Nỗ lực giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông
Sản lượng Alumin quy đổi sản xuất được trong thời gian từ ngày 1/1 - 19/2/2024 chỉ đạt hơn 91.200 tấn. Trong khi đó, kế hoạch đặt ra trong thời gian này là 107.500 tấn, tương đương sản lượng thực tế chỉ đạt 85% kế hoạch.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, trước đó, năm 2023, người dân đã chặn xe, cản trở quá trình khai thác bô xít 24 lần, chủ yếu trong các tháng cuối năm. Tổng thời gian nhà máy phải tạm dừng hoạt động là hơn 300 giờ, tương đương với 13 ngày vận hành liên tục.
Việc người dân tập trung cản trở việc khai thác quặng bô xít và quá trình vận chuyển quặng về Nhà máy Alumin đã làm giảm hiệu suất vận hành của đơn vị, gây ảnh hưởng đến sản lượng và kết quả sản xuất. Tính tổng thể, tổng khối lượng quặng bô-xít (nguyên khai) khai thác năm 2023 đạt hơn 3,48 triệu tấn, thấp hơn gần 4% so với năm 2022. Tổng sản lượng Alumin quy đổi trong năm 2023 đạt hơn 712.000 tấn, thấp hơn 28.000 tấn so với năm 2022.
Hiện nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để phục vụ khai thác quặng bô-xít, cũng như triển khai các dự án hồ, đập đều rất chậm so với kế hoạch đề ra.
Liên quan tới vấn đề này, theo UBND huyện Đắk R’lấp, công tác giải phóng mặt bằng đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất tái định cư. Căn cứ các quy định của Luật Đất đai 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành, việc UBND huyện Đắk R’lấp ban hành các quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa có quỹ đất để bố trí là không đúng quy định.
Trong khi đó, việc triển khai 6 khu tái định cư đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông thông qua vào cuối năm 2022 đang tiếp tục gặp khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, 5/6 khu tái định cư đã được phê duyệt chưa thể triển khai do chồng lấn Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023.
Hiện, UBND huyện Đắk R’lấp đang đẩy nhanh tiến độ 1/6 khu tái định cư đủ điều kiện là Khu tái định cư thôn 11 (xã Nhân Cơ). Tuy nhiên, số lô tái định cư khi hoàn thành (239 lô) của dự án này cũng chỉ đủ để cho các hộ dân đủ điều kiện tái định cư đã bị thu hồi đất trước đây.
Để có đủ mặt bằng khai thác quặng bô-xít và triển khai các dự án hồ, đập phục vụ sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề nghị, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk R’lấp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; trong đó, ưu tiên vận động, thuyết phục người dân đồng ý để cơ quan Nhà nước thu hồi đất trước khi bố trí tái định cư.
UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc báo cáo, xin ý kiến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về nội dung chồng lấn giữa các khu tái định cư với quy hoạch khoáng sản tại; đồng thời xin ý kiến các cơ quan chức năng liên quan về việc triển khai tái định cư tại khu vực hơn 50 ha đã khai thác xong bô xít, hoàn thổ và phục hồi môi trường.
Theo UBND huyện Đắk R’lấp, những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để khai thác quặng bô xít cũng như triển khai các dự án hồ đập thiết yếu phục vụ sản xuất của Nhà máy Alumin Nhân Cơ có nguyên nhân chính là việc chậm xây dựng để bố trí đất tái định cư cho người dân.
Nếu không có biện pháp sớm tháo gỡ tình trạng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của Nhà máy trong năm 2024 cũng như các năm tiếp theo và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo Công an huyện phối hợp với chính quyền các địa phương liên quan, Công ty Nhôm Đắk Nông (trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) thực hiện các biện pháp ổn định an ninh trật tự tại khu vực; kiên quyết xử lý theo quy định trường hợp có yếu tố lôi kéo, xúi dục, kích động gây cản trở hoạt động sản xuất của Nhà máy Alumin Nhân Cơ.
UBND huyện Đắk R’lấp kiến nghị, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành nghiên cứu, xem xét bố trí tái định cư cho các hộ dân tại những khu tái định cư thuộc các địa phương khác trong tỉnh để giải quyết trước mắt nhu cầu của người dân, đảm bảo mặt bằng phục vụ khai thác quặng bô xít.
Về lâu dài, UBND huyện kiến nghị, UBND tỉnh xin ý kiến Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cũng như chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ huyện trong việc tiến hành các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 5 khu tái định cư đang chồng lấn giữa các khu tái định cư với quy hoạch khoáng sản; đẩy nhanh tiến độ cấp phép các mỏ đất phục vụ đào đắp, san lấp cho các khu tái định cư. Dự kiến, tổng khối lượng đất đắp cần hơn 515.000 m3. Tuy nhiên hiện, huyện Đắk R’lấp nói riêng, tỉnh Đắk Nông nói chung chưa có mỏ đất được cấp phép.