|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Những khu đất vàng của 2 ông lớn ngành bia

11:44 | 12/09/2016
Chia sẻ
Bên cạnh kết quả kinh doanh và thị phần, quỹ đất Sabeco và Habeco nắm trong tay cũng là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư khi 2 doanh nghiệp chào bán cổ phần.  

Thông tin về lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) gần đây được dư luận chú ý bởi đây là 2 doanh nghiệp nằm trong top 3 thị phần ngành bia. Nhiều doanh nghiệp nội, ngoại trong ngành này đang "xếp hàng" để đăng ký mua cổ phần 2 đại gia.

Bên cạnh năng lực sản xuất và kết quả kinh doanh vượt trội, quỹ đất vàng mà Sabeco và Habeco đang quản lý cũng là một trong những tài sản hấp dẫn các nhà đầu tư. Mới đây, Thủ tướng cũng chỉ đạo khi bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 2 đại gia ngành bia, cần tính riêng giá trị quyền sử dụng đất.

Là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong ngành, Sabeco cũng nắm quyền quản lý số bất động sản lớn, nằm ở những vị trí đắc địa tại TP HCM. Theo các tài liệu đã công bố, hiện Sabeco đang nắm trong tay khu đất gần 4.000m2 tại số 46 Vân Đồn (quận 4, TP HCM), 187 Nguyễn Chí Thanh, Quận 5 (hơn 17.000m2), 474 Nguyễn Chí Thanh, quận 10 (hơn 7.700m2), Phan Huy Ích (hơn 2.200m2), số 4 Thi Sách (gần 500m2)... Tổng giá trị các khu đất này hiện ghi nhận giá trị sổ sách bằng với mức đã định giá doanh nghiệp năm 2006, xấp xỉ hơn 735 tỷ đồng.

nhung khu dat vang cua 2 ong lon nganh bia

Khu đất vàng 4 mặt tiền của Sabeco nằm trên phố Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM.

Tuy nhiên, một trong những khu đất vàng từng khiến Sabeco đau đầu trong rất nhiều năm qua đó là lô 4 mặt tiền trên phố Hai Bà Trưng (TP HCM) rộng hơn 6.000m2. Theo định giá năm 2006 và được bảo lưu trong các báo cáo sau này của Sabeco, khu đất được ghi nhận giá trị gần 760 tỷ đồng.

Đến năm 2015, tổng công ty góp vốn thành lập Công ty cổ phần Sabeco Pearl cùng 4 cổ đông để đầu tư dự án khu thương mại văn phòng cao cấp tại đây. Công trình này cũng dự kiến trở thành tháp bia Sài Gòn mang tính biểu tưởng của Sabeco. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015, tổng tài sản của đầu tư Sabeco Pearl đạt hơn 1.018 tỷ đồng (bao gồm quyền sử dụng đất của khu đất với giá trị 997 tỷ và một số chi phí khác). Tuy nhiên, hồi giữa năm nay Sabeco đã phê duyệt phương án thoái toàn bộ 26% vốn chủ sở hữu tại Sabeco Pearl, qua đó chính thức từ bỏ dự án “đất vàng” do vướng quy định không được đầu tư ngoài ngành. Dù vậy, hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về thương vụ chuyển nhượng nói trên.

Có quỹ đất lớn nằm ở những vị trí đắc địa nên từ năm 2008, Sabeco có ý định lấn sân sang lĩnh vực địa ốc thông qua việc liên kết đầu tư xây dựng nhiều cao ốc văn phòng cho thuê, khách sạn, trung tâm thương mại... Cùng với đó, doanh nghiệp cũng thành lập các công ty liên kết đầu tư cơ sở hạ tầng, một số công ty bất động sản để khai thác các khu đất vàng này như Công ty cổ phần Bất động sản Sabeco; Công ty cổ phần Bất động sản Bến Vân Đồn, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Tân Thành, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển không gian ngầm, Công ty cổ phần Kinh doanh Hạ tầng Khu công nghiệp Sabeco...

Trong kỳ Đại hội cổ đông hồi đầu năm nay, lãnh đạo Sabeco từng giải thích, những khu đất của Sabeco là lý do khiến giá đợt IPO của tổng công ty năm 2015 tăng cao. Tuy nhiên những khu đất đó không phải sở hữu của Sabeco mà chỉ là quyền ưu tiên số một về thuê. Ngoài ra, tổng công ty này còn có một số những bất động sản là đất thuê đang là nhà máy sản xuất tại TP HCM và TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Đứng thứ 3 về thị phần trong ngành bia, Habeco cũng nắm trong tay quỹ đất lớn rải rác ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên...

Một trong những tài sản bất động sản hấp dẫn nhà đầu tư nhất của Habeco là khu đất vàng rộng gần 5ha tại số Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình (Hà Nội). Đây cũng là nơi Habeco đặt trụ sở Tổng công ty và các hoạt động sản xuất kinh doanh. Khu đất này được Habeco ký hợp đồng thuê đất dài hạn, trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định. Giá trị thẩm định theo giá thị trường giữa năm 2010 tổng khu đất có giá trị lên tới 2.308 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Habeco còn quản lý gần 26ha tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là đất được Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho thuê 49 năm từ năm 2007 để thực hiện dự án đầu tư nhà máy bia với công suất 200 triệu lít một năm.

Tại khu công nghiệp Tiên Sơn - Bắc Ninh, Habeco có khu đất 1,5ha làm Trụ sở Viện nghiên cứu và trung tâm đào tạo. Đây là đất thuê lại của khu công nghiệp, thời hạn thuê là 49 năm 8 tháng. Khu đất này đã có hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã trả phí hạ tầng.

Tổng công ty cũng đang quản lý một số lô đất tại Phú Thọ, Hưng Yên theo hình thức thuê 35-50 năm dự kiến được đưa vào khai thác với các mục đích khác nhau như trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở cho thuê, trung tâm kho và chi nhánh...

Hiện 2 thương hiệu bia Habeco và Sabeco, tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp tương ứng là 81,79% và 89,59%. Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Công Thương thông báo Chính phủ dự kiến bán toàn bộ cổ phần nhà nước trong Sabeco, có giá trị khoảng 1,8 tỷ USD. Cổ phần sẽ được chia bán trong hai đợt vào năm 2016 và 2017. Toàn bộ số cổ phần Nhà nước trong Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng được rao bán trong năm 2016 với trị giá khoảng 404 triệu USD.

Theo Ngọc Tuyên

VnExpress