|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những mạng xã hội 'Made in Việt Nam' đàn anh của Lotus đang hoạt động ra sao?

07:14 | 17/09/2019
Chia sẻ
Bên cạnh sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của Zalo và Mocha là những minh chứng sống động cho khả năng giành giật thị trường của các mạng xã hội Made in Việt Nam trước những đối thủ lớn như Google hay Facebook, các mạng xã hội khác hầu hết đều rơi vào cảnh vườn không nhà trống sau một thời gian ra mắt.

Tại Việt Nam, báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, bên cạnh sự phổ biến của Facebook và YouTube, đến thời điểm hiện tại đã có 455 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép, trong đó cấp mới 6 tháng đầu năm 2019 là 48 giấy phép.

Bên cạnh sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của Zalo và Mocha là những minh chứng sống động cho khả năng giành giật thị trường của các mạng xã hội "Made in Việt Nam" trước những đối thủ lớn như Google hay Facebook, các mạng xã hội khác hầu hết đều rơi vào cảnh "vườn không nhà trống" sau một thời gian ra mắt.

Zalo

Những mạng xã hội 'Made in Việt Nam' đàn anh của Lotus đang hoạt động ra sao? - Ảnh 1.

Zalo hiện đã thu hút được hơn 100 triệu tài khoản người dùng tại Việt Nam và khoảng 40 triệu người sử dụng hàng tháng

Zalo không chính thức đăng ký hoạt động mạng xã hội nhưng từ “mạng xã hội Zalo” luôn được Zalo nhắc tới trong các thông cáo báo chí của Zalo Group gửi đến giới truyền thông.

Khác với anh em Zing.me cùng nhà VNG, Zalo được phát triển từ một ứng dụng chat đa phương tiện (OTT) và dần mở rộng tính năng chia sẻ thông tin trên tường theo dòng thời gian (timeline) tương tự các mạng xã hội chính thức khác. Zalo hiện đã thu hút được hơn 100 triệu tài khoản người dùng tại Việt Nam và khoảng 40 triệu người sử dụng hàng tháng.

Điểm mạnh của Zalo là sự riêng tư, theo mặc định nội dung phần bình luận của người khác chỉ hiển thị cho người xem nếu họ đã kết bạn với nhau.

Mạng xã hội này có hệ thống cơ sở hạ tầng mạnh và đặt ở trong nước nên việc truy cập rất nhanh, cùng với giao diện mặc định bằng tiếng Việt thân thiện người dùng nên đã thu hút được nhiều người sử dụng.

Zalo hiện cũng cung cấp đầy đủ các tính năng phổ biến của một mạng xã hội, bao gồm: Nhắn tin, gọi điện (thoại và video), chia sẻ đa phương tiện trên dòng thời gian, chat nhóm, thanh toán qua Zalo Pay… Hiện mạng xã hội này còn mở rộng vào các hoạt động hành chính công ở một số tỉnh thành trong cả nước. Những số liệu thống kê đã chỉ ra rằng, thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình của người Việt Nam trên Zalo đạt xấp xỉ 2,12 giờ.

Bên cạnh Zalo, cũng cần phải nhắc tới một cái tên khác là Mocha của Viettel. Sau hơn 3 năm kể từ ngày ra mắt, ứng dụng mạng xã hội này hiện đã có khoảng 4,5 triệu người sử dụng.

Gapo

Những mạng xã hội 'Made in Việt Nam' đàn anh của Lotus đang hoạt động ra sao? - Ảnh 2.

Ông Hà Trung Kiên - Tổng giám đốc, Đồng sáng lập mạng xã hội Gapo

Gapo nổi lên khi ra mắt vào tháng 7/2019 và là một mạng xã hội được mạnh tay đầu tư với tham vọng thu hút 50 triệu người dùng sau ba năm thành lập. Gapo tuyên bố chính thức nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Capital.

Ông Phùng Anh Tuấn, doanh nhân 35 tuổi, Chủ tịch G-Group, được cho là nhân vật quyền lực đứng sau mạng xã hội non trẻ vừa mới ra đời này.

Nếu Gapo có thể đạt tới con số 50 triệu người dùng thì đây sẽ là con số khách hàng tiềm năng cho hệ sinh thái các công ty trong hệ thống G-group.

Mới đây, tại sự kiện được tổ chức ngày 15/9, đại diện Gapo công bố mạng xã hội dành cho giới trẻ đã cán mốc 2 triệu người dùng sau chưa đầy hai tháng ra mắt. Trong đó có trên 1 triệu người dùng thuộc nhóm tuổi học sinh trung học và sinh viên. Mạng xã hội được phát triển bởi Công ty CP Công nghệ Gapo (Gapo Technology JSC.,) cũng nhiều lần liên tiếp đứng hàng đầu về lượt tải trên App store và CH play.

Trước đó, tại buổi họp báo ra mắt Gapo, đại diện Gapo cho hay mạng xã hội này sẽ tập trung vào cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và hướng đến mục tiêu 3 triệu người dùng vào đầu năm 2020 và 50 triệu người dùng vào năm 2021.

Hahalolo

Những mạng xã hội 'Made in Việt Nam' đàn anh của Lotus đang hoạt động ra sao? - Ảnh 3.

CEO Nguyễn Văn Hạ tại buổi họp báo ra mắt mạng xã hội Hahalolo ngày 10/6

Hahalolo, một mạng xã hội "Made in Vietnam" chuyên về du lịch ra mắt ngày 10/6/2019 cũng tuyên bố con số đầy tham vọng - 2 tỷ người dùng vào năm 2024 và niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ vào năm 2024-2025.

Tuy nhiên, mạng xã hội này cũng nhận nhiều "gạch đá" ngay sau sự kiện ra mắt vì bị cho là sử dụng những tuyên bố nhằm PR, đánh bóng tên tuổi.

Hahalolo bao gồm các chức năng cơ bản giống của Facebook như: cho phép người dùng kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến, tương tác thông qua tính năng đăng bài, bình luận, chia sẻ, bộc lộ cảm xúc… Theo giới thiệu của Hahalolo, người dùng có thể mua các tour du lịch, đặt phòng khách sạn,… thông qua mạng xã hội này.

Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, các tính năng của mạng xã hội này vẫn còn khá sơ sài.

Mới ra đời, Hahalolo đã đăng tuyển số lượng nhân sự "khủng", 1.000 nhân sự cho năm 2019. Chưa rõ, cơ cấu tổ chức của Hahalolo ra sao nhưng với một mạng xã hội mới ra đời, Hahalolo sẽ lấy nguồn tài chính ở đâu để trả lương cho số lượng nhân sự lớn như vậy?

Bản thân Hahalolo là một mạng xã hội về du lịch, nhưng các trang Fanpage hầu hết không tập trung quảng bá về dịch vụ cốt lõi, hiệu quả, tính năng hoạt động... mà Hahalolo phần lớn quảng bá việc mở các chi nhánh, liên tục tổ chức nhiều buổi hội thảo. Đặc biệt, người tham gia phải đăng ký tài khoản, mua cổ phần, phát hành thẻ VIP...

Theo giới thiệu của một nhân viên bán cổ phần Hahalolo, sở hữu cổ phiếu Hahalolo, người mua sẽ được cam kết trả cổ tức 6%/cổ phần/năm và tăng dần lên 15%. Công ty cam kết mua lại số cổ phần sau 3 năm là 200% giá trị đầu tư, tức người mua cổ phần được cam kết tăng trưởng giá trị hơn 60% mỗi năm?!

Biztime

Những mạng xã hội 'Made in Việt Nam' đàn anh của Lotus đang hoạt động ra sao? - Ảnh 4.

Mạng xã hội Biztime với giao diện sao chép y hệt Facebook

Biztime là một mạng xã hội liên kết với ví điện tử dựa trên công nghệ blockchain và Big Data. Mạng xã hội này lập ra với kỳ vọng thay thế Facebook trong tương lai và hiện hỗ trợ các nền tảng website, Android và iOS.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại khi truy cập vào mạng xã hội này có thể thấy tham vọng của họ gần như xa vời.

Giao diện sao chép y hệt Facebook, thiếu sự tham gia của người dùng và không có sự mới mẻ nào so với Facebook và các mạng xã hội khác khiến Biztime trở nên vắng vẻ và lạc lõng.

Lotus

Những mạng xã hội 'Made in Việt Nam' đàn anh của Lotus đang hoạt động ra sao? - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty VCCorp giới thiệu về mạng xã hội Lotus

Mạng xã hội Lotus của VCCorp lập ra được tuyên bố thu hút tới 1.200 tỷ đồng gọi vốn và dự kiến sẽ bắt đầu cho phép tải bản beta từ giữa tháng 9. Mạng xã hội này dự kiến sẽ tập trung khai thác nội dung, tặng token người dùng… nhằm tạo ra khác biệt với Facebook và các mạng xã hội khác.

Theo VCCorp, mạng xã hội Lotus chia làm 3 giai đoạn về số lượng người dùng. Giai đoạn đầu sẽ cán mốc 4 triệu người dùng, mốc thứ 2 là 20 triệu người dùng và mốc thứ 3 là 60 triệu người dùng.

VCCorp cho biết sẽ chính thức ra mắt Lotus vào ngày 16/9. Trước đó, ngày 9/9, Lotus sẽ cho phép tải ứng dụng và đăng ký tài khoản trước cũng như  mở dùng thử đối với một số lượng nhỏ thành viên (close beta).

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên VCCorp tung ra mạng xã hội. Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Mạng xã hội Viva được thành lập từ cuối tháng 1/2019 có trụ sở tại số 1 Nguyễn Huy Tưởng (tòa nhà Hapulico), phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Đại diện pháp luật, kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc CTCP VCCorp.

Vốn điều lệ tại thời điểm thành lập công ty Mạng xã hội Viva là 69 tỷ đồng, trong đó CTCP VcCorp góp gần như toàn bộ 99,986%; CTCP Vccers Foundation và cá nhân ông Nguyễn Thế Tân mỗi bên góp 0,007%. Cuối tháng 4, CTCP Mạng xã hội Viva tiến hành tăng vốn lên 161 tỷ đồng.

Thông tin trên báo cáo tài chính quí II của một Tập đoàn lớn cho biết đã đầu tư 230 tỷ đồng vào CTCP Mạng xã hội Viva.

ViVaVietnam được xây dựng trên nền tảng đội ngũ nhân sự nhiều năm kinh nghiệm. Công ty cho rằng, công nghệ điện toán đám mây và Big Data, AI, Machine Learning là yếu tố quyết định để VivaVietnam phục vụ hơn 50 triệu khách hàng internet và mobile và cạnh tranh trong lĩnh vực của mình.

 Trên CH Play, ứng dụng VivaVietnam được phát hành vào đầu tháng 7/2019, khi đăng ký sử dụng mạng xã hội này, người dùng sẽ phải đợi 24h để xác nhận thông qua tài khoản Facebook.

"Made in Vietnam" được xem là chiến lược mới để giúp Việt Nam hoá rồng. Với những người làm công nghệ tại Việt Nam, đây không chỉ là mục tiêu kinh doanh, mà còn là cách những người Việt vượt qua định kiến nghiệt ngã "hàng ngoại mới xịn" đã ăn sâu vào tiềm thức người tiêu dùng trong nhiều thập kỷ qua.

Mạng xã hội của người Việt, là để giúp nội dung do người Việt sáng tạo được trở về đúng giá trị đích thực của nó.

Và hy vọng, "sản phẩm mới từ VCCorp sẽ tạo ra một sân chơi mới về content, ở nơi đó content sẽ có giá trị hơn, không phải vì nó được sản xuất theo ý muốn của một nhóm bạn đọc, có thể câu view, mà vì nó là những thông tin, nội dung có ích cho xã hội", như doanh nhân Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Bros nhận định.

Hà My

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.