Những đòn đau khiến hãng sản xuất sữa lớn nhất nước Mỹ phá sản
Hôm 12/11, tập đoàn chế biến sữa Dean Foods - có trụ sở ở thành phố Dallas, bang Texas - thông báo họ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11 của Luật Phá sản, theo CNBC.
Dean Foods xác nhận họ sẽ sử dụng Chương 11 để tiếp tục kinh doanh, và xử lí các khoản nợ trong quá trình bán doanh nghiệp. Tập đoàn đã nhận cam kết cho vay trị giá 850 triệu USD, một hình thức cấp vốn vay cho những doanh nghiệp lâm vào khó khăn tài chính.
Người tiêu dùng vẫn có thể nhận những sản phẩm mà họ đã đặt hàng. Dean Foods đã thảo luận với Hiệp hội Nông dân sản xuất sữa Mỹ về việc bán tài sản.
Một xe tải chở sữa của tập đoàn Dean Foods. Ảnh: Dean Foods
Eric Beringause, tổng giám đốc Dean Foods, mới gia nhập tập đoàn 3 tháng trước đây sau khi thôi chức tổng giám đốc của hãng sữa Gehl Foods.
Sự lên ngôi của sữa thực vật và quyết định ngừng hợp tác của các nhà bán lẻ
Hoạt động kinh doanh của Dean Foods trở nên khó khăn trong bối cảnh người tiêu dùng dần ưa chuộng sữa có nguồn gốc thực vật hoặc sữa do cá nhân sản xuất. Mức tiêu thụ sữa truyền thống trên mỗi người dân ở Mỹ đã giảm 26% trong vòng hai thập niên qua, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Walmart bắt đầu chế biến sữa của riêng họ từ năm 2017. Quyết định của tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ giáng đòn đau đối với Dean Foods, khiến họ phải hủy hơn 100 hợp đồng với các trang trại bò sữa ở 8 bang thuộc Mỹ.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi chuỗi siêu thị thực phẩm Food Lion ngừng hợp tác với Dean Foods vào năm 2018. Trong 8 quí gần nhất, Dean Foods đã lỗ ròng trong 7 quí.
Sự sụp đổ của Dean Foods diễn ra trong bối cảnh các trang trại nuôi bò sữa ở Mỹ cũng đang nỗ lực thích nghi với sự thay đổi trên thị trường sữa. Xu hướng giảm giá của sữa bò, chiến tranh thương mại và tình trạng thiếu nhân lực khiến nông dân nuôi bò khốn đốn.
"Rất nhiều thành viên trong Liên hiệp Các nhà sản xuất sữa quốc gia Mỹ cung cấp sữa cho Dean Foods nên họ sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi quyết định xin bảo hộ phá sản của tập đoàn", Alan Bjerga, phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Liên hiệp Các nhà sản xuất sữa quốc gia Mỹ, bình luận.
Xu hướng tương tự ở các nước phương Tây
Một cuộc khảo sát từ hãng Mintel cho thấy 23% dân Anh đang tiêu thụ các loại sữa từ thực vật như dừa, hạnh nhân, yến mạch. Doanh số sữa thực vật đã tăng 10% trong 2 năm qua. Phụ nữ và những người dưới 25 tuổi có xu hướng chấp nhận sữa thực vật nhanh nhất.
Sữa thực vật các các loại thực phẩm có nguồn gốc đang dần trở nên phổ biến hơn trong các siêu thị trong bối cảnh người dân ngày càng quan tâm hơn tới sức khỏe, đạo đức và môi trường, theo nhận định của báo The Guardian.
Mặc dù sữa bò vẫn chiếm thị phần lớn hơn sữa thực vật và đạt qui mô tới 3 tỉ bảng mỗi năm, mức tiêu thụ sữa bò bình quân của người Anh đang giảm tới 50% so với thập niên 50 của thế kỉ trước.
Nhu cầu đối với sữa bò giảm đã khiến khoảng 1.000 nông trại bò sữa ngừng hoạt động từ năm 2013 tới năm 2016. Giờ đây, giới trẻ Anh mặc định rằng sữa bò không tốt bằng sữa thực vật.
Ở châu Âu, nhiều nghiên cứu dự đoán qui mô của thị trường sữa thực vật sẽ đạt 2,2 tỉ USD vào năm 2024. Hiện tượng dị ứng với lactose (xảy ra khi cơ thể không tạo ra đủ enzyme để tiêu hóa hoàn toàn thành phần này) trong sữa bò là nguyên nhân khiến nhu cầu đối với sữa thực vật ở châu Âu tăng dần.