|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Những cổ phiếu bật tăng kèm thanh khoản đột biến trong phiên đỏ lửa: STB, FPT, DGC, ...

20:03 | 23/07/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán cắm đầu giảm điểm trong phiên cuối tuần 23/7 nhưng nhiều cổ phiếu vẫn ngược dòng đi lên cùng với giá trị giao dịch hàng trăm tỷ đồng. Trong số đó phải kể tới STB, DGC, MSB, ...
Những cổ phiếu bật tăng kèm thanh khoản đột biến trong phiên đỏ lửa: STB, FPT, DGC, ... - Ảnh 1.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank (Mã: STB), cựu Chủ tịch LienVietPostBank. (Ảnh: Sacombank).

Các chỉ số chứng khoán chính chìm trong sắc đỏ phần lớn thời gian của phiên 23/7, đặc biệt giảm sâu vào cuối buổi chiều. Đóng cửa, VN-Index sụt gần 25 điểm, còn 1.268,8 điểm. VN30-Index cũng mất xấp xỉ 27 điểm, kết phiên ở 1.401,5 điểm.

Trong 30 cổ phiếu bluechip có tới 26 mã dưới tham chiếu và chỉ 4 mã tăng là STB của Sacombank (2,5%), POW của PV Power (1,4%), FPT của Công ty cổ phần FPT (1,2%) và VNM của Vinamilk (0,9%).

Do chênh lệch về vốn hóa nên VNM mới là mã có đóng góp tích cực nhất tới VN-Index phiên hôm nay, giúp chỉ số có thêm 0,9 điểm, STB và FPT góp lần lượt 0,46 và 0,32 điểm.

Theo thống kê của HOSE, Sacombank hiện đã bán được 72,7 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 81,6 triệu đơn vị đăng ký. Hạn chót để giao dịch là ngày 30/7. 

Từ đầu quý II đến nay, STB được khối ngoại mua ròng 1.028 tỷ đồng, đứng thứ 3 toàn thị trường chỉ sau NVL và VHM.

Những cổ phiếu bật tăng kèm thanh khoản đột biến trong phiên đỏ lửa: STB, FPT, DGC, ... - Ảnh 3.

Nhiều cổ phiếu tăng giá kèm thanh khoản đột biến trong phiên 23/7.

Hai cổ phiếu ngân hàng khác nằm trong nhóm tăng giá phiên 23/7 gồm MSB của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam và LPB của Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank). 

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT của Sacombank, từng có nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT của LienVietPostBank. Ông Minh từng ví LienVietPostBank như con đẻ đã đi lấy chồng còn Sacombank là con dâu mới cưới về.

MSB hôm nay được khối ngoại mua ròng 129 tỷ đồng, lớn nhất toàn thị trường. Đây cũng là giá trị mua ròng một phiên lớn nhất trong lịch sử niêm yết của MSB.

Toàn bộ 24 mã cổ phiếu ngân hàng còn lại đều giảm giá, trong đó VAB của VietAbank kịch sàn, trắng bên mua. VAB mới giao dịch UPCoM hôm 20/7 và đã có hai phiên tăng trần 40% và 14,9%, một phiên xanh 9,6% và sau đó đến phiên giảm sàn 14,8% ngày hôm nay.

Hai cổ phiếu tăng trần với thanh khoản đột biến là VIX của Chứng khoán VIX và DGC của Hóa Chất Đức Giang.

Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của DGC sau khi Đức Giang thông báo kết quả kinh doanh quý II với lãi sau thuế hợp nhất 333 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là sản lượng tiêu thụ các mặt hàng chủ lực như phốt pho vàng, axit phosphoric trích ly và phân bón có cải thiện, doanh thu tăng hơn 29%.

Kết quả lợi nhuận này khá sát với ước tính 330 tỷ đồng mà Chứng khoán SSI đưa ra hồi đầu tháng 7.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu của Hóa Chất Đức Giang tăng gần 29% so với nửa đầu năm ngoái do giá bán tăng, việc sản xuất và tiêu thụ không bị gián đoạn vì COVID-19. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 33% lên 625 tỷ đồng.

Đối với VIX, hôm nay là phiên tăng đầu tiên sau chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp. VIX cũng là cổ phiếu duy nhất trong ngành chứng khoán tăng giá trong ngày 23/7. Các tên tuổi lớn như SSI, MBS, VND, SHS đều sụt hơn 3%. Tuy vậy nếu so với đầu năm, giá của VIX hiện vẫn đang thấp hơn khoảng 5%.

Cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng tăng 0,9% trong phiên hôm nay với thanh khoản tương đương 116% giá trị giao dịch trung bình 10 phiên gần đây. Tính từ đáy ngắn hạn hôm 20/5 đến nay, giá FRT đã tăng 39%. Công ty cổ phần FPT hiện đang sở hữu khoảng 46,5% vốn điều lệ của FPT Retail.

Những cổ phiếu bật tăng kèm thanh khoản đột biến trong phiên đỏ lửa: STB, FPT, DGC, ... - Ảnh 4.

Một cửa hàng của FPT Retail tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu bluechip giảm giá đã kéo tụt VN-Index trong phiên hôm nay gồm VCB của Vietcombank, VHM của Vinhomes, HPG của Tập đoàn Hòa Phát, TCB của Techcombank, …

Đức Quyền

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.