Nóng với dự án nhiệt điện chạy than sát nách TPHCM
Các dự án điện chạy than do Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) tư vấn. |
Trung tâm điện lực Long An có tổng công suất 2.800 MW với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 5 tỉ đô la Mỹ sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 17,7 GWh/năm sử dụng nguồn nguyên liệu than, được Bộ Công Thương lấy ý kiến các địa phương gồm Long An, TPHCM và các bộ, ngành liên quan vào đầu năm 2017 về địa điểm xây dựng vào giữa năm ngoái. Hai vị trí đang được cân nhắc để có thể đặt nhà máy nhiệt điện, một là tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước; hai là tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Tháng 5-2017, do lo ngại tác động môi trường, UBND tỉnh Long An vừa đề nghị Bộ Công Thương chuyển nguyên liệu sử dụng cho Trung tâm điện lực Long An từ than sang khí hóa lỏng, nếu có sử dụng nguyên liệu than thì nên áp dụng công nghệ hiện đại của Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời giữ nguyên quy hoạch Trung tâm điện lực Long An tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc.
Cùng trong khoảng thời gian này, trong một công văn gửi Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định: dù có sử dụng công nghệ mới, nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than nếu đặt tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc sẽ tiềm ẩn rủi ro cao về môi trường như phát tán bụi, xả thải tro xỉ than, nước thải công nghiệp... ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của khu đô thị cảng Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè (TPHCM). Đồng thời, nhà máy nhiệt điện còn có khả năng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái nuôi trồng thủy sản khu vực huyện Cần Giờ (TPHCM).
Lúc bấy giờ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý các đơn vị tư vấn chọn địa điểm cần tính đến việc bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh sông Vàm Cỏ và sông Cần Giuộc từ hoạt động lấy nước mát và thải nước làm mát từ các nhà máy nhiệt điện. Đặc biệt, lưu ý đến khả năng không khí (bị chất thải gây ô nhiễm) phát tán đến TPHCM đồng thời áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt để phòng ngừa, giảm thiểu tác động do rủi ro và sự cố môi trường như úng lụt, sạt lở bờ sông trong quá trình thi công, vận hành.
Một số nhà khoa học, chuyên gia phản biện rằng đặt vị trí xây nhà máy nhiệt điện giáp ranh với TPHCM là không hợp lý bởi tro xỉ nhiệt điện, khói thải cho dù có đưa lên cao tầng ống khói hơn 3.000 mét thì khi gặp gió Tây Nam đặc trưng của vùng này từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, nhiều khả năng khói thải, tro xỉ sẽ luân chuyển trong không khí phát tán đến các khu đô thị, khu dân cư của TPHCM. Xét về kinh tế môi trường thì xây nhiệt điện ven sông Soài Rạp là không đủ điều kiện, bởi sẽ đánh đổi nhiều giá trị khác về hệ sinh thái, môi trường. Do phát triển nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu điện cho vùng kinh tế phía Nam là cần thiết nên có thể tập trung các nhà máy nhiệt điện vào một khu vực, chẳng hạn tập trung phát triển tăng công suất nhiệt điện tại Trà Vinh - nơi có sẵn một số nhà máy nhiệt điện và cảng xuất nhập hiện hữu, dễ mở rộng.
Đầu thánh 8-2018, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2), vốn là một công ty tư vấn do Bộ Công Thương chọn, tư vấn cho Long An sử dụng nhiên liệu than cho dự án vì cho rằng có giá thành rẻ và Bộ Công Thương luôn ủng hộ quan điểm này.
Cuối tháng 8-2018, chính quyền Long An lần thứ hai có văn bản gửi Bộ Công Thương thể hiện lại quan điểm muốn đầu tư dự án nhiệt điện bằng công nghệ khí hóa lỏng.
Tháng 9-2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng ký văn bản trả lời Long An, cho rằng theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt thì Long An được quy hoạch phát triển hai nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương đã giao cho Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) nghiên cứu, lập quy hoạch địa điểm xây dựng trung tâm điện lực Long An theo quy định. Bộ Công Thương cho rằng không có đủ cơ sở phê duyệt quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An dùng khí hóa lỏng như kiến nghị của tỉnh.
Ngày 21-9-2018, lần thứ ba Long An giữ quan điểm chỉ đầu tư dự án điện nhiệt điện tại Trung tâm điện lực của địa phương này bằng công nghệ khí hóa lỏng trên TBKTSG Online.