Ninh Bình đề xuất làm sân bay tại huyện Kim Sơn hoặc Yên Khánh
Theo Thanh Niên, UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất vị trí sân bay có thể đặt tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh. Về vị trí cụ thể, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và các ngành, địa phương có liên quan phối hợp, tư vấn xác định trong quá trình lập quy hoạch.
Cơ sở để đưa ra đề xuất bổ sung sân bay tại Ninh Bình, UBND tỉnh cho biết do Ninh Bình là tỉnh cực nam vùng đồng bằng Bắc bộ, nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch với truyền thống lịch sử - văn hóa, phong cảnh tự nhiên như cố đô Hoa Lư, danh thắng Tràng An.
Năm 2019, Ninh Bình đã đón hơn 7,6 triệu lượt khách. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đón từ 8 - 9 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 8.000 tỉ đồng trở lên.
Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng đang tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử, tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài. Do đó, số lượng người nước ngoài đến tỉnh công tác, làm việc sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Trong khi đó, hiện nay các du khách nước ngoài và các chuyên gia về Ninh Bình tham quan, công tác và làm việc chủ yếu di chuyển thông qua sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội.
Theo TTXVN, trước Ninh Binh, nhiều địa phương khác như Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng, Hà Nội cũng có đề xuất xây dựng sân bay mới. Một số địa phương khác còn đề xuất chuyển cảng hàng không nội địa thành cảng quốc tế như Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Phù Cát, Tuy Hòa…
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2018, Việt Nam có tổng cộng 23 sân bay đi vào hoạt động trong giai đoạn đến năm 2020 và trong số này, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) là sân bay thứ 23 mới đi vào hoạt động cuối năm 2018.
Ngoài ra, quy hoạch định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng và đưa thêm 5 sân bay khác vào vận hành khai thác, bao gồm Sa Pa, Lai Châu, Nà Sản, Quảng Trị và Long Thành.
Sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020 đạt khoảng 64 triệu hành khách và 71 tỷ hành khách luân chuyển, sẽ được nâng lên khoảng 131 triệu hành khách và 125 tỷ hành khách luân chuyển đến năm 2030. Sản lượng vận tải hàng hóa ở hai thời điểm trên cũng sẽ nâng từ 570 nghìn tấn lên 1,7 triệu tấn hàng hóa.