|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những lần doanh nghiệp ngoại nhọc nhằn đòi lại nhãn hiệu ở Trung Quốc

20:06 | 20/11/2021
Chia sẻ
Trong cuộc chiến nhãn hiệu dữ dội ở nền kinh tế thứ hai thế giới, lợi thế thường nghiêng về các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc. Doanh nghiệp nước ngoài thường phải rất chật vật mới lấy lại thương hiệu của mình, có hãng đành chịu mất.
Những lần doanh nghiệp ngoại nhọc nhằn đòi lại nhãn hiệu ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Công ty Trung Quốc được dùng tên IPHONE cho ví da. (Ảnh: New York Times).

Tại Trung Quốc, iPhone có thể được mua với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá niêm yết của Apple. Tuy nhiên, iPhone này có thể không phải là điện thoại. Năm 2016, một công ty Trung Quốc đã giành được quyền bán đồ da với nhãn hiệu iPhone sau nhiều năm giằng co với Apple.

Đây là một trong những vụ việc nổi tiếng xoay quanh những cái tên nổi danh trên thế giới nhưng phải chiến đấu để giành quyền kiểm soát ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Khi doanh nghiệp quốc tế muốn ra mắt sản phẩm ở thị trường Trung Quốc, họ thường không có lựa chọn nào khác ngoài việc chồng cọc tiền lớn để mua lại nhãn hiệu, đổi tên hay đấu tranh pháp lý dai dẳng.

Những lần doanh nghiệp ngoại nhọc nhằn đòi lại nhãn hiệu ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Zhuanli bao gồm bằng sáng chế, mẫu hữu ích và quyền thiết kế.

Ai nhanh chân kẻ đó thắng

Nhiều doanh nghiệp ngoại rơi vào thế bí vì trước đây luật nhãn hiệu của Trung Quốc tuân theo nguyên tắc "nộp đơn đầu tiên". Điều này có nghĩa là bất cứ ai đăng ký nhãn hiệu được chấp thuận đầu tiên ở Trung Quốc sẽ sở hữu các quyền với nhãn hiệu đó. 

Ngược lại, Mỹ và các nước thuộc Khối thịnh vượng chung áp dụng hệ thống "sử dụng đầu tiên", có nghĩa là bên đăng ký phải chứng minh họ đã dùng hay dự định dùng nhãn hiệu cho việc kinh doanh trong tương lai.

Do lệ phí khá rẻ, có những cá nhân hay tổ chức Trung Quốc đã đăng ký hàng trăm nhãn hiệu nhằm bán lại với giá cao trong tương lai. 

Ông Kenny Wong, luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ tại Hong Kong nói với Reuters: "Chúng tôi biết khá nhiều cá nhân hay doanh nghiệp đăng ký trên 100 nhãn hiệu. Tôi thậm chí còn biết một người đăng ký hơn 400 nhãn hiệu".

Đến năm 2019 Trung Quốc mới tăng cường luật sở hữu trí tuệ, cấm việc đăng ký các nhãn hiệu mà không có ý định sử dụng. Tuy nhiên định nghĩa không rõ ràng về "không có ý định sử dụng" khiến cho việc triển khai thực tế các sửa đổi này trở nên không chắc chắn.

Dưới đây là một số vụ tranh chấp nhãn hiệu nổi bật giữa doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc. 

Facebook

Trong khi Apple thua vụ kiện nhãn hiệu iPhone và phải bỏ ra 60 triệu USD để lấy lại quyền sử dụng tên iPad ở Trung Quốc, một đại gia công nghệ Mỹ khác cũng có khó khăn riêng. Khi Facebook cân nhắc thâm nhập thị trường Trung Quốc vào năm 2012, công ty phải đương đầu với hơn 60 biến thể tiếng Anh và tiếng Trung của cái tên này đã được đăng ký từ trước.

Đến năm 2016, công ty của Mark Zuckerberg thắng được vụ kiện chống lại một công ty sản xuất khoai tây chiên đã đăng ký thương hiệu "face book" vào năm 2014.

Tuy nhiên, chiến thắng này có vẻ không có nhiều ý nghĩa vì đến nay Facebook vẫn bị cấm ở Trung Quốc.

Tesla

Tháng 7/2014, doanh nhân Trung Quốc Zhan Baosheng kiện nhà sản xuất xe điện Tesla vì đã sử dụng trái phép cái tên này. Ông Zhan, người đã đăng ký nhãn hiệu "Tesla" trước khi công ty của Elon Musk lấn sân sang Trung Quốc, đòi được trả 24 triệu nhân dân tệ (3,8 triệu USD).

Đến tháng 8, Tesla thông báo đã giải quyết "thân thiện và dứt điểm" tranh chấp nhãn hiệu ở Trung Quốc. 

Người phát ngôn cho biết ông Zhan đồng ý để chính quyền Trung Quốc hủy bỏ các nhãn hiệu ông đã đăng ký mà "Tesla không phải chịu chi phí nào". Tuy nhiên việc chuyển giao tên miền tesla.cn và teslamotors.cn là một thỏa thuận khác, và Tesla từ chối tiết lộ chi tiết tài chính.

Trump

Năm 2006, doanh nhân Donald Trump nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Trump cho một loạt danh mục ở Trung Quốc, bao gồm cung cấp dịch vụ đại lý trong các bất động sản thương mại và nhà ở.

Năm 2009, khoản mục này trong yêu cầu của ông Trump bị từ chối: Hai tuần trước khi ông Trump đăng ký, một người đàn ông tên Dong Wei đã nộp đơn cho cái tên này.

Ông Trump đã nhiều lần khiếu nại lên các cơ quan và tòa án khác nhau của Trung Quốc, nhưng đều bị xử thua. Đến tận cuối năm 2016, ông mới giành được thắng lợi pháp lý với nhãn hiệu "Trump" sau khi ông đã đắc cử tổng thống Mỹ, tờ Wall Street Journal cho biết.

Trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mà ông Trump khởi xướng, sở hữu trí tuệ là một trong những mặt trận chủ chốt.

Muji

Nhà bán lẻ Nhật Bản phải chịu nhiều cay đắng trong cuộc tranh chấp nhãn hiệu ở Trung Quốc. Không những phải nộp phạt 626.000 nhân dân tệ (89.000 USD) sau khi bị bác đơn kháng cáo về vi phạm nhãn hiệu của một công ty Trung Quốc, Muji còn bị yêu cầu đăng lời xin lỗi công khai vào năm 2019.

Cụ thể, khi tiến vào Trung Quốc năm 2005, Muji đã đăng ký nhãn hiệu được thể hiện bởi 4 ký tự Trung Quốc đọc là "Wuyinliangpin", hay "không có thương hiệu, hàng chất lượng"  cho hầu hết hàng hóa của mình. Nhưng một công ty Trung Quốc khác đã đăng ký nhãn hiệu Wuyinliangpin vào năm 2001, và 4 năm sau khởi kiện Muji.

Chính trị gia và người nổi tiếng

Năm 2004, một doanh nhân Trung Quốc cố gắng đăng ký nhãn hiệu tên của Tổng thống George W. Bush (bu shi, theo tiếng Trung Quốc) cho một dòng tã giấy. May cho ông Bush là đơn đăng ký này đã bị bác với lý do "việc tên của một nguyên thủ quốc gia được đăng ký làm nhãn hiệu có thể tạo ra tác động xấu cho xã hội".

Nhiều người nổi tiếng cũng là nạn nhân luật nhãn hiệu của Trung Quốc. Một người đàn ông ở Quảng Châu sở hữu quyền sử dụng tên của ca sĩ nhạc pop Canada Justin Bieber. Trong khi đó tên của các ngôi sao bóng đá như Philipp Lahm của Đức và Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha được sử dụng để quảng cáo cho các sản phẩm từ giày dép đến thuốc trừ sâu, theo tờ China Daily.

Và không chỉ có người nổi tiếng nước ngoài bị ảnh hưởng. Năm 2006, ngôi sao bóng rổ Trung Quốc Yao Ming đã phải vất vả ngăn chặn việc người khác dùng tên của anh trên một dòng sản phẩm vệ sinh phụ nữ.

Giang

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.