Những nguyên nhân khiến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng có thể yếu đi trong quý IV/2022?
Trong báo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết do kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2021 bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và kết quả năm 2022 chưa phản ánh nhiều tác động của mặt bằng lãi suất tăng cũng như thị trường bất động sản trì trệ, nên tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 so với cùng kỳ ở mức tương đối cao.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 39% so với cùng kỳ. Theo ước tính của SSI, tăng trưởng có thể sẽ yếu đi trong quý IV/2022 do sự biến động về chi phí vốn, căng thẳng thanh khoản tại một số thời điểm và có độ trễ trong việc định giá lại các khoản vay theo lãi suất huy động.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đưa ra các gói hỗ trợ với lãi suất cho vay giảm 1-2% trong tháng 11 và tháng 12. Do đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận cả năm sẽ đạt khoảng 35% so với cùng kỳ (giảm tốc nhẹ so với tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm).
Tăng trưởng lợi nhuận có thể sẽ ở mức 10% cho năm 2023
Các chuyên gia dự báo tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng 0,26 điểm % lên 1,71% tại các ngân hàng SSI phân tích, với tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng lên 1,3% (từ khoảng 1% trong giai đoạn 2020-2022) dưới tác động của lãi suất cho vay cao hơn.
Tuy nhiên, chi phí tín dụng vẫn đang có xu hướng thấp hơn khi giảm xuống 1,3% (từ 1,5% trong năm 2022) do bộ đệm dự phòng tín dụng vững chắc.
Trong kịch bản cơ sở, khi Nghị định 65 sửa đổi được ban hành, nợ xấu liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ không xuất hiện ngay trong năm 2023, nhưng vẫn là một rủi ro lớn cần theo dõi trong cả năm.
Với những giả định như vậy, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI dự kiến đạt 249.000 tỷ đồng (hay 10 tỷ USD), tăng 13,7% so với cùng kỳ trong năm 2023. Con số này bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2021 (28% so với cùng kỳ) và cao hơn mức tăng trưởng giai đoạn 2014-2015 (11,3% so với cùng kỳ).
Tăng trưởng lợi nhuận tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước (18,4% so với cùng kỳ) có thể sẽ cao hơn mức tăng trưởng của các NHTM tư nhân (10,8% so với cùng kỳ) do triển vọng NIM tốt hơn, cũng như tỷ trọng dư nợ cho vay đối với thị trường TPDN và bất động sản của các NHTM Nhà nước ở mức thấp.
Các NHTM nhà nước cũng có thể ghi nhận mức tăng trưởng phí mạnh hơn năm 2022 do đây là năm đầu tiên thực hiện các chương trình miễn phí giao dịch. Tuy nhiên, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối khó có thể tăng mạnh như 2022.
"Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng bancassurance giảm tốc là những gì chúng tôi quan sát thấy tại các ngân hàng thương mại tư nhân trong năm 2022, ngoại trừ ACB và Sacombank," báo cáo viết.