Những thách thức đón chờ tân Chủ tịch Eximbank
Chính thức gia nhập Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (EximBank - EIB) vào tháng 4/2018, sau 9 tháng đảm nhận vị trí thành viên Hội đồng Quản trị bà Lương Thị Cẩm Tú đã chính thức trở thành tân Chủ tịch Ngân hàng thay thế cho ông Lê Minh Quốc kể từ ngày 22/3.
Sinh năm 1980, bà Tú là một bóng hồng tài năng của ngành ngân hàng và là một trong những Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất hiện nay. Trước đó, bà từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các ngân hàng khác, gần nhất là chức Tổng Giám đốc của Nam A Bank.
Đón nhận vị trí "ghế nóng" này nữ Chủ tịch cũng đối mặt với không ít thách thức. Có thể kể đến như vấn đề về chiến lược tăng trưởng cho vay, xử lí nợ xấu và những hệ luỵ từ vụ cựu nhân viên lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng từ ngân hàng.
Bà Lương Thị Cẩm Tú - Chủ tịch HĐQT Eximbank
Tăng trưởng cho vay ở mức thấp
Tăng trưởng cho vay của Eximbank là vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi ngân hàng và đối với Eximbank cũng vậy. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tăng trưởng cho vay của ngân hàng lại nằm ở mức thấp so với các ngân hàng khác.
Theo thống kê của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), kể từ năm 2011, tốc độ tăng trưởng gộp bình quân cho vay khách hàng chỉ đạt 4,2%/năm. Riêng trong năm 2018, cho vay chỉ tăng 2,9% so với năm ngoái. Từ vị trí Top 10 ngân hàng thương mại về thị phần hiện Eximbank đã rơi xuống Top 15.
HSC cho rằng sự thiếu vắng một chiến lược trung hạn thực sự đã khiến Eximbank mất định hướng và tăng trưởng cho vay không được đều trong nhiều năm.
Cho vay là hoạt động mang lại thu nhập chính cho ngân hàng và do đó tăng trưởng từ mảng này có tính chất quyết định đến lợi nhuận. Bài toán tăng trưởng đã đặt ra nhiều năm với Eximbank và hiện tại là thách thức đối với bà Lương Thị Cẩm Tú khi nắm giữ chiếc ghế đứng đầu ban quản trị của ngân hàng.
Nợ xấu tồn đọng nhiều năm
Mặc dù đã có những bước tiến trong quá trình xử lí nợ xấu nhưng cũng không thể phủ nhận số nợ xấu tại Eximbank là khá lớn. Nếu không tính Agribank (do chưa công bố BCTC) Sacombank và BIDV (do không đưa con số chính xác trong BCTC) thì Eximbank vẫn là ngân hàng có số dư nợ xấu tại VAMC lớn nhất trong số các ngân hàng đã công bố BCTC năm 2018.
Một số chỉ tiêu tài chính của Eximbank (Nguồn: BCTC ngân hàng).
Trong năm 2018, Eximbank đã có nhiều cố gắng trong việc xử lí nợ xấu, số dư nợ xấu ngân hàng giảm 16,4% còn 1.921 tỉ đồng với tỉ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 2,27% xuống 1,84%.
Đến cuối năm 2018, Eximbank còn 5.487 tỉ đồng nợ xấu ở VAMC, giảm 8,4%, trong đó đã trích lập dự phòng 2.136 tỉ đồng. Số dư trái phiếu VAMC sau khi trừ trích lập còn khoảng 3.351 tỉ đồng, bằng 3,21% tổng dư nợ, thấp hơn con số 4,43% năm 2017.
Với lịch sử khoản nợ xấu đã tồn tại khá lâu có thể nhận thấy rằng khả năng thu hồi của nó là thấp, chủ yếu dựa vào việc trích lập dự phòng để xử lí. Đây cũng là một trong những vấn đề nan giải thách thức ban lãnh đạo ngân hàng trong nhiều năm qua.
Thiệt hại từ các vụ mất tiền của khách hàng
Các vụ mất tiền của khách hàng trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngân hàng.
Cụ thể, ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên phó giám đốc Eximbank CN TP HCM, đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 264 tỉ đồng liên quan đến 13 sổ tiết kiệm, gồm 11 sổ tiết kiệm của bà Chu Thị Bình và hai khách hàng khác. Vụ việc lừa đảo này thực chất đã diễn ra nhiều năm trước, tuy nhiên sau khi hai bên chức năng tiến hành điều tra và các bên liên quan không đạt được thoả thuận chung thì mới được đưa ra công luận vào đầu năm 2018.
Theo phán xét của toà án, ngân hàng có trách nhiệm phải hoàn trả lại tiền cho khách hàng gửi tiền. Eximbank đang thực hiện các thủ tục tố cáo đối với nghi phạm chính là ông Hưng, nhưng người này đã bỏ trốn khỏi Việt Nam từ lâu khiến vụ việc càng trở nên phức tạp và dự kiến ngân hàng có rất ít hi vọng có thể thu hồi được khoản tiền này.
Việc phải bồi thường cho khách hàng là một trong những nguyên nhân khiến chi phí trích lập dự phòng của ngân hàng tăng mạnh. Năm 2018, chi phí hoạt động của Eximbank đã tăng hơn 31% lên 2.900 tỉ đồng do trích lập dự phòng hơn 390 tỉ đồng. Trong quí IV/2018, ngân hàng Eximbank lỗ 309 tỉ đồng trước thuế trong khi cùng kì năm trước lãi hơn 560 tỉ đồng.
Ngoài những tiêu điểm trên, vấn đề nhân sự cấp cao của ngân hàng cũng đang có dấu hiệu thay đổi khi ông Lê Văn Quyết - Tổng giám đốc Eximbank, đã đề xuất với HĐQT về nguyện vọng tìm kiếm Tổng giám đốc mới sau ồn ào về vụ mất hàng trăm tỉ đồng của khách hàng. Người kế nhiệm cho vị trí này được đồn đoán là Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Vinh.
Đối mặt với không ít thách thức, hãy cùng chờ đón những bước đi đầu tiên của vị nữ Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú tại Eximbank để ghi lại dấu ấn của mình trong hành trình cải tổ mới tại ngân hàng.