|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Những toà nhà 'hốt bạc' tại TP HCM

21:35 | 16/02/2020
Chia sẻ
Với vị trí đắc địa tại trung tâm TP HCM, các dự án trung tâm thương mại và cho thuê văn phòng đã "hái ra tiền" nhờ cho các doanh nghiệp thuê mặt bằng văn phòng.
Những toà nhà 'hốt bạc' tại TP HCM - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Các toà nhà nằm tại vị trí trung tâm TP.HCM với giá cho thuê văn phòng cao chót vót đã đem về cho chủ đầu tư số tiền khủng mỗi năm nhờ tỷ lệ lấp đầy rất cao lên tới 95%-100%.

Với nguồn thu hàng trăm tỷ đồng, có dự án nguồn thu lên tới nghìn tỷ đồng mỗi năm, đây mới chỉ là con số tính riêng lĩnh vực cho thuê văn phòng của từng toà nhà, chưa kể việc cho thuê khối đế thương mại, căn hộ (nếu có). 

Như vậy, dù trừ khấu hao toà nhà và trừ chi phí nhân công, vận hành… các chủ đầu tư vẫn có lãi không hề nhỏ, cơ hội thu hồi vốn nhanh nếu giá thuê tiếp tục tăng, nguồn cung mới đang khan hiếm do chưa có thêm những dự án mới…

Chẳng hạn, toà nhà Saigon Centre (65 - 67 Lê Lợi, quận 1) đang đứng đầu về doanh thu cho thuê văn phòng hạng A tại TP.HCM.

Những toà nhà 'hốt bạc' tại TP HCM - Ảnh 2.

Nguồn: Colliers International Vietnam.

Dự án phức hợp Saigon Centre có chủ đầu tư công ty Keppel Land (Singapore), gồm 2 tháp. Tháp 1, cao 25 tầng, 3 tầng mua sắm, 11 tầng văn phòng và 89 căn hộ dịch vụ cao cấp. 

Tháp 2, cao 45 tầng, trong đó sử dụng 7 tầng với khoảng 50.000 m2 cho khu thương mại và ẩm thực; 40.000 m2 dành cho khu văn phòng hạng A và hơn 200 căn hộ cho thuê cao cấp.

Với giá thuê 45 USD/m2/tháng đối với tháp 1 (Saigon Centre Tower 1), tỷ lệ lấp đầy 99% trên diện tích cho thuê là 51.650m2, Saigon Centre thu về 27,6 triệu USD năm 2019 (tương ứng 648,8 tỷ đồng).

Những toà nhà 'hốt bạc' tại TP HCM - Ảnh 3.

Tháp 1 của toà nhà Saigon Centre.

Đối với tháp 2 (Saigon Centre Tower 2), tỷ lệ lấp đầy 98% trên diện tích cho thuê là 44.000m2, Saigon Centre thu về 23,8 triệu USD năm 2019 (tương ứng 559,3 tỷ đồng). 

Như vậy, doanh thu cả 2 tháp đã mang về cho Saigon Centre số tiền khủng trên 1.200 tỷ đồng năm 2019 (100 tỷ đồng/tháng) riêng mảng cho thuê văn phòng.

Đứng thứ 2 là dự án Vietcombank Tower cao 35 tầng (số 5 Công Trường Mê Linh, quận 1). Dự án liên doanh giữa Công ty TNHH Vietcombank - Bonday - Ben Thanh Tourist có tổng vốn đầu tư 96,5 triệu USD, trong đó chi phí xây dựng khoảng 69 triệu USD. 

Với diện tích cho thuê khá lớn 41.250m2, giá cho thuê 45 USD/m2/tháng, tỷ lệ lấp đầy 97,3% đã đem về cho toà nhà này 21,6 triệu USD năm 2019 (tương đương 509,3 tỷ đồng).

Những toà nhà 'hốt bạc' tại TP HCM - Ảnh 4.

Vietcombank Tower cao 35 tầng, tổng vốn đầu tư 96,5 triệu USD.

Đứng thứ 3 về doanh thu cho thuê văn phòng là Ngôi nhà Đức tại TP.HCM (Deutsches Haus), cao 25 tầng (số 33 Lê Duẩn, quận 1), chủ đầu tư là Công ty TNHH Ngôi Nhà Đức TP. HCM đã đầu tư 100 triệu USD. 

Dù mới đi vào hoạt động cuối năm 2017 nhưng tỷ lệ lấp đầy của dự án tới 95%, giá cho thuê cao ngất ngưởng 65 USD/m2/tháng, dù diện tích cho thuê chỉ trên 25.000m2, nhưng Deutsches Haus đã kiếm được 18,5 triệu USD năm 2019 (tương đương 436 tỷ đồng).

Những toà nhà 'hốt bạc' tại TP HCM - Ảnh 5.

Ngôi nhà Đức tại TP.HCM - Deutsches Haus có giá thuê 65 USD/m2/tháng.

Những tòa nhà cao tầng đem về doanh thu trên 300 tỷ đồng (tương đương trên 13 triệu USD) được ghi nhận ở: dự án Bitexco Financial Tower cao 68 tầng (số 2 Hải Triều, quận 1), chủ đầu tư là Tập đoàn Bitexco đã đổ vào đây khoảng 220 triệu USD. 

Dự án đã kiếm được 16,4 triệu USD (385 tỷ đồng) từ việc cho thuê văn phòng năm 2019.

Những toà nhà 'hốt bạc' tại TP HCM - Ảnh 6.

Toà tháp hình búp sen Bitexco Financial Tower cao 68 tầng - biểu tượng dự án cao nhất tại TP.HCM vào năm 2010.

Dự án mPlaza Saigon (tên cũ Kumho Asiana Plaza) được tập đoàn Mapletree Investments Pte Ltd (Singapore) mua lại vào năm 2016 với giá 215 triệu USD, gồm 21 tầng văn phòng hạng A, 31 tầng căn hộ dịch vụ và 21 tầng khách sạn và khu bán lẻ và khu vực ăn uống. 

Năm 2019, việc cho thuê văn phòng đã đem về cho chủ đầu tư 14,5 triệu USD (342 tỷ đồng).

Những toà nhà 'hốt bạc' tại TP HCM - Ảnh 7.

Dự án mPlaza Saigon được chuyển đổi từ tên cũ Kumho Asiana Plaza.

Dự án Lim Tower 3 (29A Nguyễn Đình Chiểu, quận 1), cao 25 tầng do CTCP Đầu tư & Thương mại An Khang (thuộc Hoa Lâm Group) mới đi vào hoạt động năm 2019 với tỷ lệ lấp đầy 95% đã đem về cho chủ đầu tư 13,3 triệu USD (314 tỷ đồng) tiền cho thuê văn phòng với giá cho thuê 40 USD/m2/tháng.

Những toà nhà 'hốt bạc' tại TP HCM - Ảnh 8.

Cao ốc Lim Tower 3 tại 29A Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP.HCM.

Ngoài ra, dự án Times Square nổi bật ở vị trí 22-36 Nguyễn Huệ, quận 1, cao 39 tầng và khối bệ 6 tầng, tổng vốn đầu tư trên 125 triệu USD do CTCP Đầu tư Quảng Trường Thời Đại là chủ đầu tư (một công ty của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), giá cho thuê cũng chót vót 62 USD/m2/tháng đã đem về cho chủ dự án này gần 9 triệu USD năm 2019, tương đương 211 tỷ đồng chỉ với diện tích cho thuê văn phòng 12.704m2, tỷ lệ lấp đầy 95%.

Những toà nhà 'hốt bạc' tại TP HCM - Ảnh 9.

Times Square là một cao ốc phức hợp tọa lạc tại số 22-36 Nguyễn Huệ và 57-69F Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM.

Các dự án còn lại, như: Saigon Tower, Sunwah Tower, Diamond Plaza, The Metropolitan, President Place, Le Meridien cũng có doanh thu từ trên 90 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng năm 2019 chỉ riêng từ việc cho thuê văn phòng.

Điều này cho thấy những dự án tại những vị trí đắc địa đã giúp chủ đầu tư “hốt bạc” nhờ cho thuê lại mặt bằng cho các doanh nghiệp làm văn phòng hoặc cho các đơn vị kinh doanh thương mại… và giá thuê văn phòng chưa bao gồm phí dịch vụ.

Số liệu từ UBND TP.HCM cho biết, ước tính năm 2019, TP.HCM đã thu hút được hơn gần 8,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng trên 100% so với cùng kỳ năm 2018.

Thành phố có thêm 1.320 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư, cùng với số dự án còn hiệu lực hoạt động là 9.185 dự án với tổng vốn đầu tư 47,3 tỷ USD. Lĩnh vực bất động sản vẫn thu hút lượng lớn vốn FDI với trên 455 triệu USD trong 11 tháng đầu năm 2019.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 tăng thêm hơn 43.000 doanh nghiệp, đưa tổng số doanh nghiệp của thành phố lên gần 500.000 doanh nghiệp.

Những số liệu trên cho thấy sự phát triển kinh tế, thương mại của thành phố rất sôi động, do đó, nhu cầu về mặt bằng kinh doanh, văn phòng giao dịch rất lớn, tạo cơ hội cho những cao ốc kiếm lợi nhuận bạc tỷ.

Linh Lan

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.