|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nikkei: Vận tải hàng hóa bằng đường hàng không ở Việt Nam hồi phục mạnh

01:35 | 06/05/2022
Chia sẻ
Nhật báo Nikkei vừa đăng bài phân tích về sự hồi phục mạnh mẽ của ngành vận tải hàng hóa bằng đường hàng không ở Việt Nam sau đại dịch.

Hành khách làm thủ tục trước chuyến bay QH82 của Bamboo Airways. Ảnh: BNEWS

Theo Nikkei, ngành vận tải hàng không của Việt Nam đang vượt qua dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các bất lợi khác trong nền kinh tế toàn cầu, với sự gia tăng về số lượng chuyến bay và sự ra đời của công ty đầu tiên chuyên về vận tải hàng hóa bằng đường không.

Năm 2022, lưu lượng vận tải hàng hóa qua đường hàng không ở quốc gia Đông Nam Á dự kiến sẽ lên tới hơn 1,52 triệu tấn, tăng 17% so với năm ngoái, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 30 năm qua (15%/năm).

Điều này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước và nước ngoài tăng cao khi Việt Nam củng cố vị trí trong các chuỗi cung ứng toàn cầu cho mọi thứ, từ đồ điện tử đến hàng dệt may, với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gần 20% lên khoảng 336 tỷ USD vào năm 2021.

Nikkei dẫn lời một giám đốc điều hành cấp cao của một công ty logistics lớn của nước ngoài có cơ sở ở thủ đô Hà Nội nói: "Tháng 3 là tháng kỷ lục về khối lượng hàng hóa được xử lý". "Ngay cả khi dịch COVID-19 xảy ra, bạn vẫn có thể cảm nhận được động lực của Việt Nam".

Trong bối cảnh đó, các nhà khai thác lớn như DHL Express của Đức và ANA của Nhật Bản đã ngày càng nhắm đến thị trường này. DHL đang đẩy mạnh các dịch vụ vận chuyển hàng hóa thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ.

Mỗi tuần một lần, một máy bay vận tải Boeing 777 sẽ bay từ Sydney, Australia đến  TP. Hồ Chí Minh, trước khi đến sân bay Chubu ở miền trung Nhật Bản và sau đó là bang Ohio ở Mỹ. Năng lực vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ của DHL sẽ tăng 27% so với trước đây lên hơn 940 tấn/tuần.

Trong khi đó, hãng vận tải ANA Cargo thuộc tập đoàn ANA Holdings của Nhật Bản đã bắt đầu đưa vào khai thác dịch vụ vận tải hàng hóa hàng ngày bằng đường không trên tuyến Việt Nam và sân bay Narita vào tháng 3.

Không chỉ có DHL và ANA Cargo, các hãng Korean Air của Hàn Quốc, China Airlines và EVA Air của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), cũng có các chuyến bay chở hàng đến và đi từ Việt Nam. Korean Air chở các điện thoại thông minh do Samsung Electronics sản xuất ở nước này tới các thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc nhu cầu tăng đang đẩy chi phí xuất khẩu bằng đường hàng không lên cao. Một số nhân vật trong ngành cho biết giá cước vận tải hàng hóa bằng đường hàng không hiện nay vẫn cao hơn từ 2 lần đến 4 lần so với trước đại dịch.

Vì vậy, IMEX Pan Pacific Group, một trong những tập đoàn lớn nhất của Việt Nam, đang tìm cách đổ bộ vào lĩnh vực kinh doanh này thông qua việc thành lập công ty con IPP Air Cargo.

Công ty này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối tháng này, với tư cách là công ty đầu tiên của Việt Nam chuyên về vận tải hàng không. IPP Air Cargo dự định sẽ ra mắt với một phi đội gồm 5 chiếc máy bay, trước khi tăng gấp đôi số lượng máy bay trong vòng 5 năm tới.

Bước đầu, IPP Air Cargo sẽ hoạt động trên các đường bay giữa các sân bay địa phương và hai sân bay quốc tế lớn nhất ở Việt Nam, một ở Hà Nội và một ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPP Air Cargo, nói: “Nếu chúng tôi không tham gia thị trường [giá cước sẽ vẫn cao], đó sẽ là một tình thế nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu”. Vị doanh nhân này cũng bày tỏ ý định tập trung vào việc giảm giá cước.

Năng lực vận tải hàng hóa bằng đường không tăng lên có thể sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các nhà sản xuất ở Việt Nam, những người đôi khi phải vật lộn để tìm kiếm đơn vị vận tải.

Giám đốc một công ty sản xuất linh kiện máy ở miền Nam Việt Nam cho biết: “Năm 2021, có nhiều lúc chúng tôi không tìm được chỗ để chuyển hàng xuất khẩu cho dù chúng tôi đã trả giá cao”.

Đào Thanh Tùng

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.