|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ninh Thuận khánh thành Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV

10:41 | 13/10/2020
Chia sẻ
Ngày 12/10, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Trungnam Group tổ chức lễ khánh thành Dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Thời gian qua, Ninh Thuận phát triển nhanh về các dự án điện mặt trời và điện gió khiến hệ thống truyền tải điện thường xuyên quá tải làm nhiều nhà máy điện phải giảm phát, gây thất thoát lớn cho doanh nghiệp.

Ninh Thuận khánh thành Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV - Ảnh 1.

Dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng. (Ảnh: TNG)

Với sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Trungnam Group được lựa chọn là nhà đầu tư dự án Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW.

Dự án có tổng diện tích 557,09 ha, trong đó có hơn 17km đường dây truyền tải 500kV, 220kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận đến xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Ngoài việc khai thác hơn 1 tỉ kWh – tương đương 1GWh điện từ nguồn năng lượng tái tạo (năm đầu tiên 1,2 tỉ kWh), dự án sẽ góp phần quan trọng khi giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và Duyên hải Nam Trung bộ.

Ngoài ra, 2 trạm biến áp của dự án, với tổng công suất 1.800MVA, kết hợp với các đường dây giúp tăng khả năng kết nối, tăng độ tin cậy cho hệ thống lưới điện tại khu vực Nam Trung bộ.

Ninh Thuận khánh thành Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV - Ảnh 2.

Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW. (Ảnh: TNG)

Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận nhận định, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng Trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia.

Đồng thời, đóng góp phần quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận tránh tình trạng giảm phát gây thiệt hại cho các nhà máy hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó là việc cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong việc cam kết với các nhà đầu tư và góp phần giải quyết tình trạng cả nước thiếu điện nhưng năng lượng tái tạo lại đang giảm phát.

Ngoài ra, dự án cũng bổ sung hơn 1 tỉ KWh điện mỗi năm vào hệ thống, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo thay thế các nguồn điện không tái tạo khác đặc biệt là bảo vệ môi trường.

Khải An

Sếp Vicem Hà Tiên: Giá bán xi măng vào sân bay Long Thành 'rất chua chát'
Lãnh đạo công ty cho biết thường cung cấp 50-100% sản lượng xi măng ở các dự án lớn phía Nam, theo đó kỳ bạn cung cấp ít nhất gần nửa triệu tấn cho siêu dự án này dù giá biên lợi nhuận không cao.