|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nửa triệu người lao động ở TP HCM 'nhảy việc' sau Tết: Ác mộng 'đến hẹn lại lên' của doanh nghiệp

13:58 | 22/02/2019
Chia sẻ
Dù giới doanh nghiệp áp dụng nhiều biện pháp để giữ chân người lao động từ trước Tết cổ truyền, số người bỏ việc vẫn lên tới 500.000 sau dịp Tết.

Khoảng 500.000 lao động “nhảy việc” sau Tết Kỷ Hợi

Là công nhân của một công ty dệt may tại quận 12, TP HCM, cuộc sống gia đình chị Nguyễn Diệu Hiền (quê ở tỉnh Tiền Giang) vẫn khá chật vật dù cả hai vợ chồng đều chi tiêu tiết kiệm. Chị cho biết: “Mức lương tối thiểu với công nhân vùng 1 ở thành phố hiện tại là 4.180.000 đồng, không đủ để trang trải cuộc sống với các khoản vật giá, chi phí leo thang hiện nay”.

Đây là lý do mà năm nay là năm thứ hai chị Hiền phải “đổi việc” vào đầu năm mới. Chị tâm sự: “Tôi đã có ý định bỏ việc từ lâu do lương thưởng thấp quá, nhưng ráng nấn ná chờ đến Tết để nhận thưởng. Vừa nhận lương tháng 13 và các khoản thưởng Tết tôi đã nộp luôn đơn xin nghỉ việc để qua Tết tìm kiếm công việc mới tốt hơn”.

nua trieu nguoi lao dong nhay viec sau tet ac mong den hen lai len cua doanh nghiep
Người lao động có xu hướng "nhảy việc" để tìm công việc mới tốt hơn sau dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Ảnh: Như Huỳnh

Đây không phải là trường hợp hiếm. Số liệu thống kê từ Trung tâm dự báo nguồn nhân lực cho biết, sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi, TP HCM đang thiếu khoảng 500.000 lao động, chủ yếu ở các ngành như công nghiệp điện tử, bất động sản, dệt may, da giày, kế toán, quản lý nhân sự…Nguyên nhân là do người lao động sau Tết nhận công việc mới có mức lương thưởng cao hơn, hoặc gần nhà, nên đã không trở lại TP HCM.

Theo nhiều người, hiện tượng “nhảy việc” sau Tết của người lao động diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp chăm sóc người lao động không tốt khiến họ không muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. "Khi thấy những thông tin về việc làm tốt hơn ở nơi khác, người lao động dễ quyết định bỏ nơi làm cũ không mấy hấp dẫn và thời điểm nhảy việc thường là sau dịp nghỉ Tết hằng năm", bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Công Ty TNHH International Food Master, nhận định.

Tình trạng biến động nhân sự sau Tết thường diễn ra đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã cố gắng điều chỉnh lương thưởng và có nhiều ưu đãi cho người lao động. Nhưng do chi phí ở thành phố khá đắt đỏ, cũng như sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp khác nên doanh nghiệp không thể bù đắp lâu dài.

Ông Lý Huy Sáng, phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Long, giãi bày: “Tăng lương thưởng cho lao động cũng không phải là cách hiệu quả vì khi mình tăng thì các công ty khác cũng tăng để thu hút lao động, nhất là các công ty ở các tỉnh thành lẻ, có xu hướng thu hút lao động gần nhà”.

Các doanh nghiệp lo ngại, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực và đang thúc đẩy các ngành hàng sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày phát triển. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực này cũng tăng, kéo theo phong trào mở rộng quy mô trong năm 2019.

Song với tình trạng thiếu nhân sự như hiện nay, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức trong việc tuyển dụng và giữ người lao động.

Giải pháp giữ người lao động đã thật hiệu quả?

Sau kỳ nghỉ dài của Tết Nguyên đán, đơn hàng chậm hơn so với trước đó nên nhiều doanh nghiệp lo lắng khi số lao động còn lại khó có thể đáp ứng tiến độ đơn hàng. Để bù đắp nhân lực thiếu hụt, nhiều công ty gấp rút tuyển dụng người lao động sau Tết.

Số liệu từ Trung tâm dịch vụ việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp, Ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp TP HCM cho biết, trong quý 1/2019 có 34 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng gần 4.000 lao động.

nua trieu nguoi lao dong nhay viec sau tet ac mong den hen lai len cua doanh nghiep
Các doanh nghiệp TP HCM đang gấp rút "bù đắp" tình trạng thiếu hụt 500.000 lao động năm 2019. Ảnh: Như Huỳnh

Ngoài giải pháp tuyển dụng, để giữ chân lao động quay lại làm việc sau Tết, đảm bảo sản xuất, nhiều doanh nghiệp cho người lao động ứng lương hoặc hỗ trợ tiền vé tàu xe, chi trả tiền phép năm... Tuy nhiên, những nơi làm theo cách này không nhiều. Vì thế, nhiều doanh nghiệp giữ người bằng cách "giam" lại lương, thưởng để buộc họ trở lại công ty. Đó chỉ là giải pháp trước mắt để giải quyết bài toán nhân sự sau Tết. Sâu xa hơn, nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng lao động bỏ việc, nghỉ việc, doanh nghiệp cần những giải pháp thiết thực hơn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Công Ty TNHH International Food Master, phát biểu: “Công ty quan tâm đến đời sống người lao động với chế độ phúc lợi tốt hơn, lương tương xứng, trả đúng hạn, các chế độ bảo hiểm bắt buộc được đóng và hưởng đầy đủ... Về các khoản thưởng cuối năm, công ty cũng chi xứng đáng với năng suất làm việc trong năm cho lao động để người lao động gắn bó hơn với công ty”.

Bàn về giải pháp giữ chân người lao động, ông Lý Huy Sáng nói: “Công ty đã xây dựng những khu nhà trọ tập thể, nhà ở xã hội giá rẻ dành cho công nhân, cùng các khu giữ trẻ gần nơi làm việc để đáp ứng những nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động, các doanh nghiệp cho rằng cần cần ứng dụng khoa học công nghệ, hạn chế sử dụng nhiều lao động, dịch chuyển các phân xưởng, nhà máy sản xuất về các tỉnh thành có nguồn lao động dồi dào để tận dụng lao động nhàn rỗi cũng là những giải pháp hiệu quả cho bài toán thiếu hụt lao động.

Xem thêm

Như Huỳnh

Nhà đầu tư chứng khoán thận trọng trước hai luồng thông tin trái chiều
Thị tường chứng khoán tuần qua chỉ giao dịch trong 2 ngày, nhưng đã cho thấy sự thận trọng của giới đầu tư khi chỉ số tăng, trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp. Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều.