Những yếu tố cho thấy cơ hội mua nhà đã đến rất gần
Nguồn cung khan hiếm
Dữ liệu từ JLL cho biết, Hà Nội chỉ có 4.600 căn hộ mở bán trong ba tháng đầu năm, bằng 65% nguồn cung quí trước và là mức thấp nhất kể từ khi thị trường hồi phục vào năm 2015. Lượng bán đạt 3.520 căn trong quí, thấp hơn 49,1% so với quí trước do nguồn cung mới hạn chế.
Tại thị trường TP HCM, phân khúc chung cư cũng có nguồn cung vô cùng hạn chế, chỉ có 1.980 căn, thấp hơn một nửa so với số liệu quí cuối năm 2019 và quí I/2019. Nguồn cung trong quí I chỉ bằng khoảng 54% tổng lượng hàng sẵn có trên thị trường trong quí, mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây.
Theo chuyên gia, nguồn cung khan hiếm đã góp phần đẩy giá nhà tăng trong năm 2019 dù thị trường BĐS đã chững lại rõ rệt. Hiện tại, một số dự án đã có hiện tượng giảm giá do một số nhà đầu tư kẹt vốn cần thanh lí tài sản. Tuy nhiên, xu hướng này được đánh giá là cục bộ và khó có thể tạo thành xu hướng trong dài hạn khi nguồn cung dự báo sẽ còn thấp trong khi nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn.
Theo dự báo của Hội môi giới BĐS Việt Nam, đến quí II/2020, nguồn cung mới từ các dự án BĐS đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn cũng không có nhiều. Ở mỗi địa phương có thể có tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức một con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước.
Còn theo nhận định của TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam liên quan đến sự khó khăn của thị trường BĐS bởi dịch Covid-19,khi nhà ở là nhu cầu muôn thuở của người dân, thì dịch Covid-19 là giai đoạn thử thách nhất thời của thị trường. Khó khăn nếu có sẽ nằm ở động cơ ra quyết định mua nhà với mục đích để ở sẽ chậm lại, hoặc người mua nhà để bán sẽ thoái lui nhằm bảo toàn nguồn vốn.
Nhà đầu tư chờ cơ hội xuống tiền
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, chia sẻ với người viết, một giám đốc sàn BĐS cho biết, hiện đã có một số nhà đầu tư kẹt vốn đang tìm cách bán ra để thanh toán nợ vay. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư vẫn đang liên hệ để tìm kiếm các cơ hội đầu tư.
Thậm chí, một số nhà đầu tư lại tỏ vẻ quan ngại với dịch bệnh đã tìm mua BĐS thay vì giữ tiền mặt. Theo đó, những BĐS mang tính an toàn và nằm ở khu vực hoàn chỉnh về hạ tầng giao thông,… vẫn được các nhà đầu tư tìm kiếm ngay trong mùa dịch.
Đối với nhiều người có nhu cầu thực trở nên phấn khích hơn khi thị trường BĐS chững lại, bên cạnh số đông đang có tâm lí chờ đợi thì một bộ phận lại coi đây là cơ hội để mua được BĐS tốt với giá hợp lí hơn, bởi sau khủng hoảng sẽ không có mức giá tốt như hiện nay.
Chị Xuân, nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết, vợ chồng chị vừa hoàn tất thủ tục mua một căn chung cư với mức giá khá hợp lí. "Vợ chồng tôi có ý định mua nhà từ năm ngoái nhưng tìm mãi không có căn nào ưng ý mà giá hợp lí. Vừa hay vợ chồng tôi biết được thông tin căn hộ này đang được rao bán với giá rẻ hơn so với bình thường nên đã quyết định mua luôn vì sợ lỡ mất cơ hội", chị Xuân chia sẻ.
Nói thì dễ, nhưng việc xuống tiền để nắm bắt cơ hội mua nhà tuỳ thuộc vào từng người. Chị Nga, một nhà đầu tư cá nhân ở quận 7, TP HCM đã rất thành công theo phương pháp quan sát, thận trọng vẫn cho rằng mua BĐS ở thời điểm nào cũng có cơ hội. Bởi theo chị, những dự án nằm ở những khu vực có hạ tầng tốt, chủ đầu tư uy tín, sản phẩm chất lượng, độc đáo thì cứ mạnh dạn mua vào nếu thấy giá hợp lí và không bị áp lực lớn về tài chính.
Lạc quan về triển vọng trung, dài hạn
Nhận định về thị trường BĐS tại Hà Nội và TP HCM thời gian tới, bộ phận nghiên cứu của CBRE đưa ra hai kịch bản. Với kịch bản thứ nhất, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6, giá bán trung bình toàn thị trường được kì vọng tăng 5% so với cùng kì năm trước.
Trong tình huống xấu hơn, dịch bệnh không được kiểm soát trước khi kết thúc quí III/2020, giá bán sơ cấp sẽ giảm khoảng 5- 6% theo năm các dự án hiện hữu phải đưa ra chính sách giá cạnh tranh hơn để thu hút người mua.
Còn theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, điều quan trọng là tâm lí thị trường, mọi người cùng hi vọng về một sự khởi sắc, sự hồi phục thì thị trường sẽ tốt hơn.
"Đối với thị trường BĐS luôn tồn tại hai nhu cầu: đầu tư và để ở. Đối với nhu cầu đầu tư ở những thời điểm thị trường có sự tác động như dịch bệnh, rõ ràng đầu tư ngắn hạn theo dạng đầu cơ, lướt sóng rõ ràng rất khó. Nhưng vẫn có nguồn đầu tư trung và dài hạn vì đây là một kênh để cất giữ tài sản", bà Hương nói.
Vị TGĐ Đại Phúc Land phân tích: "Nguồn cung khan hiếm (do các yếu tố liên quan đến pháp lí dự án), triển vọng về giá trị gia tăng của BĐS trong tương lai vẫn rất tốt. Và nhu cầu nhà ở tại TP HCM và HN trong thực tế vẫn rất lớn.
Còn dịch bệnh chỉ là yếu tố ngắn hạn, nó có thể diễn ra 3 – 6 tháng hoặc lâu hơn rồi sẽ chấm dứt. Nhưng câu chuyện về tăng trưởng kinh tế cũng như BĐS vẫn là câu chuyện dài hạn. Vì thế tôi cho rằng thị trường BĐS sẽ sớm khởi sắc khi dịch bệnh được khống chế".
"Tại thời điểm này, vấn đề mấu chốt là nguồn cung vẫn đang khan hiếm, khủng hoảng dịch bệnh chỉ mang tính ngắn hạn chứ không phải dạng như khủng hoảng do lệch cung - cầu hồi 2009 - 2010.
Tôi cho rằng đây chỉ là thời điểm gián đoạn của nền kinh tế, dù có thể có thiệt hại nhưng các ngành trong đó có bất động sản sẽ có lộ trình để phục hồi từng bước khi dịch bệnh được kiểm soát", bà Hương chia sẻ.