Những quân bài Mỹ sở hữu trong cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore ngày 12/6/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN) |
Giới chuyên gia nhận định khi Tổng thống Donald Trump mong muốn đạt tiến triển với Triều Tiên tại cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai, Mỹ có một loạt "quân bài" có thể tung ra, bao gồm nới lỏng trừng phạt, ký một tuyên bố hòa bình, hay thậm chí rút binh sĩ khỏi Hàn Quốc.
Sau cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6/2018, các nhà hoạch định chính sách ở Washington kiên quyết đòi hỏi sự nhượng bộ rõ ràng của Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân tại cuộc gặp tới giữa hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, mọi chuyện phụ thuộc nhiều vào ông Trump, người từng tuyên bố rằng việc ông chìa tay ra với đối thủ lâu năm của Mỹ là một cuộc cách mạng về ngoại giao, đồng thời kịch liệt lên án những người chỉ trích rằng cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ mang tính biểu tượng.
Giới quan sát cho rằng mục tiêu tối cao của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiện nay là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Giáo sư Andrei Lankov, giảng dạy tại Đại học Kookmin ở Seoul và từng có thời gian nghiên cứu tại Bình Nhưỡng, cho biết các biện pháp trừng phạt "chưa đủ mạnh để gây ra các vấn đề kinh tế nghiêm trọng tại Triều Tiên, song đã đủ mạnh để khiến các mục tiêu tăng trưởng khó đạt được hơn". Theo ông, để duy trì ổn định trong nước, giới lãnh đạo Triều Tiên hiểu rằng họ sẽ phải làm sao để xóa bỏ, hoặc ít nhất là thu hẹp khoảng cách giữa nền kinh tế nước mình với nền kinh tế các nước láng giềng, nhất là Hàn Quốc và Trung Quốc.
Về phần mình, người phụ trách nghiên cứu châu Á tại Đại học Georgetown, cũng từng là nhà đàm phán của Mỹ với Triều Tiên, ông Victor Cha nhận định việc tìm kiếm một hiệp định hòa bình nhằm chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên chỉ thuần túy mang tính biểu tượng, "Triều Tiên muốn bằng chứng cụ thể cho thấy ý định không thù địch của Mỹ, tức là dỡ bỏ các trừng phạt".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cam kết không dỡ bỏ trừng phạt khi chưa đạt phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Trong khi đó, việc dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên còn cần được Quốc hội Mỹ thông qua - cơ quan vốn không muốn điều đó. Tuy nhiên, ông Cha cho rằng Mỹ có thể đề xuất gián tiếp thông qua Chính phủ Hàn Quốc tại Liên hợp quốc để dỡ bỏ các trừng phạt vốn cản trở việc nối lại các dự án liên Triều như khu công nghiệp chung Kaesong. Mỹ đã chuẩn bị để nới lỏng các hạn chế đối với hoạt động viện trợ nhân đạo, và có thể đề xuất trao đổi giữa các văn phòng liên lạc với Bình Nhưỡng, một bước trước khi có các quan hệ ngoại giao.
Xét từ góc độ khác, kế hoạch gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều được thảo luận trong bối cảnh các cuộc đàm phán về mức giá mà Hàn Quốc sẽ phải trả cho việc Mỹ duy trì 28.500 binh sĩ trên Bán đảo Triều Tiên vẫn bế tắc. Tổng thống Trump từ lâu hoài nghi về chi phí của liên minh và đề nghị Hàn Quốc phải chi trả nhiều hơn.
(Nguồn: RT.com) |
Về điểm này, chuyên gia Bruce Klingner tại Quỹ Heritage cho biết: "Có lo ngại rằng ông Trump có thể vì quá mong muốn đạt thành công nên sẽ đồng ý ký một tuyên bố hòa bình, ký một thỏa thuận chỉ liên quan đến tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM-vốn có khả năng tấn công lãnh thổ Mỹ) và thậm chí giảm binh sĩ Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên, để đổi lại việc đóng băng cơ sở hạt nhân Yongbyon hoặc giải quyết thế bí hiện nay tại Seoul.
Tuy nhiên, mọi cam kết của các nhà lãnh đạo hai nước về việc rút quân có thể sẽ vấp phải sự phản đối tại Quốc hội.
Trong khi đó, giáo sư Lankov cho rằng cũng chưa chắc Triều Tiên sẽ hoan nghênh việc Mỹ rút quân. Theo ông, Bình Nhưỡng coi lực lượng của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên như một đối trọng với Trung Quốc, vốn là một đồng minh song cũng là một mối lo ngại tiềm tàng về lâu dài.
Những cuộc đối thoại bí mật giữa tình báo Mỹ và Triều Tiên |