Những hiệu ứng 'mật ngọt' nào tạo đà tăng của thị trường chứng khoán?
VN-Index có thể tăng đến bao nhiêu điểm trong năm 2017? |
Phiên giao dịch ngày 21/11 tiếp tục là một phiên tăng sốc của thị trường, đà hưng phấn của VN-Index sau khi vượt mốc 900 điểm hôm trước đó vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ngay trong phiên sáng VN-Index đã vượt mốc 920 điểm và thậm chí có thời điểm chạm ngưỡng 925, tương ứng tăng trên 20 điểm. Đóng góp vào đà tăng của thị trường, nhóm VN30 ngập tràn sắc xanh, trong đó tăng mạnh nhất vẫn là những cái tên quen thuộc như VIC, VNM, SAB hay là tân binh VRE.
Diễn biến VN-Index 3 tháng trở lại đây.(Nguồn: VNDirect) |
Nhìn lại quãng thời gian 3 tháng trở lại đây, có thể thấy VN-Index đang trong xu hướng tăng rất vững chắc.
Tính đến thời điểm đầu tháng 11, xu hướng tăng điểm này dường như đã mạnh mẽ hơn rất nhiều. Vậy thì đâu chính là động lực giúp thị trường có thể hưng phấn đến vậy, xu hướng tăng này liệu có thể kéo dài đến tận cuối năm và lan sang năm 2018 hay không?
Khởi nguồn từ hiệu ứng APEC
Như đã nói, kể từ đầu tháng 11/2017 VN-Index đang “bốc đầu” với nhiều phiên tăng điểm liên tiếp, có phiên tăng trên chục điểm và thậm chí là gần 20 điểm như ngày hôm nay, và điều này hoàn toàn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra trong một tuần từ ngày 6 đến ngày 11/11 được kỳ vọng có thể đưa đến các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và hơn nữa là một cú hích mạnh cho nền kinh tế Việt Nam…
Lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017 (Ảnh: apec2017.vn) |
Hiệu ứng APEC tác động đến mọi lĩnh vực và thị trường chứng khoán không nằm ngoại lệ. Quả thực VN-Index đã thể hiện một bộ mặt vô cùng tươi sáng trong thời gian mà lãnh đạo những cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Nga, Trung Quốc… có mặt tại Việt Nam. Cụ thể, tuần lễ diễn ra APEC, VN-Index tăng từ mức 850 điểm một mạch lên gần 880 điểm, tức tăng hơn 3,5%, và đương nhiên hiệu ứng còn bao gồm cả giai đoạn tiền APEC và hậu APEC…
APEC cũng đem đến nhiều hợp đồng kinh doanh hứa hẹn cho các doanh nghiệp Việt Nam, riêng giá trị các hợp đồng ký kết với Mỹ nhân chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đến Việt Nam có thể lên đến 12 tỷ USD.
Cụ thể là lễ ký bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng công ty Khí Việt Nam PetroVietnam và Tập đoàn Phát triển Đường ống gas Alaska; bản ghi nhớ về xe tải giữa tập đoàn Navistar và Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy; thỏa thuận mua động cơ PW 1100-JM giữa International Aero Engines và Vietnam Airlines; thỏa thuận mua 20 động cơ PW1000G cho 10 máy bay A321NEO của Vietjet Air...
Những thông tin tích cực đã góp phần rất lớn vào sự lạc quan nơi các nhà đầu tư trong nước, quảng bá cả hình ảnh Việt Nam đến với các nhà đầu tư nước ngoài, giúp thu hút dòng vốn về trong tương lai…
Hiệu ứng thoái vốn Nhà nước
Nhắc đến thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp không thể không nhắc đến trường hợp của SCIC bán vốn tại Vinamilk. Sau năm 2016 không thành công như mong đợi, thì ở đợt bán vốn lần này, Vinamilk được một đại gia nước ngoài ôm trọn lô 3,33% vốn cổ phần trong phiên đấu giá ở mức 186.000 đồng/cp, cao hơn tới 24% so với mức giá khởi điểm.
Không dừng lại ở đó, Jardine Cycle & Carriage – công ty con của Jardine Matheson còn bạo chi tới hơn 1 tỷ USD để sở hữu 10% tại Vinamilk, và không giấu diếm ý định mua thêm. Giao dịch diễn ra nhanh chóng, đúng phong thái của “kẻ có tiền”, nó trái hẳn với thế giằng co mà F&N tạo ra trong vòng vài tháng trở lại đây.
Ben Keswick - Tổng giám đốc Jardine Matheson, người đứng sau thương vụ Vinamilk |
Chớp thời cơ, SCIC thúc đẩy bán vốn tại một loạt các doanh nghiệp tên tuổi, mới đây là sự kiện roadshow giới thiệu cổ phiếu tại 5 công ty lớn bao gồm VCG, FPT, DMC, BMP và NTP.
Cơn gió từ hiệu ứng thoái vốn thành công của Vinamilk đẩy cổ phiếu của các công ty này bay cao chót vót. Trong vòng 1 tháng trở lại, những cổ phiếu này đạt được mức tăng từ 15 – 20%, riêng đầu tàu Vinamilk tăng tới gần 31%.
Vinamilk là đầu tàu kéo nhóm cổ phiếu thuộc diện thoái vốn tăng điểm (VNDirect) |
Một điểm nữa đáng lưu ý, phi vụ bán vốn Vinamilk diễn ra đúng ngày 10/11, thời điểm APEC chưa kết thúc, điều này vô hình chung là sự kết hợp rất đẹp cho thị trường.
Sau Vinamilk, người ta đang chờ đợi phiên đấu giá của một “hàng khủng” khác là CTCP Rượu – Bia – Nước giải khát Sabeco (Mã: SAB). Ông lớn nắm tới 41% thị phần bia tại Việt Nam đang được Bộ Công Thương gấp rút triển khai bán vốn cho kịp tiến độ trong tháng 12.
Chỉ vài hôm nữa buổi roadshow giới thiệu Sabeco sẽ được tổ chức tại 2 thị trường nước ngoài Singapore và Anh, và đương nhiên người ta kỳ vọng SAB có thể trở thành một Vinamilk thứ 2 trong năm nay hay thậm chí là thành công hơn.
Hiệu ứng Vingroup – Vincom Retail
Chọn thời điểm không thể đẹp hơn để lên sàn, Vincom Retail ra mắt HOSE đúng ngày khai mạc APEC, ngày 6/11.
Ngay sau đó một ngày, VRE phá hàng loạt kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam, khoảng 415 triệu cổ phiếu Vincom Retail đã được giao dịch thành công với mức giá 40.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị hơn 740 triệu USD. Vốn hóa công ty trong ngày hôm đó đạt 77.000 tỷ đồng, lọt top 10 vốn hóa lớn nhất thị trường.
Theo Vincom Retail, các nhà đầu tư được chọn đầu tiên trong giao dịch là Avanda Investment Management Pte, Dragon Capital, Genesis Investment Management LLP, GIC Pte, HSBC Asset Management (UK), Karst Peak, RWC Asset Advisors (US), Templeton Investments và TT International.
Vincom Retail phát loạt kỷ lục trên thị trường chứng khoán |
Tính đến thời điểm hiện tại, VRE dao động quanh mức giá 51.000 đồng/cp, tăng gần 26% so với lúc chào sàn. Sự thành công của VRE tạo hiệu ứng đẩy lên các cổ phiếu anh em là VIC và SDI.
Nhóm cổ phiếu họ Vingroup khiến ông Phạm Nhật Vượng ngày càng giàu (VNDirect) |
Xét quãng thời gian 3 tháng gần nhất, VIC đã tăng hơn 81% còn SDI của Đô thị Sài Đồng cũng có được mức tăng gần 40%.
Nhóm cổ phiếu Vingroup trỗi dậy khiến tổng tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ngày càng bay cao, vượt tổng tài sản của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đang tiệm cận top 500 tỷ phú giàu nhất thế giới theo bảng xếp hạng của Forbes. Theo Forbes, tổng tài sản ông Vượng đang ở mức 4 tỷ USD, tuy nhiên theo số liệu chúng tôi tìm hiểu và tính toán, tài sản ông Vượng còn vượt xa con số này rất nhiều.
Dòng vốn ngoại chảy vào mạnh mẽ
Những trường hợp nhảy vào của các nhà đầu tư nước ngoài như Vinamilk hay Vincom Retail kể trên là minh chứng rõ ràng nhất cho sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại đối với cổ phiếu Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại vốn hóa sàn HOSE nói riêng đạt 103,7 tỷ USD tăng 58,5% so với cuối năm ngoái, hàng loạt mã cổ phiếu lớn đã lên sàn.
Dòng vốn ngoại đang ồ ạt chảy vào thị trường Việt Nam |
Dragon Capital, quỹ nước ngoài tỷ USD tại Việt Nam đã có một năm vô cùng thành công. Tính đến ngày 16/11, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) của DC đạt giá trị tài sản ròng 1.422 tỷ USD, tăng 46,4% so với đầu năm. Chỉ trong 1 tuần, danh mục của VEIL tăng hơn 100 triệu USD.
Trong khi đó, PYN Elite đã rót gần như toàn bộ danh mục vào thị trường Việt Nam, tính đến 15/11 tài sản ròng đạt 413,6 triệu EUR, tăng 23,8% so với đầu năm. Giám đốc quỹ PYN Elite ông Petri Deryng, nhận định Việt Nam có thể đạt được 1.500 điểm trong 3 năm tới và quỹ này tiếp tục chọn Việt Nam là thị trường trọng điểm để đầu tư.
Và những cái tên lớn sắp tiến hành bán vốn như Vinaconex (VCG), Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP), Domesco (DMC), FPT và sắp tới là Sabeco, Habeco… sẽ là những “hũ mật” thu hút các nhà đầu tư ngoại đổ xô vào thị trường Việt Nam…
Trong một báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt chỉ ra một lượng lớn ngoại tệ đã được bán ròng cho các ngân hàng thương mại trong 10 tháng đầu năm lên đến 2,5 tỷ USD, chủ yếu từ nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài. Lượng ngoại tệ khổng lồ này trùng khớp với sự bùng nổ giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay.
Không chỉ những tin tốt đến, mà việc chọn thời điểm thực hiện đồng loạt cũng đã tạo hiệu ứng cộng hưởng lên thị trường trong thời gian qua. Niềm tin của các nhà đầu tư vào tương lai tươi sáng đang cao ngút trời khi mà lần đầu tiên VN30 Future vượt ngưỡng 1.000 điểm.
Nhưng liệu đà tăng mạnh mẽ lần này của chỉ số có bền vững, nhiều nhà đầu tư vẫn đang "kêu trời" khi mà VN-Index tăng ầm ầm trong khi tài khoản bốc hơi mất một nửa. Tăng quá nóng liệu có tốt hay đây chính là dấu hiệu cảnh báo về tương lai giống như thời điểm 10 năm trước?
VN-Index vượt 860 điểm, liệu thị trường có thể mỉm cười trọn vẹn?
Chuyên gia Nguyễn Thế Minh đánh giá thị trường thời gian vừa qua có diễn biến tích cực. Tuy nhiên, dòng tiền có xướng tập ... |
Thị trường chứng khoán 20/11: VN-Index vượt 900 điểm sau 10 năm, VIC và VRE là tâm điểm của thị trường
Thị trường chứng khoán ngày 20/11 ghi nhận một mốc mới khi VN-Index bứt phá lên hơn 903 điểm sau 10 năm. |