|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nissan, Renault và Mitsubishi loại bỏ khả năng sáp nhập

08:07 | 31/05/2020
Chia sẻ
Renault, Nissan và Mitsubishi đã gạt mọi kế hoạch liên quan đến việc sáp nhập hoàn toàn; thay vào đó những cách tiếp cận mới, bao gồm cắt giảm chi phí và hàn gắn rạn nứt trong quan hệ giữa các bên.
Nissan, Renault và Mitsubishi loại bỏ khả năng sáp nhập - Ảnh 1.

Cả 3 nhà sản xuất ô tô đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và đang cố gắng thiết lập lại mối quan hệ đối tác. Trong khi cựu chủ tịch Carlos Ghosn từ lâu đã thúc đẩy việc sáp nhập Nissan với Renault, thì nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chưa bao giờ thực sự quan tâm đến ý tưởng này. 

Các lãnh đạo của Nissan cho rằng Renault đã không sòng phẳng, công bằng trong phân chia lợi nhuận.

Hôm 27/5 vừa qua, Nissan, Renault và Mitsubishi đã tổ chức một cuộc họp báo chung, công bố kế hoạch cải tổ mới của liên minh.

“Chúng tôi không cần sáp nhập để hoạt động hiệu quả”, Chủ tịch của Renault - ông Jean-Dominique Senard đã phát biểu trong cuộc họp báo. Ông cũng cho biết các mối quan hệ hiện có với Daimler - tập đoàn sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz, có thể được củng cố và một thông báo mới có thể sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.

Theo nguồn tin của Reuters, kế hoạch mới đòi hỏi phải cắt giảm 1/5 số xe trong liên minh, phân chia việc sản xuất theo khu vực và khai thác các thiết kế chung. Kế hoạch này sẽ đóng vai trò như một hiệp ước hòa bình, giải quyết những căng thẳng đã có từ lâu giữa các bên.

Theo kế hoạch mới, liên minh đặt mục tiêu tiết kiệm chi phí bằng cách chia sẻ sản xuất theo một mô hình “người đi đầu - người theo sau”. 

Cụ thể, một công ty sẽ đi đầu trong việc phát triển một loại xe tại một vị trí địa lý nhất định và những công ty khác sẽ dựa trên thiết kế và quy trình sản xuất của công ty đi trước đó để phát triển các sản phẩm phù hợp. 

Cách tiếp cận mới này đang nhận được sự ủng hộ từ giám đốc điều hành của Nissan - ông Ashwani Gupta và chủ tịch của Renault - ông Jean-Dominique Senard. Ông Senard cho rằng mô hình này sẽ giúp cắt giảm chi phí, tiết kiệm tới 2 tỷ euro (2,2 tỷ USD) cho các các dòng xe SUV trong tương lai.

Ví dụ như ở Brazil, kế hoạch mới cho phép liên minh chuyển từ việc chế tạo 6 mẫu xe trên 4 nền tảng sang việc sản xuất 7 mẫu xe trên 1 nền tảng. 

Quy trình sản xuất và thiết kế sẽ được tiến hành chặt chẽ hơn tại liên minh, trong đó các dòng xe nổi tiếng bao gồm chiếc hatchback nhỏ gọn Renault Clio, crossover SUV Nissan Rogue và SUV Outlander của Mitsubishi sẽ phải giảm 20% tổng số phiên bản vào năm 2025 từ con số hiện tại là 80.

Theo kế hoạch mới, Nissan có thể dẫn đầu tại châu Âu về xe SUV trong khi hoạt động với tư cách là người “theo sau” ở phân khúc xe tải thương mại và xe chở khách nhỏ, được phát triển từ các phiên bản do Renault sản xuất. 

Nhà máy của Nissan tại Sunderland, Vương quốc Anh có thể trở thành một cổng kết nối giữa Nissan Qashqai và Juke cũng như giữa Renault Kadjar và Captur.

Tại Philippines, Mitsubishi có thể hỗ trợ sản xuất xe cho Nissan trong khi cả hai sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác ở thị trường Nhật Bản với việc phát triển xe hơi siêu nhỏ.

Lạc Diệp