|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những toan tính của Nhà Trắng - Bài cuối: Cuộc chơi với lửa

15:30 | 07/04/2025
Chia sẻ
Chính phủ Mỹ muốn có một đồng USD yếu để hỗ trợ xuất khẩu, nhưng đồng thời vẫn muốn duy trì vị thế thống trị của đồng tiền này trên thế giới. Đây là một chiến lược mâu thuẫn.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty Images).

Bài viết đăng trên nhật báo Les Echos phân tích, nguyên nhân thực sự của tình trạng phi công nghiệp hóa ở Mỹ không phải do đồng USD bị định giá quá cao, mà là do thâm hụt ngân sách, sự lạm dụng của giới tài chính, tỷ lệ tiết kiệm thấp và hệ thống đào tạo kém.

Như Giáo sư Jeffrey Frankel thuộc Đại học Harvard nhận xét: việc làm suy yếu đồng USD chỉ là một sự đánh lạc hướng tai hại. Bà Natacha Valla, chuyên gia kinh tế Pháp, Trưởng khoa Quản lý và Đổi mới tại Sciences Po Paris, cũng cho rằng việc phá giá đồng USD có thể gây ra căng thẳng thương mại và dẫn đến các biện pháp trả đũa từ các đối tác quốc tế.

Hơn nữa, nó có thể làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào đồng USD, đe dọa vị thế của nó như đồng tiền dự trữ toàn cầu và khiến chi phí nợ của Mỹ tăng cao.

Chính phủ Mỹ muốn có một đồng USD yếu để hỗ trợ xuất khẩu, nhưng đồng thời vẫn muốn duy trì vị thế thống trị của đồng tiền này trên thế giới. Đây là một chiến lược mâu thuẫn.

Trong khi theo đuổi chủ trương làm suy yếu đồng USD, Nhà Trắng lại đang ủng hộ cuồng nhiệt cho tiền mã hóa, với tham vọng đây sẽ là công cụ đưa Mỹ trở thành siêu cường tài chính thế giới. Nhưng theo nhận xét của bà Natacha Valla, việc làm này giống như "chơi với lửa”.

Nhà Trắng có nguy cơ đánh mất niềm tin của cộng đồng quốc tế vào đồng USD - sức mạnh chính làm nên quyền lực của Mỹ.

Với tham vọng củng cố vị thế siêu cường tài chính, Mỹ đã nhanh chóng trở thành nước tiên phong thúc đẩy tiền mã hóa với một sắc lệnh hành pháp vào tháng 3/2025 cho phép thiết lập một "kho dự trữ chiến lược", bao gồm các tài sản kỹ thuật số. Những đồng tiền kỹ thuật số mang tính trào phúng (memecoins) xuất hiện tràn lan.

Ngay cả tổ chức tài chính World Liberty Financial cũng dự định phát hành một đồng stablecoin (một loại tiền điện tử có giá trị được gắn với một tài sản khác, chẳng hạn như tiền pháp định hoặc vàng, để duy trì giá ổn định) được bảo chứng bằng trái phiếu kho bạc Mỹ.

Sự chuyển đổi đột ngột này đi kèm với một làn sóng nới lỏng quy định chưa từng có, khiến giới đầu tư nghi ngờ và lo ngại.

Mặc dù Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cam kết xây dựng một khung pháp lý "hợp lý" cho tài sản kỹ thuật số, với mục tiêu thúc đẩy đầu tư và đổi mới mà không lặp lại những sai lầm trong quá khứ, nhưng đây sẽ là một canh bạc đầy rủi ro.

Lý giải cho nhận định này, theo bà Natacha Valla, trước hết, nếu việc nới lỏng quy định đi quá xa, việc thiếu các biện pháp bảo vệ có thể tạo điều kiện cho gian lận, bất ổn hệ thống và hàng loạt vụ phá sản.

Cách tiếp cận này có thể hấp dẫn giới đầu cơ, nhưng lại đẩy những nhà đầu tư nhỏ lẻ vào vòng nguy hiểm. Nếu các nền tảng giao dịch hoặc các stablecoin sụp đổ, các nhà đầu tư sẽ rời bỏ thị trường, kéo theo sự sụp đổ của thị trường và làm lung lay niềm tin vào hệ thống tài chính Mỹ.

Tiếp đó, khi bị chính trị hóa quá mức, tiền mã hóa có nguy có đánh mất uy tín và dễ rơi vào các cáo buộc xung đột lợi ích.

Hơn nữa, các quy định về tiền mã hóa đang dần được chuẩn hóa trên phạm vi toàn cầu như Mica và Dora của Liên minh châu Âu (EU) hay khung pháp lý của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF)).

Nếu Mỹ đi chệch hướng khỏi xu thế này, tiền mã hóa của Mỹ có nguy cơ bị cô lập khỏi hệ thống tài chính thế giới, gây cản trở khả năng tương tác và làm dấy lên sự nghi ngờ.

Ngoài ra, chính sách tài khóa của Mỹ hiện đang theo hướng mở rộng và mang tính chu kỳ, khiến thâm hụt ngân sách gia tăng, nợ công phình to và có khả năng làm lạm phát leo thang.

Trong trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bị áp lực làm suy giảm tính độc lập, nền kinh tế có thể rơi vào một giai đoạn bất ổn vĩ mô chưa từng có, đẩy thị trường vào tình trạng biến động mạnh và khủng hoảng thanh khoản. Tiền mã hóa, vốn có sự tương quan cao với các tài sản rủi ro, sẽ là nạn nhân đầu tiên của tình trạng này.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ Mỹ sử dụng tiền mã hóa cho các chức năng gần như thuộc về nhà nước (chẳng hạn như quỹ dự trữ chiến lược) và cho phép các đại diện của nhà nước phát hành tiền mã hóa đang đặt ra một thách thức trực tiếp đối với vai trò truyền thống của đồng USD (là kho lưu trữ giá trị, đơn vị tính toán và phương tiện thanh toán truyền thống).

Niềm tin là nền tảng của mọi nền kinh tế thịnh vượng. Với cả đồng USD và tiền mã hóa, câu hỏi đặt ra hiện nay là: liệu các thể chế của Mỹ có đủ mạnh để duy trì niềm tin đó hay không?

Thu Hà