Những kịch bản Google, Facebook rút khỏi Việt Nam
Bán hàng trên một triệu đồng qua Facebook có thể bị đánh thuế
Dự thảo Luật An ninh mạng có thể dẫn đến nguy cơ các nhà cung cấp ứng dụng Facebook, Google, Viber, Skype... rời bỏ Việt Nam. Nguy cơ này trở thành vấn đề nóng của dư luận, cũng đồng thời cho thấy tầm ảnh hưởng của những dịch vụ mà Google, Facebook... đối với đời sống xã hội, kinh tế trong nước.
Chẳng hạn, theo Monica Peart, Giám đốc Dự báo cao cấp của eMarketer, với dân số trẻ gần 60% dưới 35 tuổi, Việt Nam đang là một trong những nước tiên phong trên thế giới về sự thâm nhập của các mạng xã hội như Facebook. Trong khi đó, ComScore cho biết, người Việt Nam dành nhiều thời gian vào mạng xã hội hơn so với người sử dụng ở hầu hết các nước Đông Nam Á và rất thích sử dụng nó làm nền tảng để bắt đầu kinh doanh.
Xuất hiện ở Việt Nam chưa đến 10 năm nhưng Facebook và Google đã phát triển rất nhanh chóng và tác động mạnh mẽ đến các dòng chủ lưu trong xã hội kết nối internet ngày nay là Tin tức - Quảng cáo - Kinh doanh - Kết nối. Trong trào lưu này, Chính phủ Việt Nam, giống như những nước khác ở Đông Nam Á, vẫn còn dè dặt trước những mặt trái của Facebook.
Tạm thời bỏ qua các chính sách và cuộc chiến pháp lý của Facebook và Google ở Việt Nam sắp tới, giả lập rằng nếu điều đó xảy ra, liệu khoảng trống do Google và Facebook để lại có phải là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam hay là sự từ chối sự tiến bộ của công nghệ thế giới?
Chưa có thay thế xứng tầm
Phần lớn người sử dụng internet ở Việt Nam đều tham gia mạng xã hội, chủ yếu là Facebook và Instagram. Và mức độ phổ cập của mạng xã hội đang lan rộng rất nhanh. Theo thống kê của Google Consumer Barometer vào đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng của số người Việt Nam sử dụng mạng xã hội gấp gần 5 lần tăng trưởng của số người sử dụng internet (6% so với 31%), tương đương với thêm 11 triệu người sử dụng mạng xã hội trong năm 2016. Nói cách khác, có thêm gần 12% dân số tham gia vào mạng xã hội chỉ trong năm 2016.
Google là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất tại Việt Nam và được sử dụng bởi 93,3% người sử dụng internet tại Việt Nam với 3,9 tỉ lượt truy cập mỗi tháng. Số lượng người sử dụng YouTube, một công ty con của Google, cũng dẫn đầu Việt Nam. Thậm chí, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về kênh sử dụng YouTube. Nói cách khác, để đưa dòng thời sự đến với người đọc, thông qua mạng xã hội và công cụ tìm kiếm có ưu thế hơn. Nhưng điều này không đồng nghĩa rằng Facebook và Google rút đi thì các trang báo mạng sẽ nổi lên.
Kể từ năm 2012, Facebook đã từ từ thay đổi cách truyền thông tin đến người đọc. Theo đó, ở các trang mạng xã hội, họ được đọc nhiều thông tin hơn và nhanh chóng nắm bắt được những luồng tin nào đang được là xu thế. Nhưng quan trọng nhất, thông tin từ các mạng xã hội còn đến từ những người sử dụng, những người trực tiếp tạo ra các góc nhìn mới, đa chiều mà không thông qua hay bị kiểm duyệt bởi bất cứ tòa soạn nào. Đây là điều các trang báo mạng không thể có.
Bên cạnh đó, Facebook đang là kênh kinh doanh của rất nhiều người trẻ ở Việt Nam. Trả lời trên Bloomberg, ông Joe Nguyễn, Phó Chủ tịch cao cấp của ComScore, cho rằng người Việt Nam rất thích sử dụng mạng xã hội để kinh doanh và số lượng này lớn nhất nhì Đông Nam Á.
Đây là lý do mà Facebook đang hướng tập trung lớn vào thị trường Việt Nam. Một trong các động thái tiêu biểu là bà Sheryl Sandberg, người giữ quyền lực thứ hai tại Facebook, đến Việt Nam dự Hội nghị APEC CEO Summit. Bà chính là người dẫn dắt Facebook trong chiến lược tập trung vào các khách hàng vừa và nhỏ tại thị trường Mỹ, châu Âu và sắp đến là tại châu Á.
Bên lề Hội nghị APEC CEO Summit tổ chức tại Đà Nẵng, bà Sheryl Sandberg cho biết: “Tại châu Á - Thái Bình Dương, 74% doanh nghiệp nhỏ cho biết việc sử dụng Facebook giúp họ tăng doanh số bán hàng và gần 70% doanh nghiệp nhỏ sử dụng Facebook để tìm kiếm nhiều nhân viên mới cho công ty. Tôi đã gặp gỡ các doanh nghiệp ở Việt Nam và những con số trên trở nên chân thực hơn”.
Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp nào hiện nay đủ khả năng thay thế Facebook? Quả thật, nếu Facebook rút đi, thị trường Việt Nam sẽ cực kỳ sôi động khi các nhà cung cấp trong và ngoài nước tranh nhau ngôi vương. Ở phân khúc mạng xã hội sẽ là cuộc chiến của Zalo (VNG) và Twitter (Mỹ), Sina Weibo, Renren (Trung Quốc).
Nhiều khả năng Twitter sẽ bị loại ngay từ đầu vì doanh nghiệp này đã từng vào Việt Nam và không thành công. Bên cạnh đó, Twitter đang suy giảm trên toàn cầu kể từ khi vướng vào bê bối gian lận người sử dụng vào năm 2014. Báo cáo mới nhất của Statista cho thấy Twitter đang bị các đối thủ bỏ rất xa, trong khi người sử dụng mới của Công ty chỉ tăng 23-25 triệu người trong 2 năm vừa qua, thì các đối thủ như Facebook, WhatsApp, WeChat... tăng trưởng gấp 10 lần.
Sina Weibo hay Renren có thừa kinh nghiệm phát triển người sử dụng ở Trung Quốc, nơi Facebook không được hoan nghênh. Một trong những chính sách giúp họ vượt qua Facebook là không yêu cầu người sử dụng cung cấp chính xác thông tin.
Mặt khác, nhóm mạng xã hội cũng sẽ chịu cạnh tranh từ các doanh nghiệp như WeChat (Trung Quốc), Line, KaKao Talk (Hàn Quốc)... Đây là các doanh nghiệp được xây dựng trên nền tảng nhắn tin miễn phí, sau đó mở rộng thành mảng xã hội và kết nối rất nhiều nền tảng tiện ích khác như gọi xe, chuyển tiền, thương mại điện tử... một cách phát triển đường vòng nhằm tránh đụng độ trực tiếp với Facebook.
Tất cả những cái tên nói trên đều đã vào Việt Nam từ năm 2012 nhưng do không đúng thời điểm, nhóm này đã rời đi không kèn không trống và nay sẽ là cơ hội tốt nhất để trở lại Việt Nam. Trong khi đó, ở mảng công cụ tìm kiếm, gần như không có công ty thuần Việt Nam nào tham gia. Đại diện duy nhất của Việt Nam là Cốc Cốc nhưng đơn vị này đã thuộc về một công ty đăng ký ở Singapore. Các đại diện còn lại là Naver (Hàn Quốc), Yandex (Nga), Alibaba.com, Baidu.com (Trung Quốc).
Mặt dù cả Naver, Yandex, Alibaba.com, Baidu.com sẽ chịu nhiều hạn chế hơn Google trong việc gia nhập Việt Nam vì công nghệ tìm kiếm tiếng Hàn, tiếng Trung hay tiếng Nga khác rất nhiều so với tiếng Việt nhưng không vì thế mà nhóm này bỏ qua thị trường có đến hơn 50% dân số sử dụng internet. Đặc biệt, các công ty Hàn Quốc, nhất là Trung Quốc cũng có thừa kinh nghiệm phát triển các tính năng phục vụ người sử dụng giúp họ quên đi Google.
Cạnh tranh quảng cáo trực tuyến nổi lên
Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định nếu Facebook, Google rút khỏi Việt Nam thì không có lợi cho sự phát triển, nhất là đối với những lĩnh vực liên quan mật thiết đến internet, viễn thông như thương mại điện tử. “Đặc biệt, nếu việc này xảy ra sẽ tác động không tốt tới cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà Việt Nam đang muốn dùng để bắt kịp các nước phát triển”, Tiến sĩ Thành nhận định.
Nhưng trước hết, cần phải nhìn nhận hai “mỏ vàng” mà cả Facebook và Google đang kinh doanh tại Việt Nam để thấy rõ lợi và hại từ khoảng trống của hai người khổng lồ này ở góc độ kinh doanh. Theo eMarketer, tổng doanh thu truyền thông ở Việt Nam vào cuối năm 2017 là 1,17 tỉ USD, quảng cáo trực tuyến chiếm 294 triệu USD.
Với 64 triệu người sử dụng Việt Nam, doanh thu bình quân 2,27 USD/người (báo cáo tài chính Facebook quý III/2017), tương đương doanh thu khoảng 145 triệu USD, Facebook đang chiếm một nửa doanh thu quảng cáo của Việt Nam. Thống kê thị phần này tương tự của Công ty ANTS, chuyên cung cấp nền tảng quảng cáo thông minh của Việt Nam, cũng thấy Google đang chiếm khoảng 28% còn lại dù đến trước Facebook.
Điều này cũng dễ hiểu do xu hướng tăng trưởng mạnh trong số người dùng của các mảng xã hội như Facebook và Instagram đã chia đi thị phần của Google. Theo khảo sát của Global Web Index, người sử dụng internet Việt Nam dành 51% hoạt động cho Facebook. Công ty con của Google là YouTube cũng giành được 51%. Tuy nhiên, hai mảnh ghép khác của Facebook là Facebook Messenger và Instagram lần lượt giành được 37% và 22%, trong khi mạng xã hội Google+ chỉ chiếm 32%.
Như vậy, nếu Facebook và Google rút đi, có đến hơn 70% thị phần quảng cáo Việt Nam bị trống. Mặt khác, theo ông Đinh Lê Đạt, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành ANTS, một mảng quảng cáo khác đang nổi lên gần đây là video, YouTube của Google đang chiếm đến 80% thị phần nên nếu Google rút đi, đây cũng là một mảng tiềm năng cho các đối thủ khác trong tương lai. Theo báo cáo của eMarketer, doanh thu từ quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam sẽ chiếm 40% tổng ngân sách truyền thông vào năm 2020.
Cũng giống như mảng tin tức, thị phần quảng cáo trực tuyến sẽ cực kỳ sôi động trước sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều đối thủ trong và ngoài nước. Theo báo cáo của ANTS, có 4 công ty nội địa chiếm lĩnh thị trường này trước khi Facebook và Google độc chiếm thị trường bao gồm FPT Online, VCCorp, 24H và Zing. Thị phần các công ty này sụt giảm rất nhanh từ năm 2010. Google đã đánh bại FPT Online vào năm 2012 để giành lấy 26% thị phần và bị Facebook đánh bại vào năm 2014 với 37% thị phần cho mạng xã hội này. Quảng cáo trực tuyến của các công ty Việt Nam chủ yếu thông qua các tờ báo online và các trang chia sẻ âm nhạc.
Nếu không có cả Google và Facebook, đây sẽ là thời điểm tốt nhất để nhóm này trở lại thời kỳ hoàng kim. Ai có trong tay hệ sinh thái tốt nhất từ tin tức, hình ảnh, giải trí, mạng xã hội sẽ là người có lợi thế hơn cả. Tuy nhiên, bức tranh không chỉ màu hồng cho doanh nghiệp Việt, nhóm doanh nghiệp nước ngoài sở hữu các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm cũng sẽ không bỏ qua thị trường béo bở này. Trong nhóm này, doanh nghiệp Trung Quốc được cho là có lợi thế hơn về khả năng tích hợp các dịch vụ đi kèm như WeChat và tên tuổi doanh nghiệp như Alibaba của tỉ phú Jack Ma chẳng hạn.
Những rào cản kết nối với thế giới
Facebook có thể xem là một cú hích lớn cho sự du nhập của văn hóa mới vào Việt Nam và tạo nên một văn hóa mạng xã hội trong hơn 1/2 dân số Việt Nam với độ tuổi sử dụng Facebook ngày càng được trẻ hóa. Những bạn trẻ tự tin selfie, cập nhật trạng thái cá nhân liên tục hay mạnh dạn đưa ra nhiều quan điểm trái cá nhân, thể hiện kiến thức về mọi vấn đề chính trị, xã hội... Đó là những điều khó tưởng tưởng trước khi mạng xã hội xuất hiện.
Văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng vốn không có truyền thống thể hiện cái tôi cá nhân như văn hóa phương Tây. Văn hóa phương Tây cổ xúy sự thể hiện cái tôi và khác biệt cá nhân, cổ súy cho những việc phá mọi rào cản trong tư duy, sáng tạo. Có thể thấy, xu hướng khẳng định cái tôi là xu hướng cần thiết cho xã hội phát triển. Đây là động lực chính để hoàn thiện, nâng cao và khẳng định bản thân. Động lực này cũng thúc đẩy sự đa dạng hóa trong xã hội.
Văn hóa thể hiện cái tôi được thúc đẩy thành một trào lưu mạnh thông qua Facebook. Tuy nhiên, theo Psychology Today, một trong những bệnh tâm lý rất phổ biến tại Mỹ là nhân cách yêu mình thái quá (Narcissistic Personal Disorder) có liên hệ mật thiết với mạng xã hội. Mặt khác, không thể phủ nhận những tiện ích của mạng xã hội này trong việc giữ liên lạc với bạn bè và người thân và mở rộng mối quan hệ xã hội.
Facebook luôn cung cấp một lượng thông tin nhiều hơn người sử dụng cần về cả số lượng và chất lượng trong vài trường hợp. Sự bão hòa về thông tin và quá dễ dàng trong tiếp cận người khác cũng dẫn đến xu hướng thờ ơ với các mối quan hệ xã hội. Tưởng chừng giao tiếp sẽ thêm thuận lợi nhờ vào các ứng dụng như Facebook Mesenger, Viber và WhatsApp. Nhưng các ứng dụng này không phải là kênh giao tiếp hiệu quả vì thiếu đi nhiều yếu tố quan trọng như ngôn ngữ hình thể và ngữ điệu. Giao tiếp truyền thống vẫn là nhu cần cần thiết.
Tương tự, Google có ảnh hưởng rất lớn đến thói quen sử dụng internet trên toàn thế giới. Đây là cánh cửa tiếp cận nguồn tri thức từ khắp nơi trên thế giới. Điển hình, hầu hết các ngôn ngữ đều được thêm vào tự điển động từ “Google” sau khi công cụ tìm kiếm này ra đời trong vài năm.
Theo số liệu của Facebook, có 41 triệu người Việt Nam sử dụng điện thoại để truy cập mạng xã hội. Số người này sẽ giảm thiểu đáng kể khi không còn Facebook và Facebook Messenger? Các mối quan hệ xã hội cũng sẽ thiên nhiều hơn về chất lượng thay vì số lượng, khi việc kết bạn với người khác qua Facebook không còn tồn tại? Chúng ta cũng sẽ sàng lọc các mối quan hệ và tập trung nhiều hơn vào các mối quan hệ thật sự có ý nghĩa?
Mới đây, Viện Nghiên cứu về đời sống và con người khu vực Đông Nam Á Hakuhodo (HILL ASEAN), một tổ chức nghiên cứu độc lập được thành lập tại Thái Lan, đã khảo sát 2 nhóm đối tượng sinh vào thập niên 1980 và 1990 ở 6 quốc gia Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam và Philippines).
Các chuyên gia phát hiện, sự ra đời của Facebook và điện thoại thông minh đã khiến khoảng cách giữa hai thế hệ ngày càng xa hơn, đặc biệt là ở những nước mới phát triển như Thái Lan và Việt Nam. Điều này tạo nên một vài sự khủng hoảng nhất định như tỉ lệ thất nghiệp cao hơn, tỉ lệ ly tán gia đình tăng lên hoặc mức độ kết nối gia đình cũng bị giảm xuống đáng kể...
Những nghiên cứu này cho thấy mức độ ảnh hưởng tốt và xấu của các mạng xã hội như Facebook đến đời sống con người. Tuy nhiên, Rob Faris, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Berkman Klein về Internet và Xã hội tại Đại học Harvard, nói rằng chính phủ các nước phải tìm cách cân bằng việc này vì hạn chế các mạng xã hội có thể tạo ra tác dụng ngược.
Ông nói: “Mối quan ngại về việc đóng các mạng xã hội như Facebook, dù là tạm thời, sẽ hạn chế đầu tư vào nền kinh tế kỹ thuật số và cản trở sự đổi mới. Khi có nhiều người thực hiện cuộc sống của họ trên các nền tảng lớn như Facebook, việc chặn các nền tảng như Facebook có thể gây ra hậu quả lớn”.
Tất nhiên, việc Facebook, Google rút đi chỉ là giả định, còn thực tế, sử dụng mạng xã hội và công nghệ nói chung đã trở thành thói quen, giao thức kết nối và công cụ làm việc không thể thiếu của đại đa số. Khi thiếu vắng Facebook hay Google, chắc chắn Việt Nam sẽ phải tìm ra những công cụ tương tự để thay thế bằng cách này hay cách khác, như trước đây đối với Yahoo Messenger, tiểu blog...
Suy cho cùng, mạng xã hội chỉ là công cụ trong tay con người. Xấu hay tốt cũng từ con người mà ra.