|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông dân vẫn kém vui dù giá hồ tiêu tăng

17:22 | 08/03/2022
Chia sẻ
Nông dân tỉnh Đắk Lắk đang vào vụ thu hoạch hồ tiêu. Sau nhiều năm giá thấp kỷ lục, năm nay, giá hồ tiêu tăng cao khiến nông dân phấn khởi. Tuy nhiên, năng suất lại giảm, giá cả phân bón tăng cao khiến nông dân Đắk Lắk vẫn kém vui.

Giá tăng, năng suất giảm

Huyện Cư Kuin là địa phương có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với hơn 4.600 ha. Nông dân trên địa bàn đang vào vụ thu hoạch hồ tiêu, mùa vụ thu hoạch năm nay muộn hơn các năm trước. Giá tiêu đang được thu mua dao động từ 78.000 - 81.000 đồng/kg.

Gia đình ông Nguyễn An Thạnh, thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk trồng gần 2 ha hồ tiêu với khoảng 2.000 trụ. Trung bình mọi năm, gia đình ông Thạnh thu được khoảng 7 tấn tiêu/ha. Năm nay, ông chỉ thu được khoảng 5 tấn/ha. Nhiều hộ xung quanh, năng suất mất mùa chỉ còn 2 tấn tiêu/ha.

Theo ông Thạnh, giá tiêu năm 2020 dao động từ 48.000 - 56.000 đồng/kg, giá tiêu năm 2021 khoảng từ 60.000 - 65.000 đồng/kg, giá tiêu năm nay tăng cao sau nhiều năm chạm đáy. Tuy nhiên, giá phân bón lại tăng cao. 

Đơn cử, 1 tạ phân đạm Urê tăng từ 700.000 đồng năm 2020 lên đến 2 triệu đồng năm 2021. Các loại phân bón khác cũng tăng, cộng với điệp khúc "được giá, mất mùa" khiến niềm vui của nông dân không trọn vẹn.

Nguyên nhân hồ tiêu năm nay mất mùa là do sau vụ thu hoạch năm 2021, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xuất hiện những trận mưa trái mùa, kích thích quá trình ra chuỗi, nông dân không kịp xử lý để đầu tư dinh dưỡng cho cây. Do đó, quá trình ra hoa đậu hạt bị ảnh hưởng dẫn đến mất mùa. Hồ tiêu năm nay chín muộn dẫn đến tình trạng tìm kiếm nhân công thu hoạch khó khăn hơn.

Bà Nguyễn Thị Sương, thôn 3, xã Ea Bhốk đang thu hoạch hơn 2 ha hồ tiêu. Năm nay, hồ tiêu chín muộn nên thời điểm này, nhà bà mới bắt đầu thu hái. Mỗi ngày, bà cần khoảng từ 14 - 16 nhân công, giá thuê 220.000 – 230.000 đồng/người/ngày, bao cơm trưa. 

Đa số nhân công được thuê từ huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) hoặc từ tỉnh Gia Lai qua thu hái. Song có những ngày, gia đình chỉ thuê được từ 7 - 8 nhân công.

Nông dân vẫn kém vui dù giá hồ tiêu tăng - Ảnh 1.

Chi phí sản xuất tiêu ngày càng tăng. (Ảnh: TTXVN)

Với mức giá hiện nay, đa số nông dân sau khi thu hoạch hồ tiêu vẫn đang trữ hàng để chờ đợi giá cao hơn thì xuất bán. Người nông dân kỳ vọng, giá tiêu sẽ vượt mức 100.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Quyền, đại lý thu mua nông sản tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm 2021, người dân chỉ bán ra khoảng 60%, còn lại đang trữ để chờ giá. Đời sống kinh tế khá giả nên họ không bị áp lực bán ngay để có vốn xoay vòng sản xuất. Hiện sức mua bán hồ tiêu khá chậm và giá sẽ tăng vào cuối vụ thu hoạch năm nay.

Hướng đến sản xuất bền vững

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 33.100 ha hồ tiêu, sản lượng năm 2021 đạt 76.700 tấn. Những năm gần đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, người dân tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên chất lượng hạt tiêu sau thu hoạch được đánh giá tốt hơn so với trước. Ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp cũng tích cực vận động nhân dân sản xuất hồ tiêu bền vững.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin cho biết, quan điểm của huyện là giữ vững diện tích hai cây trồng chủ lực là cà phê và hồ tiêu. Hiện nay, phụ phẩm nông nghiệp của huyện có khoảng 100.000 tấn. 

Huyện đang khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng phân vô cơ, thuốc hóa học, tích cực sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học; sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm và duy trì hệ thống trụ sống trong vườn hồ tiêu, trồng xen hồ tiêu với cà phê để đạt năng suất cao hơn.

Hồ tiêu là cây trồng khó tính. Từ năm 2015 đến nay, bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm đã gây thiệt hại hơn 7.300 ha hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Một số sâu, bệnh khác gây hại rải rác. 

Ngoài nguyên nhân sâu bệnh hại khiến tiêu chết hàng loạt, những năm qua, do người dân trồng hồ tiêu ở những vùng trũng, thấp, mực nước ngầm cao, giá tiêu xuống thấp, người dân không chú trọng đầu tư… Đây cũng là nguyên nhân khiến diện tích hồ tiêu bị chết nhiều.

Để sản xuất hồ tiêu bền vững, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương rà soát lại diện tích trồng để đảm bảo vùng sản xuất tập trung gắn với hệ thống sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh gắn với xây dựng nhà máy chế biến tiêu. 

Toàn tỉnh cần tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, liên kết sản xuất, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến theo hướng GAP, truy xuất được nguồn gốc; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng chỉ dẫn địa lý hồ tiêu và tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với nông dân…

Theo bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, liên kết sản xuất hồ tiêu không ổn định và thời tiết, biến đổi khí hậu diễn biến thất thường là những khó khăn lớn trong sản xuất hồ tiêu bền vững. Tỉnh Đắk Lắk đã có những chính sách hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn nông dân sản xuất đúng quy trình, có giấy chứng nhận, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại.

Tuy nhiên, muốn sản xuất hồ tiêu bền vững, người nông dân cần thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây, nắm tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp xử lý kịp thời hoặc báo với cơ quan chuyên môn can thiệp ngay. Về tình trạng thiếu nhân công thu hoạch, các địa phương đang vận động người dân hái theo tổ, nhóm, đổi công cho nhau.

Giá hồ tiêu năm 2022 tiếp tục tăng là mong muốn của nhiều người để giúp nông dân có lãi, có động lực duy trì vườn cây. Về lâu dài, nông dân Đắk Lắk kỳ vọng giá hồ tiêu hữu cơ cạnh tranh tốt và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, tiến đến xây dựng thương hiệu để sản xuất hồ tiêu bền vững, ổn định, không phải thất vọng khi "được mùa mất giá" hay "được giá mất mùa".

Hoài Thu