Nỗi lòng doanh nghiệp 'xù' hợp đồng bán gạo cho Tổng Cục Dự trữ Nhà nước: 'Chúng tôi thà chịu phạt còn hơn chịu lỗ'
Công ty này cũng đã từ chối kí hợp đồng bán 2.300 tấn gạo cho Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Thái.
Để làm rõ vấn đề này, trao đổi với người viết, bà Nguyễn Bích Hoà, Tổng giám đốc CTCP Thương mại Minh Khai, cho biết không thể thực hiện được các gói thầu trên vì không thể chịu lỗ.
Bà chia sẻ, thời điểm công ty đăng kí giá gạo còn thấp vì bà con được mùa. Tuy nhiên, sau khi công ty đã đấu thầu xong, giá gạo liên tục tăng mạnh do thế giới công bố đại dịch COVID-19, nhu cầu mua gạo của người dân tăng cao.
“Do đó, chúng tôi không thể mua gạo được từ người dân nên không có hàng để bán. Chúng tôi đã xin hoãn thực hiện hợp đồng. Giá mua từ người dân hiện cao hơn so với giá chúng tôi đấu thầu bán cho Cục Dự trữ tới 2.000 đồng/kg.
Nếu thực hiện hợp đồng lúc này, chúng tôi sẽ lỗ thảm hại. Chúng tôi chấp nhận nộp phạt hợp đồng dự thầu còn hơn phải chịu lỗ” , bà Hoà nói.
Bà Hoà cho biết thêm công ty bà chỉ phục vụ tiêu thụ trong nước và không xuất khẩu gạo sang nước ngoài.
“Trong cuộc họp sắp tới giữa doanh nghiệp và Thủ tướng chúng tôi cũng sẽ lên tiếng về vấn đề này. Hiện nay chúng tôi cũng đang rất khó khăn, càng bán nhiều chúng tôi càng lỗ nhiều, thậm chí phá sản”, bà Hoà chia sẻ.
Trước đó, Thủ tướng yêu cầu phải mua đủ số lượng 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020 nhưng đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới mua được 7.700 tấn, nhiều doanh nghiệp trúng thầu bỏ hợp đồng.
Trả lời báo Dân Trí, ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết không đủ số lượng cung ứng gạo thì sẽ phải đấu thầu lại. Đối với doanh nghiệp bỏ hợp đồng khi đã trúng thầu sẽ bị xử lí theo qui định của Luật Đấu thầu.
Trước thông tin dư luận và doanh nghiệp cho rằng Cục Dự trữ đưa giá chào mua quá rẻ khiến doanh nghiệp cảm thấy bất lợi không cung cấp, chấp nhận bỏ hợp đồng, ông Đức nói:
"Tại thời điểm mở thầu tại sao rẻ quá? Rẻ quá sao có doanh nghiệp trúng thầu. Theo tôi, nhiều doanh nghiệp lí giải tại thời điểm mở thầu thì giá "được", nhưng những ngày sau họ bị tác động mạnh từ diễn biến thị trường giá tăng, nguồn cung không đảm bảo nên không mua được gạo, không cung ứng được.
Về giá đấu thầu, chúng tôi không được xây dựng, địa phương gửi về, Bộ Tài chính giao cho Cục Quản lý giá làm, chứ Tổng cục Dự trữ không làm".