|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nữ chủ tịch công ty BĐS khuyên con đang du học ở Mỹ về nhà tránh dịch COVID-19 và câu trả lời bất ngờ của người con

19:05 | 18/03/2020
Chia sẻ
Đáp lại lời khuyên mong con về nước tránh dịch và sự lo lắng của người mẹ, Nguyễn Minh Phương, nữ du học sinh 21 tuổi tại Mỹ đã có câu trả lời khiến mẹ cô vô cùng bất ngờ.

Những ngày dịch COVID-19 bùng phát và hoành hành ở châu Âu và châu Mỹ, nhiều bậc cha mẹ có con đang du học tại các quốc gia này như "ngồi trên đống lửa", không ít người đã phải mất ngủ trăn trở trước các lựa chọn nên cho con về nước tránh dịch hay ở lại.

Chị Phạm Thị Lam, Chủ tịch HĐQT một công ty bất động sản tại Hà Nội là một trong những người mẹ như thế. Chị có cô con gái đầu đang du học tại Mỹ ngành truyền thông năm thứ 3. 

Cũng như hầu hết các bà mẹ Việt, chị Lam có tư tưởng "mẹ là nhà, không nơi đâu an toàn bằng nhà mình", thế nên ngay khi Mỹ bắt đầu ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, chị đã lập tức nói chuyện với con gái và muốn con về nhà ngay.

Nữ chủ tịch công ty BĐS khuyên con đang du học ở Mỹ về nhà tránh dịch COVID-19 và câu trả lời bất ngờ của người con - Ảnh 1.

Nhiều du học sinh trăn trở trước các lựa chọn có nên về nước tránh dịch hay ở lại. Ảnh minh họa.

Những lí do chị Lam đưa ra để thuyết phục con về nước đó là con ở xa một mình không biết thế nào, thời tiết bên Mỹ lạnh tạo điều kiện cho virus corona phát triển, dân Mỹ coi thường dịch bệnh nên "tẩy chay" khẩu trang, trình độ chữa trị bệnh nhiệt đới của một số nước phương Tây có thể không bằng Việt Nam, chi phí đi bệnh viện ở Mỹ đắt đỏ…

"Có người mẹ nào mà không xót con, nhất là lại con gái một thân một mình nơi xứ người giữa mùa đại dịch bùng phát, dân bản xứ nhiều người họ còn hoang mang, trong khi ở Việt Nam công tác phòng chống dịch quyết liệt và được Chính phủ dốc sức dốc tiền đầu tư như vậy, thì tại sao mình lại không về tránh dịch cho an toàn?", chị Lam chia sẻ với người viết.

Tuy nhiên, đáp lại lời khuyên và sự lo lắng của mẹ, Nguyễn Minh Phương - con gái của chị Lam, đã có câu trả lời khiến người mẹ vô cùng bất ngờ.

"Khi đã là đại dịch toàn cầu thì chỗ nào cũng nguy hiểm. Mẹ có đảm bảo con sẽ an toàn suốt hành trình 28-32 giờ với 1-2-3 chặng transit nơi mà những máy bay, sân bay có nguy cơ truyền bệnh cao nhất không? Mẹ kêu gọi mọi người "ngồi yên là yêu nước" sao mẹ lại muốn con đi chuyển?", chị Lam thuật lại lời con gái.

Theo cô gái này, khi về Việt Nam sẽ bị cách li ít nhất 14 ngày và khi quay lại Mỹ có thể cũng bị cách li tiếp. Trong khi cô đang bị chậm môn do chuyển trường, nếu về nước tránh dịch thì có thể chậm tốt nghiệp một năm, chưa kể còn mất cơ hội đi thực tập.

"Khi đó kinh tế gia đình sẽ thiệt hại không nhỏ. Mất đi thời gian và cơ hội cũng là thiệt hại lớn lao", cô con gái của chị Lam phân tích.

Một lí do nữa để không nên trở về nước vào thời điểm này, theo Nguyễn Minh Phương, đó là không nên gây bận, gây áp lực thêm cho Chính phủ bằng việc tham gia vào dòng người ồ ạt trở về. "Trong tình hình này, ngồi yên chính là yêu nước", cô gái nhấn mạnh.

"Con ở lại, ít nhất đến giờ thành phố chưa có ca nhiễm nào, con hạn chế ra ngoài, thâm chí không ra ngoài luôn thì lo gì lây nhiễm. Hơn nữa con bận lắm, học online, làm các việc của hội sinh viên, phỏng vấn với các công ty, nấu ăn, xem phim "ngôn tình" và còn "chăn các anh" nữa (chăm sóc một fanpage về các ban nhạc nam của Hàn Quốc)", Minh Phương nói.

Con gái chị Lam cũng thuyết phục lại với mẹ rằng, mẹ có theo cô được cả đời không. "Bằng tuổi con bây giờ mẹ sắp lấy chồng, mẹ tự lực lo toan, sao giờ mẹ lại bắt con bé hơn mẹ ngày xưa khi xã hội đã phát triển hơn xưa nhiều lần?"

Nữ du học sinh 21 tuổi cũng cho biết, cô đã tìm hiểu kĩ về virus corona chủng mới cũng như dịch bệnh COVID-19. Cô có chút lo lắng nhưng không chủ quan và không hoang mang.

Trước băn khoăn của nhiều du học sinh và các bậc phụ huynh về việc có nên cho con về nước tránh dịch hay không, bà Đặng Thị Hải Tâm, Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan cho hay, vào lúc này đưa con về Việt Nam là không nên.

Theo bà Tâm, đi lại các phương tiện công cộng vào thời điểm này, nhất là máy bay, rất dễ bị lây nhiễm. Bên cạnh đó, các nước áp dụng các chính sách hạn chế đi lại, các hãng hàng không huỷ chuyến không có kế hoạch, các du học sinh có nguy cơ phải vật vạ tại các nơi quá cảnh, rất nguy hiểm.

Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ công dân khi gặp khó khăn. Đây là nhiệm vụ nên các du học sinh nên có liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại.

Bà Tâm cho rằng, các du học sinh đang trong độ tuổi thanh niên nên sức đề kháng sẽ tốt, cần tự biết chăm sóc mình bằng việc ăn đủ chất, ngủ đủ giờ, giữ vệ sinh như chuyên gia hướng dẫn, tránh tiếp xúc đông người để hạn chế các nguy cơ lây nhiễm. "Chúng ta cùng thành công vượt qua đại dịch này", bà Tâm nói.

Khánh Hà