|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những vấn đề bị bỏ ngỏ trong nội dung ĐHĐCĐ bất thường tại BIDV

10:22 | 15/10/2016
Chia sẻ
Trong tờ trình gửi tới các cổ đông trong đại hội đồng cổ đông sắp tới, BIDV vẫn chưa giải quyết một số vấn đề tồn tại trong ngân hàng như hình thức trả cổ tức hay kế hoạch tái cơ cấu khoản vay liên quan đến tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã BID) thông báo về đợt họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường ngày 22/10/2016 tới. Mục đích chính của việc này là để sửa đổi điều lệ của Ngân hàng, Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT.

Theo CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC), tờ trình Đại hội chưa có một số vấn đề cấp bách mà cổ đông của BIDV quan tâm.

Đầu tiên, ngân hàng chưa đi đến quyết định cuối cùng về việc trả cổ tức bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu cho năm 2015.

Thứ hai, kế hoạch tăng vốn để cải thiện hệ số CAR đang ở mức thấp. Hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của BIDV đang ở mức dưới 9,32%. HSC cũng dự báo rằng, tỷ lệ này sẽ chỉ xấp xỉ 9% vào thời điểm cuối năm 2016 do triển vọng tăng vốn cuối năm thấp vì không còn nhiều thời gian

Thứ ba là kế hoạch tái cơ cấu đối với các khoản cho vay Hoàng Anh Gia Lai (HAG). BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAG. Tính đến tháng 4/2016, tính các khoản cho vay tín dụng, BIDV và Chứng khoán BSC đã thu xếp phát hành trái phiếu cho HAG lên đến 10.715 tỷ đồng. Hơn một nửa số vay là vay dài hạn.

Cuối cùng là việc thông qua quyết định chính thức bổ nhiệm ông Trần Anh Tuấn làm tân chủ tịch BIDV (hiện ông Tuấn là thành viên HĐQT kiêm quyền Chủ tịch BIDV). Trước đó, ngày 18/8, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã quyết định ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HDQT BIDV, thôi làm người đại diện 40% phần vốn Nhà nước tại BIDV.

Trước thềm ĐHĐCĐ bất thường lần này, BIDV vẫn chưa công bố ước tính kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2016, tuy nhiên kì vọng tăng trưởng tốt là không cao.

Theo HSC, dự báo sau 9 tháng, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 5.300 tỷ đồng, giảm 4,24% so với cùng kì và chỉ đạt 67% kế hoạch. Tính riêng quý III 2016, lợi nhuận trước thuế dự báo đạt 2.000 tỷ đồng, giảm 17,25% so với cùng kỳ.

Nhân tố chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của BIDV là vốn huy động khách hàng tăng khoảng 21% so với cùng kỳ (đạt 682 nghìn tỷ đồng) nhưng cho vay khách hàng chỉ tăng khoảng 12% so với cùng kỳ (đạt 670 nghìn tỷ đồng). HSC cũng cho rằng với KQKD 6 tháng gây thất vọng và hệ số CAR thấp, thì khó có thể kỳ vọng nhiều vào việc tăng trưởng tài sản và tín dụng của BIDV.

Một nguyên nhân khác hạ thấp triển vọng tăng trưởng của ngân hàng đến từ việc tăng chi phí dự phòng cả năm có thể lên tới 4.526 tỷ đồng (tăng 30,8% so với năm ngoái), chủ yếu là dự phòng trích lập trái phiếu cho VAMC. BIDV phải trích lập 4.130 tỷ đồng trong năm 2016 nhưng trong 6 tháng đầu năm, con số này mới chỉ đạt 1.383 tỷ đồng. Từ đó, lợi nhuận sẽ bị “ăn gần hết” do trích lập dự phòng.

Đức Phạm

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.