khoán thì nguyên nhân “cuộc chiến nước mắm” thời gian qua có thể là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu MSN giảm. Theo đó, khi thông tin về nước mắm công nghiệp chỉ gồm công thức: nước + muối + hóa chất… được một cơ quan truyền thông công bố vào đầu tháng 10 này khiến người tiêu dùng trở nên khá e dè với sản phẩm nước mắm công nghiệp thì ngay lập tức giá cổ phiếu MSN quay đầu.
Sau đó MSN cũng có một vài “phản pháo” về thông tin trên nhưng giá cố phiếu MSN vẫn tiếp tục giảm giá nhẹ. Nguyên nhân lớn nhất là vì nước mắm vẫn là ngành có tỷ suất lợi nhuận lớn nhất nhì của Masan (biên lợi nhuận gộp của Masan là hơn 50%).
Gần đây nhất (ngày 17.10), khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố thông tin nước mắm truyền thống chứa arsen (thạch tín) làm hoang mang người tiêu dùng nhưng thông tin này cũng không khiến giá cổ phiếu MSN quay đầu. Ngày 20.10, Masan tung ra chiến dịch quảng bá 2 sản phẩm nước chấm không có thạch tín nhưng giá cổ phiếu MSN vẫn tiếp tục lao đầu đầu giảm thêm 300 đồng/CP.
Được biết, Masan bắt đầu tấn công vào lĩnh vực nước mắm từ năm 2007 với thương hiêu Chinsu và sau đó ra đời Nam Ngư năm 2008. Sau khi tấn công vào thị trường nước mắm, Masan đã nhanh chóng "lật đổ" vị trí số 1 của Knorr Phú Quốc (Công ty Unilever VN) để chiếm hơn 70% thị phần thị trường nước mắm trên cả nước.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại theo báo cáo thường niên năm 2015 của Masan, hai nhãn hiệu nước mắm công nghiệp Chinsu và Nam Ngư thị phần giảm nhẹ, hiện đang nắm giữ 65% thị phần nước mắm.
Theo Quốc Hải