|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông dân Đức kêu gọi Trung Quốc không cấm nhập khẩu thịt lợn từ nước này

22:04 | 11/09/2020
Chia sẻ
Hiệp hội chăn nuôi DBV của Đức ngày 11/9 kêu gọi Trung Quốc tránh lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn của Đức sau khi nước này phát hiện một con lợn rừng bị chết ở Brandenburg nhiễm dịch tả lợn châu Phi (ASF) trước đó một ngày.

Hàn Quốc, nước mua thịt lợn Đức lớn thứ hai ngoài châu Âu sau Trung Quốc, ngay lập tức cấm nhập khẩu thịt lợn của Đức sau thông tin lợn rừng tại Đức chết do nhiễm ASF.

Chủ tịch hiệp hội DBV Joachim Rukwied cho biết những người chăn nuôi lợn của Đức lo ngại rằng "dịch tả lợn châu Phi sẽ đồng nghĩa với sự sụp đổ của thị trường châu Á".

Phát biểu với kênh truyền hình ARD (Đức), ông Rukwied hy vọng thị trường Trung Quốc vẫn sẽ mở cửa cho thịt lợn Đức.

Theo ông Rukwied, châu Á là thị trường rất quan trọng của Đức để xuất khẩu nhiều sản phẩm từ lợn, như tai và đuôi, mà không thể xuất khẩu sang nơi khác ở châu Âu. Trong năm 2019, Đức với ngành chăn nuôi lợn lớn nhất châu Âu, đã xuất khẩu lượng thịt lợn với trị giá khoảng 1,2 tỷ USD (1,01 tỷ euro) sang Trung Quốc.

Trong khi đó, Hiệp hội các nhà chăn nuôi lợn ISN của Đức cho rằng xuất khẩu thịt lợn của nước này sang Trung Quốc sẽ không khả thi trong ngắn hạn, và dự báo dẫn tới khả năng ngừng nhập khẩu từ khách hàng lớn nhất của Đức ngoài EU này.

Thời gian gần đây, đã có khoảng 10 quốc gia châu Âu khác cũng xác nhận có trường hợp lợn rừng bị nghi lây nhiễm ASF. Đức lo ngại, nếu dịch tả lợn châu Phi thực sự bùng phát, sẽ đe dọa hoạt động xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc và các nước châu Á khác. Hiện nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, thường xuyên áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ những nước và khu vực phát hiện ASF.

Dịch ASF có nguồn gốc ở Nam Phi và xuất hiện ở châu Âu vào những năm 1960. Từ năm 2014, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại ở các nước Tây Âu, bắt nguồn từ những con lợn rừng được đưa vào các khu rừng ở Bỉ để phục vụ mục đích săn bắn. Không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. 

Bệnh tả lợn hiện không thể gây bệnh ở người nhưng có khả năng lây truyền sang các loài vật ruồi, muỗi, chuột, mèo và gia cầm như gà, vịt. Lợn bị bệnh tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác, chẳng hạn như tai xanh, cúm, sốt thương hàn... Những bệnh này mới chính là tác nhân gây nguy hiểm cho con người do có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa.

Q.Chung (Theo Reuters)