|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Những dự án bất động sản nào góp phần làm ông Tề Trí Dũng vướng lao lý?

12:12 | 16/05/2019
Chia sẻ
Thanh tra TP HCM đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quản lý điều hành IPC Tân Thuận của ông Tề Trí Dũng. Trong đó có những sai phạm liên quan đến các dự án BĐS góp phần khiến cho cựu lãnh đạo doanh nghiệp này vướng vào lao lý.

Ông Tề Trí Dũng - Nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC Tân Thuận) bị khởi tố về 2 tội danh: Tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong thời gian điều hành ông Dũng cũng đã dính phải những sai phạm liên quan đến các dự án bất động sản mà doanh nghiệp này quản lý và sử dụng.

Dự án khu dân cư Long Hậu

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Long Hậu được UBND tỉnh Long An chấp thuận cho cho IPC Tân Thuận làm chủ đầu tư vào năm 2002 với quy mô 20ha. Đến tháng 10/2006, công ty ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Hồng Lĩnh.

Những dự án bất động sản nào góp phần làm ông Tề Trí Dũng vướng lao lý? - Ảnh 1.

Công ty IPC Tân Thuận ứng trước chi phí và chịu mọi trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cho các hộ dân; được mua 259 nền để bố trí tái định cư cho các hộ dân.

Công ty Hồng Lĩnh hoàn trả cho IPC Tân Thuận toàn bộ chi phí ứng trước để bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư cho các hộ dân và chi phí chuẩn bị đầu tư; đầu tư hoàn thiện hạ tầng dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính; được toàn quyền khai thác kinh doanh phần diện tích còn lại của dự án (phần còn lại sau khi giao cho IPC Tân Thuận bố trí tái định cư).

Diện tích tái định cư được duyệt là hơn 60.000m2, trong đó tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng bởi KCN Long Hậu (do Công ty cổ phần Long Hậu làm chủ đầu tư) là 54.867m2 và tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng dự án khu dân cư Long Hậu là 5.049m2.

Theo kết luận thanh tra, phần diện tích còn lại Công ty Hồng Lĩnh được toàn quyền kinh doanh là không hợp lý vì IPC Tân Thuận là chủ đầu tư nhưng phải mua lại đất nền trên khu đất mình là chủ đầu tư thực hiện dự án.

Mặt khác, việc hợp tác đầu tư không xác định cụ thể giá trị, tỉ lệ góp vốn của mỗi bên và phân chia sản phẩm, lợi nhuận theo giá trị góp vốn là không đúng với nguyên tắc hợp tác đầu tư phân chia lợi nhuận.

Công ty cổ phần Long Hậu là một pháp nhân độc lập nhưng IPC Tân Thuận bố trí tái định cư cho dự án KCN Long Hậu không tính theo giá thị trường, hơn nữa còn phải chịu tiền chênh lệch giữa giá mua của Công ty Hồng Lĩnh và giá bán cho các hộ tái định cư.

Đến tháng 8/2018, công ty đã thu lại tổng số tiền và nền tương đương 166 tỉ đồng, gồm: Công ty Hồng Lĩnh trả 69 tỉ đồng; Công ty Long Hậu 74 tỉ đồng và hộ dân tái định cư gần 23 tỉ đồng. Trong đó, số tiền Công ty Long Hậu là số tạm thu, hai bên chưa xác định được số liệu. Theo Thanh tra TP, việc đầu tư dự án khu dân cư Long Hậu cần tiếp tục kiểm tra làm rõ.

Khu định cư An Phú Tây

Một trong những phi vụ điển hình là góp vốn hơn 473 tỉ đồng vào Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, công ty liên kết với IPC) thực hiện dự án xây dựng khu định cư An Phú Tây, H.Bình Chánh (TP HCM).

Ông Tề Trí Dũng đã tự ý ký 4 hợp đồng (vào năm 2016); ông Trần Đăng Linh, Phó tổng giám đốc IPC, ký 2 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích chuyển nhượng gần 25.000 m2, đơn giá từ 7 - 8,8 triệu đồng/m2, tổng số tiền thu được chỉ hơn 186 tỉ đồng, mà không thông qua đấu giá theo quy định.

Về các sai phạm, thiếu sót đã xảy ra tại IPC, Thanh tra TP.HCM khẳng định trách nhiệm chính thuộc về HĐTV, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc được phân công phụ trách lĩnh vực và công việc có liên quan, kiểm soát viên, kế toán trưởng, nhóm đại diện vốn nhà nước... tham mưu từng thời kỳ có liên quan đến vụ việc.

Điều đáng nói hơn, trong quá trình thanh tra, IPC và công ty con, liên doanh, liên kết "có dấu hiệu đối phó, gây trở ngại cho hoạt động thanh tra".

Khu đô thị Cảng Hiệp Phước

Đối với dự án này doanh nghiệp triển khai chậm, hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng chưa hoàn chỉnh, chưa có quyết định giao đất và chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Những dự án bất động sản nào góp phần làm ông Tề Trí Dũng vướng lao lý? - Ảnh 2.

Khu đô thị Cảng Hiệp Phước

Đáng chú ý, theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, trong hai năm 2016 và 2017, Công ty IPC đã tổ chức các chuyến đi nước ngoài với tổng số tiền chi trả hơn 1,3 tỉ đồng. Trong đó, có chuyến đi công tác tại Bỉ, Hà Lan và Mỹ năm 2016 trong vòng 11 ngày với mục đích để nghiên cứu chuẩn bị đầu tư Khu công nghiệp Hiệp Phước. Kinh phí chi từ nguồn ngân sách chuẩn bị đầu tư Khu đô thị - công nghiệp - cảng Hiệp Phước với giá trị hợp đồng chi trả là hơn 1,1 tỉ đồng.

Thanh tra nhận thấy đoàn đi công tác nước ngoài vượt quá 5 ngày so với quyết định của UBND TP. Đồng thời công ty IPC có báo cáo về chuyến công tác tại Bỉ, Hà Lan và Mỹ, nhưng nội dung báo cáo không thể hiện rõ kết quả, kinh nghiệm đúc kết được qua chuyến công tác đó.

Sai phạm quản lý sử dụng tòa văn phòng IPC

Công ty IPC thuê của Nhà nước một khu đất 7.547 m2 tại lô H2- Khu A Phú Mỹ Hưng để làm trụ sở. Sau khi xây dựng tòa nhà 21 tầng (1 tầng hầm), Công ty IPC chỉ sử dụng một phần, còn lại cho 81 đơn vị thuê làm văn phòng. Tổng doanh thu cho thuê từ năm 2010 đến năm 2017 là hơn 295 tỉ đồng.

Trong đó, việc chỉ định thầu Công ty TNHH Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị thực hiện gói thầu với giá trị 1,7 tỉ đồng là thực hiện không đúng quy định.

V.Dũng

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.