Những nhà đầu tư cá nhân Nhật Bản đang khuấy đảo thị trường ngoại hối toàn cầu
Anh Yasushi Takagi. Ảnh: Bloomberg.
Câu chuyện về “Quý bà Watanabe” - những bà nội trợ Tokyo, ngoài thời gian đưa con đến trường và mua sắm, còn tập tành giao dịch tiền tệ – chỉ là phần mở đầu của câu chuyện về những nhà giao dịch cá nhân Nhật Bản trên thị trường ngoại hối.
Với gần 800.000 tài khoản ngoại hối đang hoạt động, Nhật Bản tự hào là nước có lực lượng nhà giao dịch ngoại hối cá nhân hùng hậu nhất trên thế giới.
Trong chưa đầy 1 thập kỷ, quy mô của hoạt động này đã tăng gấp đôi, dẫn đến một số biến động mạnh trong thời gian gần đây, bao gồm cả vụ “Flash crash (cú sụt giảm đột ngột)” vào tháng 1, khiến USD yếu đi và đồng yên (JPY) mạnh lên.
Trái ngược với quan niệm về “Quý bà Watanabe”, đa số các nhà giao dịch là những người đàn ông trung niên, vốn tham gia vào thị trường ngoại hối trong bối cảnh lãi suất siêu thấp của các ngân hàng.
Anh Yasushi Takagi, một nhà báo đã bắt đầu giao dịch ngoại hối khi vừa bước qua tuổi 30 nhằm kiếm thêm thu nhập, chia sẻ: “Có rất nhiều nhà đầu tư không nhận ra rằng họ đang làm một điều phi thường.
Họ đầu tư rất lớn vào những loại tiền tệ có lãi suất cao, vốn không được nhiều người bên ngoài Nhật Bản để mắt đến, như đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ (TRY), Peso của Mexico (MXN) và Rand của Nam Phi (ZAR).”
Ông Takuya Kanda, tổng giám đốc của Viện Nghiên cứu Gaitame.Com - một nền tảng internet hàng đầu cho các nhà đầu tư cá nhân tại Nhật Bản, cho biết: “Mỗi ngày, mỗi nhà đầu tư thực hiện trung bình 1 giao dịch, thông qua hoạt động giao dịch ký quỹ, với một số tiền ký quỹ ban đầu chỉ 100.000 Yên (930 USD), để thu được gấp 10 lần số tiền đó.
Chiến lược của họ là thực hiện kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade), vốn thường bao gồm việc bán JPY và dùng số tiền vay được từ tài khoản ký quỹ để mua một lượng lớn các loại tiền tệ từ những nền kinh tế có lãi suất cao hơn.
Chủ yếu là đàn ông
Theo ước tính của Gaiame, khoảng 85% các nhà giao dịch là nam giới, chủ yếu ở độ tuổi 30, 40, 50.
Điều đáng chú ý, ông Kanda chỉ ra rằng hiện có một nhóm nhỏ các nhà đầu tư lớn đang giao dịch tiền tệ với quy mô như các ngân hàng tại Nhật, và dữ liệu từ Hiệp hội Tài chính Tương lai Nhật Bản cho thấy giao dịch ký quỹ chiếm gần một nửa số giao dịch giao ngay tại Tokyo.
Dù hiện tượng ngoại hối này chủ yếu vẫn chỉ diễn ra tại Nhật Bản, xu hướng này có thể sẽ lan ra các nền kinh tế phát triển khác, khi lãi suất toàn cầu đang giảm.
Những vụ đầu tư dữ dội
Theo một nghiên cứu từ ngân hàng trung ương quốc gia, các nhà giao dịch cá nhân tại Nhật Bản thường có quan điểm trái ngược và chỉ tham gia vào một thị trường đang giảm điểm, vì thế hoạt động giao dịch của họ chỉ có tác động tương đối đến các biến động tiền tệ.
Nhưng nếu họ đặt cược sai, sẽ dẫn đến một kết quả khó lường.
Vào ngày 3 tháng 1 năm 2019, một sự cố flash crash đã xảy ra với cặp tỷ giá USD/JPY và AUD/USD. Tỷ giá hai cặp tiền tệ này đã giảm hơn 4% trong vài phút. Đó là mức thấp nhất của USD so với Yên và AUD so với USD kể từ tháng 3 năm 2009.
Ví dụ, cách thức vào lệnh như vậy có thể gặp rủi ro khi thị trường ngoại hối có sự biến động ngoài mong đợi, như trường hợp diễn ra trong dịp lễ năm mới tại Nhật Bản vào ngày 3/1.
Trong khoảng thời gian chuyển tiếp, khi thị trường Mỹ đóng cửa và các trung tâm tài chính chủ chốt tại châu Á mở cửa, làn sóng các lệnh bán đồng TRY và AUD được đẩy vào thị trường (ngược với chiều của nhà đầu tư cá nhân Nhật như đã nêu ở trên là mua vào những đồng tiền như TRY).
Sự biến động này có thể đã khiến các nhà đầu tư cá nhân tại Nhật rơi vào tình trạng thua lỗ, dẫn đến hoạt động cắt lỗ tự động hàng loạt (nghĩa là hệ thống sẽ tự động bán ra đồng TRY để chốt lỗ) và góp phần tạo ra những cơn sóng thần chỉ trong vài phút.
Tại sao lại là ‘Quý bà Watanabe’?
Watanabe là một trong những họ phổ biến nhất Nhật Bản, tương tự như Smith hay Jones tại những nước nói tiếng Anh, và tại Nhật Bản, những bà vợ thường là người quản lý tài chính trong nhà.
Những câu chuyện về “Quý bà Watanabe” trong thị trường ngoại hối đã bắt đầu xuất hiện từ thập niên 1990, khi bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ tung, những người gửi tiết kiệm buộc phải tìm kênh đầu tư bên ngoài cổ phiếu, bất động sản và tiền gửi ngân hàng, để tìm kiếm lợi nhuận.
Bà Tomoyo Morie.
Bà Tomoyo Morie, 50 tuổi, bắt đầu giao dịch tại Tokyo từ năm 2011: “Tôi là một bà nội trợ. Thế tôi có phải là một ‘Quý bà Watanabe’ không? Tôi không thích cái danh hiệu đó lắm. Nếu bạn nhìn vào thị trường giao dịch ký quỹ, bạn sẽ thấy chủ yếu là đàn ông”.
Bà Morie và ông Takagi, như nhiều nhà đầu tư Nhật Bản khác trên thị trường ngoại hối, đã học cách giao dịch từ các buổi hội thảo do các nền tảng dành cho nhà đầu tư cá nhân tổ chức, tự học từ thử nghiệm và thất bại.
Hằng ngày, họ tìm hiểu các biểu đồ về xu hướng giá, tích lũy các bí quyết từ các trang blog ngoại hối và mạng xã hội, và giao dịch thông qua laptop và điện thoại di động.
Lớp trẻ đang tiến lên
Trong khi nam giới trung niên vẫn chiếm đại đa số, những nhà đầu tư trẻ tuổi cũng bắt đầu tạo được dấu ấn.
Anh Eridanus Yano, một học sinh 19 tuổi đến từ Tokyo đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học, giao dịch bằng một phương pháp duy nhất gọi là “scalping”.
Đây là một phương pháp giao dịch ngày càng trở nên phổ biến. Theo đó, người áp dụng phương pháp này muốn đạt được lợi nhuận nhỏ bằng cách lập lại việc mua và bán tiền tệ chỉ trong vài giây đến vài phút.