|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nikkei: Việt Nam tìm vốn nước ngoài cho cơ sở hạ tầng

11:19 | 12/04/2017
Chia sẻ
Trò chuyện với The Nikkei, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư kêu gọi vốn nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. 
nikkei viet nam tim von nuoc ngoai cho co so ha tang
Ga Đà Nẵng ở Việt Nam, nằm giữa tuyến đường sắt từ Hà Nội đến TP HCM. Ảnh: Nikkei

Đối mặt với nhiều thách thức tài chính, Việt Nam đang tìm đến các doanh nghiệp nước ngoài về vốn cũng như vấn đề chuyên môn trong bối cảnh hệ thống cơ sở hạ tầng đang cần 400 tỷ USD đầu tư trong thập kỷ tới.

Nói chuyện với tờ Nikkei Asian Review, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang trong quá trình tạo lập khuôn khổ pháp lý để trải thảm đỏ mời nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình xây dựng dự án.

Việt Nam dự định sẽ thực hiện các dự án này dưới hình thức hợp tác công tư (PPP). Một trong những dự án trọng điểm là xây dựng tuyến đường cao tốc dài 1.800km rộng tới 10 làn xe nối Hà Nội với TP HCM, trị giá hơn 13 tỷ USD.

"Hiện nay Việt Nam đang có nhiều dự án cơ sở hạ tầng đã được lên kế hoạch. Hình thức PPP sẽ rất cần thiết", Bộ trưởng Dũng nói. Theo ông, Việt Nam đang tìm kiếm sự trợ giúp từ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Bộ trưởng Dũng đang trong chuyến thăm Nhật Bản tới thứ Bảy này để gặp gỡ các thành viên chính phủ cũng như giới lãnh đạo doanh nghiệp, bàn về cơ hội hợp tác đầu tư.

Theo ông, dự án đường cao tốc được kỳ vọng sẽ là kiểu mẫu về hợp tác công tư cho các dự án cơ sở hạ tầng khác, trong đó có sân bay Quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc, hệ thống vận chuyển bằng metro, nhà máy điện.

Lâu nay, các dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), chủ yếu dưới dạng vốn vay từ các tổ chức quốc tế, gia tăng gánh nặng nợ cho chính phủ. Tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam đã lên tới 64,7% trong năm 2016, gần chạm mức trần mà Quốc hội cho phép ở 65%.

Ông Akio Mimura, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản, trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng một đã nói: "Tôi hiểu rằng chính phủ Việt Nam muốn sử dụng hình thức hợp tác công tư, nhưng nếu lợi ích đầu tư (trong các dự án đó) không rõ ràng, giới doanh nghiệp tư nhân sẽ ngần ngại".

Không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan và Philippines cũng đang phát triển hình thức hợp tác này, nhất là khi gánh nặng nợ ngày càng lớn hay thắt chặt hầu bao. PPP được sử dụng trong nhiều mảng thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng như đường sắt, sân bay, hệ thống phân phối. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm ngoái bắt đầu cung cấp dịch vụ trung gian giữa các chính phủ và các doanh nghiệp khi xúc tiến PPP.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều nhà đầu tư e ngại là mối hợp tác công tư này sẽ mất nhiều thời gian để thu hồi vốn và sinh lãi, đồng thời mức lợi tức cũng không dễ tính toán.

Minh Minh