|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những tuyến đường hàng chục nghìn tỷ đồng tạo lực cho sân bay Long Thành 'cất cánh'

21:44 | 14/01/2022
Chia sẻ
Đồng Nai sẽ đầu tư gần 19.000 tỷ đồng để mở rộng thêm ba tuyến đường phục vụ việc đi lại, tạo lực cho sân bay Long Thành “cất cánh”. Ngoài ra, dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm Long Thành dài hơn 37 km với tổng vốn đầu tư 174 triệu USD cũng đang được kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025.
Những tuyến đường hàng chục nghìn tỷ đồng tạo lực cho sân bay Long Thành 'cất cánh' - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV).

Dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 có công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tổng mức đầu tư 114.450 tỷ đồng.

Dự kiến vào đầu năm 2025, giai đoạn 1 dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành khai thác, trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam. Công trình sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Đối với Đồng Nai, để có thể khai thác tối đa hiệu quả từ dự án sân bay Long Thành, tỉnh đã quy hoạch đầu tư mạng lưới giao thông kết nối giữa các địa phương trong tỉnh với sân bay.

Ba tuyến đường bộ gần 19.000 tỷ đồng

Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã có quyết định về việc triển khai Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 của HĐND tỉnh đối với dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 huyện Thống Nhất và huyện Long Thành.

Công trình có chiều dài hơn 29,7 km. Điểm đầu tuyến giao với quốc lộ 1 tại ngã tư Dầu Giây, huyện Thống Nhất; điểm cuối tuyến giao với quốc lộ 51 tại ngã tư Lộc An, huyện Long Thành.

Những tuyến đường hàng chục nghìn tỷ đồng tạo lực cho sân bay Long Thành 'cất cánh' - Ảnh 2.

Tỉnh lộ 769 đi qua xã Bình Sơn, chạy song sọng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. (Ảnh: danhkhoireal.vn).

Theo phương án đầu tư, dự án được phân thành 5 phân đoạn với quy mô mặt cắt ngang đối với đoạn qua thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất là 45 m; đoạn từ cuối thị trấn Dầu Giây đến đường vành đai 4  là 30,5 m, riêng đoạn qua trung tâm xã Lộ 25 rộng 40,5 m.

Đoạn từ đường vành đai 4 đến cuối đường D1 khu tái định cư lộc An - Bình Sơn là 38,5 m; đoạn qua khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn là 45 m và đoạn đầu đường D1 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đến quốc lộ 51 là 45 m.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 6.200 tỷ đồng, bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022-2027.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã phê duyệt đầu tư hai dự án gồm đường tỉnh 773 và 770B để kết nối với các tuyến quốc lộ, đường cao tốc và các địa phương khác với sân bay Long Thành.

Theo Báo Đồng Nai, tuyến đường tỉnh 770B là dự án được xây dựng mới hoàn toàn với chiều dài khoảng 42,5 km, tổng vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tuyến giao với đường tỉnh 763 tại xã Suối Nho (huyện Định Quán), điểm cuối tuyến giao với quốc lộ 51 tại xã Phước Thái (huyện Long Thành).

Tuyến đường khi hoàn thành xây dựng sẽ tạo sự kết nối giữa các huyện phía Đông, Đông Bắc của tỉnh với sân bay Long Thành cũng như các khu công nghiệp (KCN) sẽ được mở mới trong thời gian tới gồm: KCN Xuân Quế - Sông Nhạn và KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp.

Đồng thời, đây cũng là tuyến đường kết nối các địa phương ở phía đông và đông bắc của tỉnh với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Còn đường tỉnh 773 sẽ là tuyến kết nối hai huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ đến sân bay Long Thành cũng như KCN Xuân Quế - Sông Nhạn. Đồng thời tuyến cũng giảm tải lưu lượng xe cho tuyến quốc lộ 1. Dự án này có vốn đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng.

Về nguồn vốn thực hiện, các dự án đều sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh, cụ thể là nguồn đấu giá đất. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương khai thác các khu đất lợi thế để bán đấu giá tạo nguồn vốn thực hiện các dự án này.

Hiện nay, các địa phương cũng đã hoàn thành việc quy hoạch các khu đất lợi thế khi triển khai thực hiện ba dự án với tổng diện tích hơn 1.700 ha.

Bên cạnh đó, để kết nối giao thông với sân bay Long Thành, hiện Đồng Nai đang thực hiện hai dự án khác là đường số 1 và số 2.

Theo quy hoạch, tuyến đường số 1 dài 3,8 km, rộng 120 m. Điểm đầu từ cổng phía tây sân bay Long Thành kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và điểm cuối khớp nối với đường tỉnh 25C.

Tuyến số 2 dài 3,5 km, mặt cắt ngang rộng 134 m, điểm đầu giao với tuyến số 1, kéo dài song song với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và điểm cuối giao với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Về phương án đầu tư, đơn vị tư vấn đã đề xuất phân kỳ đầu tư đối với hai tuyến đường kết nối sân bay Long Thành.

Cụ thể, đối với tuyến số 1, đề xuất quy mô giai đoạn 1 đối với đoạn khớp nối với đường tỉnh 25C có chiều rộng mặt đường 38 m với quy mô 8 làn xe; đoạn từ quốc lộ 51 đến giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu quy mô 6 làn xe (quy hoạch được duyệt 16 làn xe) và đoạn từ đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến cổng sân bay Long Thành đầu tư với quy mô 6 làn xe.

Đối với tuyến số 2, đầu tư xây dựng đường song hành với chiều rộng 10,5 m mỗi chiều đảm bảo quy mô 4 làn xe, mỗi chiều hai làn xe.

Tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành 174 triệu USD

Tháng 12/2021, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương giao UBND tỉnh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Việc giao tỉnh Đồng Nai làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án giúp địa phương chủ động trong quá trình kêu gọi đầu tư.

Nếu được Chính phủ chấp thuận, Đồng Nai sẽ khẩn trương lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương liên quan sớm triển khai, đưa dự án vào khai thác kịp thời với thời gian vận hành của sân bay Long Thành.

Theo UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án giao thông đường bộ như: Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 - TP.HCM, mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Khi các dự án này đưa vào khai thác cơ bản đáp ứng việc kết nối hệ thống giao thông đường bộ với sân bay Long Thành.

Tuy nhiên, để phát huy lợi thế và tăng khả năng kết nối của sân bay Long Thành với TP.HCM và hệ thống cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, đồng thời chia sẻ áp lực lưu lượng cho hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt là tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thì việc sớm triển khai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu là rất cần thiết.

Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành dài hơn 37 km, có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM) và điểm cuối tại sân bay Long Thành. Tổng mức đầu tư 174 triệu USD theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Dự án này cũng nằm trong danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành.

Huy Hoàng