|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những đề xuất từng thu hút dư luận của Đường sắt Việt Nam giờ ra sao?

20:40 | 07/05/2018
Chia sẻ
Một năm trước, Ngành Đường sắt đã phát văn bản đề nghị xin một gói đầu tư vốn trung hạn gần 10 ngàn tỷ đồng, đồng thời đề xuất để 2 doanh nghiệp thuộc “Tổng” này được về “chung một nhà”...

Những ý tưởng nói trên đều được loan báo dưới thời ông Vũ Anh Minh - người đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), đến nay đã già một năm.

Giải cơn “khát vốn”

Truyền thông khi đó phần lớn đều đã đặt câu hỏi “ĐSVN dùng số tiền 7.000 tỷ đồng để làm gì?” ngay khi biết tin “Tổng” này kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xin cấp một khoản đầu tư từ nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2017 - 2021.

Đề xuất này sở dĩ gây chú ý dư luận là vì 2 lẽ. Trước tiên, do nó được văn bản hóa ngay sau khi “ghế nóng” Chủ tịch ĐSVN có chủ mới; thứ hai là lâu lắm rồi, mới thấy đề cấp tới chuyện ngàn tỷ “rót” vào ngành Hỏa xa.

“Hiện tại, khu đoạn Hà Nội - Đà Nẵng tải trọng cầu đường 4,2 tấn/m, nhưng khu đoạn Đà Nẵng - Sài Gòn chỉ được 3,6 tấn/m. Đây là một sự bất hợp lý rất lớn đối với vận tải đường sắt.

Do đó, cần thiết phải đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng để đồng đều tải trọng trên toàn tuyến lên 4,2 tấn/m”, Chủ tịch Vũ Anh Minh nói về sự cần thiết phải đầu tư cho hạ tầng đường sắt sau khi nguồn vốn trên được phê duyệt.

Thực tế, câu chuyện lạc hậu, cũ kĩ cả trăm năm của ĐSVN ai cũng biết. Thế nên, việc giải cơn “khát vốn” thành công để từ đó có điều kiện kiên cố hóa, hiện đại hóa hạ tầng đường sắt, nhằm tăng năng lực vận tải - là cách tốt nhất để “chấm điểm” năng lực của những người đang “đứng mũi chịu sào” ở ngành Đường sắt.

“Một năm sau khi làm văn bản kiến nghị, chủ trương trên đã được Bộ GTVT báo cáo lên Chính phủ và Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chúng tôi tin tưởng kiến nghị đầu tư này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian sắp tới đây”, Phó Tổng Giám đốc ĐSVN Trần Thiện Cảnh trả lời PLVN.

Được biết, với con số 7.000 tỷ đồng vừa nêu, ĐSVN đã nghiên cứu, lựa chọn cải tạo, nâng cấp 4 công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn trong giai đoạn 2017 - 2020.

Cụ thể, dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, với tổng mức đầu tư dự kiến 1.600 tỷ đồng; đoạn Nha Trang - Sài Gòn tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp các hầm yếu và các công trình thiết yếu đoạn Vinh - Nha Trang tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng và dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - Sài Gòn tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng.

nhung de xuat tung thu hut du luan cua duong sat viet nam gio ra sao

Sẽ có một phần trong số 7.000 tỷ được đầu tư để nâng cấp các hầm đường sắt yếu đoạn Vinh - Nha Trang

Tư vấn khuyên tách vận tải khách - hàng

Ngoài chuyện xin cấp vốn đầu tư để nâng tốc độ, tải trọng đồng đều trên toàn tuyến Bắc - Nam, ngành Đường sắt năm ngoài cũng gây chú ý dư luận khi kiến nghị hợp nhất 2 Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn làm một để sau đó tách lĩnh vực vận tải hàng hóa độc lập với vận tải hành khách.

Việc để 2 doanh nghiệp này về “chung một nhà” khi đó từng ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều, bởi trước đó không lâu cũng chính ĐSVN đã thực hiện mô hình “2 công ty 2 đầu” Hà Nội, Sài Gòn, với lập luận để các đơn vị này bám sát địa bàn, kinh doanh cho hiệu quả...

Thế nhưng, chỉ sau một thời gian hoạt động, ĐSVN lại cho rằng mô hình trên không hợp lý, khi chứng minh sự tồn tại cùng lúc của 2 doanh nghiệp trong ngành mà cùng kinh doanh một sản phẩm vận tải trên cùng một thị trường khiến tỷ suất khai thác toa xe không cao, công tác đầu tư và dự trữ vật tư bất hợp lý, phân tán nguồn lực... Tóm lại, là cần phải nhập.

Vì thế, trong Đề án tái cơ cấu ĐSVN, “Tổng” này lại đề xuất phương án tổ chức hợp nhất 2 công ty trên thành một công ty vận tải đường sắt. Sau đó, từ công ty hợp nhất, sẽ thực hiện tách tổ chức, lao động, vốn, tài sản... để cho ra đời một công ty con chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt. Còn công ty hợp nhất sẽ chuyên vận tải khách.

“Trước đây, khi Tổ chức GTZ của Đức vào làm việc đã tư vấn nên tách vận tải hành khách và hàng hóa ra làm hai. Mới đây, trong nghiên cứu của WB, họ cũng đề xuất mình nên tách theo hướng trên. Và trên thực tế, làm như thế mới hiệu quả”, lời Phó Tổng Giám đốc ĐSVN Trần Thiện Cảnh.

Có vay được vốn của VDB?

Với mong muốn thay đổi năng lực và sức cạnh tranh, cũng trong năm 2017, ĐSVN đã đề xuất lên Bộ GTVT phương án vay thêm gần 4.700 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để thực hiện việc đầu tư các dự án đầu máy, toa xe mới, cho giai đoạn từ nay đến năm 2020.

“Trong bối cảnh Đường sắt đang như thế này mà vay thương mại lãi suất cao thì không thể nào chịu nổi. Hơn nữa, chúng tôi đón đầu quy định trong Luật Đường sắt sửa đổi (có hiệu lực từ 1/7/2018) với quy định ngành được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để vực dậy ĐSVN”, Chủ tịch ĐSVN Vũ Anh Minh trả lời PLVN.

Võ Tuấn