Những cuộc đối thoại bí mật giữa tình báo Mỹ và Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: AFP. |
Mỹ không thiết lập quan hệ ngoại giao và không có đại sứ quán ở Triều Tiên, nên các hình thức liên lạc thường được tiến hành thông qua phái đoàn Triều Tiên tại Mỹ ở New York. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ cho rằng kênh liên lạc này không hữu dụng, theo WSJ.
Trong khi đó, kênh liên lạc tình báo là cách để Mỹ tiếp cận trực tiếp với những quan chức theo đường lối cứng rắn có nhiều ảnh hưởng ở Triều Tiên. Các cuộc đàm phán bí mật giữa tình báo hai nước bắt đầu vào năm 2009, khi quan hệ ngoại giao song phương bị đóng băng. Chính quyền Obama yêu cầu Joseph DeTrani, phụ tá mảng Triều Tiên của giám đốc tình báo quốc gia, tìm cách tiếp cận Bình Nhưỡng.
DeTrani thành thạo tiếng Trung, từng làm việc hơn hai thập niên tại CIA, là một trong số ít quan chức Mỹ có nhiều tương tác với Triều Tiên. Ông từng là nhà thương thuyết trong Đàm phán 6 bên, nỗ lực ngoại giao đa phương giai đoạn 2003-2009 để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân.
"Ông ấy cho rằng việc nói chuyện với Triều Tiên giúp chúng ta giữ liên lạc, không hiểu sai tình hình và có khả năng nắm bắt cơ hội", Dennis Blair, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ dưới thời Obama, nói.
Obama muốn DeTrani thuyết phục Bình Nhưỡng trả tự do cho hai nhà báo bị kết án 12 năm lao động khổ sai. DeTrani đã tổ chức các cuộc gặp với bí mật với quan chức tình báo Triều Tiên tại Singapore, trong bối cảnh quan hệ hai bên căng thẳng vì chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng.
Joseph DeTrani, cựu quan chức tình báo Mỹ. Ảnh: Yonhap. |
Cuộc họp này dẫn đến chuyến thăm Bình Nhưỡng của cựu tổng thống Clinton năm 2009 để đưa các nhà báo bị kết án tù trở lại Mỹ.
Năm 2010, DeTrani bí mật tới Bình Nhưỡng, cảnh báo Triều Tiên không nên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa. Đến tháng 4/2012, ông cùng Michael Morell, phó giám đốc CIA, lại bay tới Bình Nhưỡng trên một máy bay Mỹ xuất phát từ đảo Guam.
Chuyến thăm này diễn ra vào thời điểm rất quan trọng: Chính quyền Obama đã ký thỏa thuận Leap Day vào tháng hai, theo đó Triều Tiên đồng ý đình chỉ các vụ thử tên lửa tầm xa, thử hạt nhân và đóng cửa cơ sở hạt nhân tại Yongbyon. Đổi lại, Mỹ hứa sẽ viện trợ lương thực cho quốc gia này. Tuy nhiên, Washington sau đó tố cáo kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên vi phạm thỏa thuận.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn Triều Tiên phóng vệ tinh đều thất bại. Morell trở lại Bình Nhưỡng vào tháng 8/2012 với thông điệp rằng Triều Tiên phải đối mặt với hai lựa chọn: tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa nhưng phải chịu sự cô lập về ngoại giao và kinh tế, hoặc phi hạt nhân hóa và trở thành một phần của cộng đồng quốc tế.
Chuyến đi kết thúc trong nỗi thất vọng: Ông không được gặp Kim Jong-un như mong muốn.
Michael Morell, cựu phó giám đốc CIA. Ảnh: WSJ. |
Các cuộc gặp bí mật này dần được hé lộ trên truyền thông. Cuối năm 2012, một tờ báo Hàn Quốc viết rằng "những người Mỹ bí ẩn" đã thực hiện hai chuyến đi tới Triều Tiên. Financial Times năm nay đưa tin Morell từng bí mật đến Triều Tiên năm 2012.
Dù các cuộc gặp có ít đột phá, một số cựu quan chức nói rằng chúng hữu ích trong việc giữ liên lạc với các quan chức cứng rắn của Triều Tiên, những người có ảnh hưởng lớn và kiểm soát bộ máy an ninh giam giữ tù nhân Mỹ. Việc giữ kín kênh liên lạc này cũng cho phép chính quyền Obama vẫn có thể thúc giục các đối tác quốc tế cô lập Bình Nhưỡng về mặt ngoại giao và kinh tế.
Năm 2016, việc sử dụng kênh liên lạc bí mật giữa Washington và Bình Nhưỡng thưa thớt dần sau khi cộng đồng tình báo kết luận rằng chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đang phát triển mạnh, Washington tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế, nhắm cả vào cá nhân Kim Jong-un.
Căng thẳng sục sôi vào năm 2017. Trump đe dọa giáng xuống Triều Tiên "lửa và thịnh nộ", các cuộc tập trận lớn Mỹ - Hàn được khôi phục. Bình Nhưỡng đáp trả bằng cách phóng tên lửa đạn đạo bay qua Nhật.
Andrew Kim, quan chức CIA kỳ cựu, tháng 8 năm đó tới Singapore để gặp các quan chức Triều Tiên. Ông là người gốc Hàn và có mối quan hệ lâu dài với các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Hàn Quốc.
Đầu năm 2018, Kim Jong-un thông báo Triều Tiên đã hoàn thành việc xây dựng lực lượng hạt nhân và tên lửa, đồng thời thể hiện cách tiếp cận mới: gửi phái đoàn đến Olympic mùa đông tại Hàn Quốc. Các quan chức Hàn Quốc bắt đầu thúc đẩy ý tưởng về cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim và ý tưởng này cũng được bàn bạc trong kênh liên lạc bí mật.
Các quan chức Hàn Quốc tháng 3/2018 đến Nhà Trắng để chuyển lời gặp mặt của Kim Jong-un đến Trump. Kế hoạch ban đầu vốn là cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và các quan chức hàng đầu Mỹ sẽ trao đổi với quan chức Hàn Quốc trước về lời đề nghị này rồi phía Hàn sẽ gặp Trump vào ngày hôm sau.
Thay vào đó, Trump quyết định gặp phái đoàn Hàn Quốc ngay và ông lập tức đồng ý với đề nghị về hội nghị thượng đỉnh. "Hãy nói với họ rằng tôi sẽ gặp", Tổng thống nói.
Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn muốn xác nhận trực tiếp từ lãnh đạo Triều Tiên rằng họ muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Washington đã sử dụng kênh tình báo để xác nhận lời mời và thúc đẩy kế hoạch.
Cuối tháng 3/2018, Mike Pompeo, khi đó là giám đốc CIA, bay tới Bình Nhưỡng. 6 tuần sau, với tư cách Ngoại trưởng, ông lại cùng Andrew Kim đến Triều Tiên và đưa ba tù nhân Mỹ bị giam tại Triều Tiên trở về.
Chưa đầy một tháng sau, Trump và Kim gặp nhau ở Singapore.
Mike Pompeo (đi đầu) và Andrew Kim (trái, tóc bạc) tại Bình Nhưỡng tháng 7/2018. Ảnh: AP. |
Ngoại giao Mỹ - Triều hiện diễn ra công khai ở cấp cao nhất, nhưng kênh liên lạc tình báo vẫn được duy trì. Tại Washington tuần trước, tướng Kim Yong-chol, từng là người đứng đầu cơ quan tình báo Triều Tiên, có cuộc gặp không công khai với phó giám đốc CIA Vaughn Bishop.
"Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, việc sử dụng kênh liên lạc giữa các cơ quan tình báo có thể giúp Mỹ tiếp cận những người nắm thực quyền trong hệ thống", Daniel Russel, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nói.
"Đây là kênh liên lạc đáng tin cậy cho các vấn đề cơ bản nhất", một quan chức cấp cao của chính quyền Trump nhận xét. "Người Triều Tiên cũng cảm thấy thoải mái với kênh này".
Joel Wit, cựu quan chức ngoại giao Mỹ hiện làm việc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho rằng "việc duy trì các kênh liên lạc là điều rất quan trọng nhưng người truyền tin và thông điệp cũng vậy. Các quan chức tình báo không phải là những nhà ngoại giao được đào tạo chuyện nghiệp. Nếu họ không truyền đạt đúng thông điệp thì việc đó có thể phản tác dụng".
Xem thêm |