|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những chính sách kinh tế có hiệu lực từ tháng 8/2017

06:00 | 01/08/2017
Chia sẻ
Từ 1/8/2017, nhiều chính sách mới của một số bộ, ngành sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Quy định về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi

Từ ngày 10/8/2017, Quy định về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 06 tuổi chính thức có hiệu lực.

Theo quy định, mức giá bán lẻ của các thương nhân phải được niêm yết và không được vượt quá mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký.

Mức giá bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký là cơ sở để cơ quan tiếp nhận đăng ký giá, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về giá và công bố cho người tiêu dùng.

Đối tượng thực hiện đăng ký giá là thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa thực hiện đăng ký giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá bằng biện pháp đăng ký giá.

Thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa có thể thực hiện đăng ký các mức giá bán lẻ khuyến nghị phù hợp với từng khu vực địa lý nhất định.

Thông tư cũng nêu rõ, Bộ Công Thương công bố danh sách các thương nhân thực hiện đăng ký giá đối với các thương nhân.

Định kỳ vào ngày 1/7 hàng năm hoặc trường hợp đột xuất, Bộ Công Thương rà soát danh sách thương nhân thực hiện đăng ký giá và thông báo điều chỉnh danh sách này.

Quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân

Bắt đầu từ ngày 15/8/2017, Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện chính thức có hiệu lực thi hành.

Quyết định này quy định nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trên cơ sở: Hằng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Khi các thông số đầu vào theo quy định kể trên biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm. Còn khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 06 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Cũng theo quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thông tư quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương

Từ ngày 31/8/2017, Thông tư quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương chính thức có hiệu lực thi hành

Thông tư này quy định về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động máy, thiết bị, vật tư trong Danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương theo quy định tại Phụ lục Ib Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toan, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.

Thông tư được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương; Các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sở hữu và sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc thẩm quyền quản lý cảu Bộ Công Thương.

8 đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp

Theo nghị định 76/2017/NĐ-CP mới ban hành, 8 nhóm đối tượng cụ thể sẽ được điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng:

1- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg ngày 16/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

2- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 121/2003/NĐ-CP và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.

3- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 613/QĐ-TTg; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

4- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

5- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

6- Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

7- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

8- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017. Các chế độ quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 1/7/2017.

nhung chinh sach kinh te co hieu luc tu thang 82017
Từ 1/8/2017, nhiều chính sách mới của một số bộ, ngành sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Ảnh: Moit.

Quy định mới về công khai ngân sách nhà nước

Từ 1/8/2017 việc công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư 61/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.

Theo đó, việc công khai dự trên nguyên tắc đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin ngân sách. Bên cạnh đó, bảo đảm các yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước theo quy địn hiện hành. Phạm vi công khai không bao gồm số liệu và báo cáo thuyết minh thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và dự trữ quốc gia.

Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được đơn vị dự toán cấp trên hoặc cấp có thẩm quyền giao đầu năm và điều chỉnh giảm hoặc bổ sung trong năm (nếu có).

Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hằng quý, 6 tháng phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc quý và 6 tháng. Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước hàng năm được công khai chậm nhất là 5 ngày làm việc , kể từ ngày đơn vị báo cáo đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp.

Thu phí thẩm định xử lý chất thải nguy hại

Từ ngày 1/8/2017, chế độ thu, nộp, mức thu, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại thực hiện theo Thông tư 59/2017 do Bộ Tài Chính ban hành sẽ có hiệu lực thi hành.

Theo Tổng cục Môi trường - Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, tổ chức thu phí thẩm định theo quy định, mức thu thẩm định cấp, điều chỉnh giấy phép xử lý chất thải nguy hại quy định từng khu vực địa lý hoặc nơi đặt nhà máy xử lý chất thải nguy hại.

Việc nộp phí thẩm định trong thời hạn 10 ngày làm việc, tính từ lúc nhận văn bản chấp thuận vận hành thử nghiệm. Có thể nộp phí trực tiếp cho tổ chức thu phí hoặc nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách tại Kho bạc Nhà Nước.

Từ năm 2020, cấm Chủ tịch HĐQT kiêm chức danh Tổng giám đốc

Theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành hôm 6/6 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/8, từ 1/8/2020, quy định về cấm kiêm nhiệm này mới chính thức áp dụng. Đồng thời, việc cấm kiêm nhiệm không có trường hợp loại trừ.

Cũng theo Nghị định 71 kể trên, từ 1/8/2019, thành viên HĐQT của một công ty đại chúng không được đồng thời là thành viên tại quá 5 công ty khác và không có trường hợp loại trừ.

Lâu nay, trong trường hợp là thành viên HĐQT của các công ty trong cùng tập đoàn hoặc hoạt động theo nhóm, bao gồm công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế hoặc là người đại diện của công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán thì thành viên HĐQT được phép làm đồng thời ở 5 công ty khác nhau.

Nghị định 71 cũng quy định, công ty đại chúng phải có trách nhiệm công bố thông tin về thu nhập của giám đốc (tổng giám đốc) trong báo cáo tài chính năm và báo cáo tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên. Đây là một yêu cầu mới so với hiện hành.

Hạn mức bảo hiểm tiền gửi được nâng lên 75 triệu đồng

Tháng 6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 21/2017/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Quyết định này quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Theo quyết định, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng, cao hơn 50% so với mức bảo hiểm tiền gửi hiện hành.

Đối tượng áp dụng bao gồm: người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2017.

Tô Đức