Niềm tin từ thông điệp “Chính phủ kiến tạo”
Từ trái qua: Ông Trần Đình Thiên, ông Nguyễn Trần Bạt, ông Lưu Bích Hồ |
Thông điệp tạo niềm tin mạnh mẽ
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Chính phủ mới chưa được một năm, cho đến bây giờ phải nói thực tình rằng, nhiều thông điệp, nhiều ý kiến đưa ra của Thủ tướng đặc biệt ấn tượng, tạo niềm tin khá mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp, xã hội.
Chẳng hạn, thái độ của Chính phủ đối với doanh nghiệp là thái độ chiến lược phản ánh qua Nghị quyết 35, chưa bao giờ thấy Chính phủ đặt vấn đề doanh nghiệp được coi trọng với tư cách lực lượng chiến lược rõ ràng, điều này trải dài từ câu chuyện quán Cà phê Xin chào đến gần đây vấn đề quy hoạch, việc khuyến khích vào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.
Ví dụ thứ hai là cuối năm 2016, trước kỳ họp Quốc hội, dù dự báo mục tiêu tăng trưởng gần như chắc chắn không đạt, nhưng Thủ tướng vẫn cho rằng không cần điều chỉnh. Trong khi theo thông lệ các kỳ trước là chỉ tiêu nào khó cứ đề nghị điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, và vẫn sẽ hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc không có vấn đề gì.
Tôi đánh giá cao thông điệp Thủ tướng đưa ra là không việc gì phải điều chỉnh, vì nếu điều chỉnh thì hoàn thành nhiệm vụ về mặt ngắn hạn, nhưng không có cơ hội kiểm điểm những vấn đề dài hạn có vấn đề gì về cơ cấu hay không. Việc này phản ánh cách nhìn không chạy theo chủ nghĩa thành tích.
Chính phủ làm “đường ray tàu”
Ông Nguyễn Trần Bạt, chuyên gia kinh tế
Chính phủ kiến tạo là chính phủ làm đường ray để cho tàu hỏa chạy, chính phủ biết có những loại có thể chạy trên đường ray được và không có thì chính phủ lắp đường ray cho chạy. Bày đặt một số điều kiện ban đầu nào đó được gọi là kiến tạo, kiến tạo có chất lượng hướng dẫn, kiến tạo có chất lượng gợi ý, kiến tạo có chất lượng củng cố, kiến tạo có chất lượng uốn nắn… kiến tạo là một khái niệm đa nghĩa.
Chúng ta là một nước đang phát triển, mới nổi, có nhiều mặt chưa hình thành, khía cạnh kiến tạo trong hoạt động của nhà nước hay hoạt động của chính phủ chính là hoàn thiện các thể chế.
Kỳ vọng 2017 khởi sắc hơn
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Ý nghĩa lớn nhất của kiến tạo trong Chính phủ kiến tạo là làm rõ, khẳng định lại vai trò và chức năng của nhà nước, Chính phủ trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta khẳng định việc xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, đồng bộ gắn với cải cách thể chế. Cái chúng ta lâu nay vẫn còn hạn chế về đổi mới, ngoài tư duy trong hành động chủ trương, chính sách chúng ta vẫn mắc ở chỗ chưa làm thật đúng và đầy đủ ở tinh thần này. Bây giờ làm tốt hơn đó là kiến tạo.
Quyết tâm của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ kiến tạo không hoàn toàn mới nhưng lần này Chính phủ mới đưa ra là để bày tỏ quyết tâm của Chính phủ trong một giai đoạn mới phải thực hiện tốt hơn, đúng hơn và có hiệu quả hơn.
Đương nhiên như thế Chính phủ không phải chỉ là đổi mới tư duy mà phải đổi mới và hoàn thiện hơn nữa, kể cả các hành động vì những cái gì phù hợp với yêu cầu và nội dung kiến tạo Chính phủ quyết tâm làm, những gì không đúng hay trái với tinh thần đó phải cương quyết thay đổi, bãi bỏ.
Năm 2016 trong thời gian Chính phủ mới hoạt động đã thể hiện tinh thần và quyết tâm rõ hơn cả là trong quyết tâm cải cách đổi mới thể chế, kinh tế thị trường đặc biệt hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục, cung cách hoạt động của Chính phủ.
Chuyển sang năm 2017 Chính phủ đã tuyên bố sẽ tiếp tục như vậy và sắp tới 2017 khó khăn rất lớn kể cả trong và ngoài nước, không có gì quan trọng hơn là làm đúng tinh thần và gắn với nó hành động.