Nông sản đi Trung Quốc: Giải mã thương lái
Đấu tranh với thế lực đen tối ở Bằng Tường
Ghi nhận của PV NNVN ở Bằng Tường, chính quyền sở tại và các Hiệp hội hoa quả nông sản, các doanh nghiệp chân chính Trung Quốc đang tích cực đấu tranh đối với những hành vi gây ảnh hưởng đến vấn đề xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang.
Các doanh nghiệp Trung Quốc khẳng định, chỉ cần làm chuẩn chỉ, nông sản Việt Nam đường rộng thênh thang đi vào Trung Quốc.
Dọc “con đường nông sản” người Trung Quốc gọi là Nam Hữu (người bạn Phương Nam) nối từ cửa khẩu Tân Thanh đến Chợ hoa quả Bằng Tường, những băng rôn, khẩu hiệu ghi bằng cả tiếng Trung lẫn tiếng Việt với nội dung: Đi sâu triển khai đấu tranh chuyên môn xóa bỏ thế lực đen tối ác ôn, duy trì hài hòa ổn định của khu vực biên giới. Kèm theo điện thoại đường dây nóng để trình báo những sự việc liên quan.
Những thương nhân Trung Quốc thừa nhận, suốt một thời gian dài có nhiều thương lái lợi dụng việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam qua Trung Quốc để trục lợi. Từ xã hội đen bảo kê đến những trò bịp bợm chèn ép giá và thu các khoản tiền bất hợp pháp…
“Từ những năm 1989, khi hai nước còn chưa bình thường hóa quan hệ, hoa quả Việt Nam đã rầm rộ qua Trung Quốc, tất nhiên qua các ngả đường lậu”, Thang Thành Vĩ, Chủ tịch Hội hoa quả quốc tế Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc, cho biết.
Khi đó, các thương lái Trung Quốc đã chú ý tới các vựa thanh long của Việt Nam như tại Bình Thuận, Phan Thiết, Long An. Một loại quả khác cũng được ưa chuộng không kém là xoài. Hiện nay, ước tính có 1.000 doanh nhân Trung Quốc “cắm chốt” tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
“Bây giờ, nếu theo đường hoa quả nhập khẩu chính thức, mỗi ngày có khoảng 50 container xoài qua Trung Quốc, ở các cửa khẩu tại Lạng Sơn và Lào Cai”, ông Thang cho biết.
Theo số liệu của Hội hoa quả quốc tế Bằng Tường, hiện nay hoa quả Việt Nam có hơn 70% sang Trung Quốc qua đường bộ, có xu hướng dịch chuyển dần về cửa khẩu ở Lào Cai, sau đó sang Vân Nam, Trung Quốc. Số hoa quả còn lại đi đường biển. Lý giải điều này, ông Thang nói Trung Quốc đang có chính sách ưu đãi, hoàn thuế ở Vân Nam. Tuy nhiên, nếu xét về các yếu tố nhanh chóng, tiện lợi, thì Bằng Tường là số một.
Ông Thang là Hoa kiều, sinh ra và lớn lên tại Tiên Yên, Quảng Ninh. Năm 1978, ông cùng gia đình quay về Trung Quốc. Người đàn ông này đã 30 năm lăn lộn trong thị trường nhập khẩu hoa quả Việt Nam, được thương nhân cùng ngạch của ở hai bên biên giới xưng tụng là “vạn sự thông”, hàm ý chuyện gì cũng biết.
Thông thạo tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Pạc Và (phương ngữ của dân Quảng Đông, Quảng Tây và Hong Kong), lại có vợ thành thạo tiếng Anh, ông Thang kể đã đi hết 10 nước ASEAN, nhận ra một điều: “Nói về cái ‘chất’ của hoa quả, thì Việt Nam là số một, do được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng”.
Hội hoa quả quốc tế Bằng Tường đã thành lập được 9 năm, ông Thang là chủ tịch nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp.
“Hoa quả Việt Nam ngon lắm, cực kỳ ngon. Nhưng mà thương lái Việt Nam, nhiều khi cả nông dân nữa, chơi ‘chiêu trò’ ghê quá, ép chúng tôi không thở nổi”, ông Thang nói, khuôn mặt đang tươi vui bỗng chùng xuống, nụ cười méo xệch.
“Nhất long, nhì xoài, tam dưa”, giới thương lái Trung Quốc vẫn nhận xét như thế về sức mua của thị trường nước này với hoa quả Việt Nam.
Chia sẻ với PV NNVN, ông Lăng Tinh Cương nói rằng: Với tình hình tiêu thụ nông sản Đông Nam Á ở Trung Quốc, chỉ cần Việt Nam làm chuẩn chỉ, cùng với các nước như Thái Lan hoàn toàn có thể thao túng được thị trường hoa quả ở Trung Quốc.
Cùng với chính quyền, những hiệp hội, tổ chức nông sản ở Bằng Tường (không thu hội phí) đã góp phần đẩy lùi các thế lực đen tối, ác ôn thường xuyên bắt nạt thương lái, chủ buôn Việt Nam.
“Thực tế cũng có nhiều thương lái Trung Quốc lợi dụng thời điểm chính vụ để o ép, bắt nạt chủ buôn, thương lái Việt Nam. Vừa rồi chúng tôi phải giải cứu một trường hợp chủ buôn khi chở bí đến cửa khẩu bị thương lái Trung Quốc ép xuống 1 tệ/kg. Chúng tôi vào cuộc đấu tranh để chủ buôn có thể bán theo giá trị trường 4 tệ/kg”, Lăng Tinh Cương, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại hoa quả Trung Quốc - Đông Nam Á nói.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nông sản Trung Quốc cũng phân tích, để các thương lái Trung Quốc có thể giở trò, một phần xuất phát từ thương lái Việt Nam.
Dưa hấu, từng một thời tốn nhiều bút mực trên các tờ báo, có thể tóm gọn là: Thương lái Trung Quốc dừng mua, ép giá, hải quan Trung Quốc cố ý làm chậm thủ tục để dưa thối đi, ép giá xuống thấp nữa.
Thực tế, Thang Thành Vỹ bảo, ông biết nhiều thương lái Trung Quốc từng tán gia bại sản vì nhập phải “dưa hấu bơm nước”. Thương lái mua hàng chục container về, chở đi miền bắc Trung Quốc để bán, xe chạy đến ngày thứ 2 thì toàn bộ dưa thối hết do trước đó được bơm nước để tăng trọng lượng.
“Cả chuyến hàng mất trắng, bán hết nhà cửa đi trả nợ. Có người không trả nổi phải đi trốn”, ông Thang bảo.
Triệu Tiểu An, một doanh nhân Trung Quốc từng dính “quả đắng” vì mặt hàng này cũng nói: Tình thế bắt buộc phải có những thay đổi. Nếu nông dân, chủ buôn Việt Nam làm chuẩn chỉ thì nông sản Việt có thể thênh thang đi thẳng vào Trung Quốc, không thế lực nào có thể gây khó khăn, cản trở.
Mánh gian giảm dần
Sau khi phía Trung Quốc ráo riết các biện pháp thắt chặt nông sản, bên này biên giới cũng có những chuyển biến rõ rệt.
Khảo sát tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh ở Lạng Sơn, PV NNVN nhận thấy không còn nhiều cảnh các trung tâm giao dịch nông sản nhốn nháo như thời điểm trước đây.
Đức, một thương lái chuyên “chạy” nông sản đi Trung Quốc hiện đã giải nghệ ở khu vực thị trấn Đồng Đăng tiết lộ: Sau hàng loạt “vố đau” từ những cuộc giao dịch làm ăn với một bộ phận thương lái Trung Quốc, rất nhiều chủ hàng phía Việt Nam vỡ nợ, phá sản với số tiền mất mát lên đến hàng nghìn vạn tệ (hơn 30 tỷ đồng).
Đó đều là hậu quả của những mánh lới làm ăn theo kiểu thủ đoạn. Đức kể, những năm trước, tình trạng thương lái Trung Quốc sang Việt Nam dạy cho các chủ buôn người Việt các thủ thuật như làm mỏng vỏ nhãn, làm nặng long nhãn, làm nặng lạc, làm mới thanh long, dưa hấu…
“Có những vụ long nhãn bao nhiêu thương lái Trung Quốc cũng mua. Thậm chí bọn họ còn chỉ cho chủ buôn Việt Nam cách tăng trọng lượng bằng việc trộng bột sắn hòa với nước đường sau đó rưới lên long nhãn. Cứ 1 tấn long nhãn pha trộn kiểu đó sẽ tăng thêm được 1 tạ”, Đức kể.
Hoa quả Việt Nam chiếm phần lớn trong chợ hoa quả Bằng Tường.
Nhưng thương lái Trung Quốc rất khôn, chỉ làm 1 - 2 vụ như thế, ăn đủ rồi trốn biệt. Đến vụ thứ 3, vẫn những cách thức lưu manh như thế, chủ buôn Việt Nam dồn hết bạc tiền, vay mượn cả lãi ngày để vào hàng thì thương lái Trung Quốc không mua nữa, thế là phá sản.
Tất nhiên ai cũng biết kiểu thương lái chộp giật, đánh quả như thế đều không nằm trong các tổ chức, hiệp hội nông sản hay hoa quả gì bên Trung Quốc cả. Đa phần những người này đến từ những nơi rất xa như Hồ Nam, Hồ Bắc, thậm chí là khu vực Nội Mông. Nhưng vì tham nên nhiều chủ buôn vẫn dính bẫy và ôm hận.
Đức cũng kể, năm ngoái, một chủ buôn nhờ anh đi đòi nợ một thương lái Trung Quốc ở gần biên giới Mông Cổ. Bay nội địa từ Quảng Châu lên mất gần 9 tiếng đồng hồ, lô hàng cả trăm vạn tệ nhưng tìm được đến nơi chỉ đòi được có mấy trăm nghìn, uất ức nhưng một phần là do mình tham nên không làm gì được.
“100 chủ buôn nông sản đi Trung Quốc thì chỉ còn đôi chục người còn trụ lại được, đó là vì họ làm ăn tử tế”, Đức đúc kết.
Không tử tế không được
Thời gian gần đây thương lái Trung Quốc phân loại nông sản, đặc biệt là hoa quả rất "ác", nếu không đủ tiêu chuẩn thì nhất quyết không mua, Đức nói rồi dẫn chúng tôi đi xem những lô hàng nông sản nhập về từ Trung Quốc.
"Các anh xem, Trung Quốc bây giờ phân loại nông sản đâu ra đấy. 17 củ cà rốt 10 cân thì cứ đếm đủ 17 củ, đều tăm tắp. Một thùng tỏi 100 củ 5 cân thì cứ đếm đủ, chênh nhau cùng lắm chỉ 1 củ thôi, không đáng kể. Vì thế nên bên mình cũng phải thay đổi. Nếu không phân loại tử tế, đóng gói tử tế thì không thể vào thị trường của họ được".
Nhận định về thị trường hàng lậu, doanh nhân Triệu Tiểu An nói như đinh đóng cột rằng "không thể gây ảnh hưởng tới mặt bằng giá nông sản". Đơn cử như thịt lợn Trung Quốc đang có giá gấp đôi so với trước khi dịch tả lợn Châu Phi đổ bộ. Lác đác có lợn từ Việt Nam đưa lậu sang, song con số này "rất ít", bởi cơ quan chức năng phía Trung Quốc xử phạt cực nặng với những người buôn lậu thịt lợn.
Riêng với mặt hàng hoa quả, họ Triệu và ông Thang Thành Vỹ cho biết tình trạng chở lậu vẫn có. Dân buôn lậu qua các ngả Lạng Sơn, Lào Cai bây giờ ít dùng cửu vạn, thay vào đó là xe ben, bởi chở được nhiều hơn, nhanh hơn. Hàng sang phía Trung Quốc sẽ có lực lượng "xã hội đen" đợi sẵn. Tiếp đó, dân buôn lậu phía bên kia biên giới sẽ phải tốn kém khá nhiều chi phí "lót tay".
"So đi tính lại thì lãi chả bao nhiêu, mà rất nguy hiểm. Tù tội ghê lắm, gần như chả ai dám động vào. Làm lớn, có thể kiếm được, thế nhưng tiền kiếm nhiều mà không còn mạng để tiêu thì kiếm làm gì", Triệu nói.