Những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ trước thềm 2017
Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành sớm phát hiện những quy định ràng buộc, kìm hãm sự phát triển của đất nước, “đừng để biết rồi mà không giải quyết”.
Thủ tướng: Mục tiêu GDP năm 2017 là 6,7%
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu của năm 2017 là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức 4%, các ngành các cấp phải đạt được tăng trưởng GDP 6,7%. Muốn vậy phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách mạnh mẽ nhưng “không tăng trưởng bằng mọi giá”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ mục tiêu của năm 2017 là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức 4%, tăng trưởng GDP 6,7%. Ảnh: VGP.
Đặc biệt, phải có lộ trình xử lý nợ xấu và nợ công; đẩy mạnh khoán, tiết kiệm từng đồng bạc của dân; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, kiên quyết chống lợi ích nhóm, chống cơ chế xin cho, đồng thời phải tăng cường huy động nguồn lực ngoài Nhà nước, từ đó thu hút vốn tư nhân vào phát triển kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu hạ lãi suất, tập trung xử lý nợ xấu. Các bộ, ngành tập trung phát triển thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu, không để xảy ra tình trạng “thua trên sân nhà”.
Cùng với đó là tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu nâng hạng quốc tế về môi trường đầu tư, đặc biệt là đổi mới sáng tạo. Có biện pháp nâng cấp hơn 3 triệu hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, để sớm có 1 triệu doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. “Phải làm quyết liệt, các bộ trưởng phải làm đến nơi đến chốn, kiên quyết xử lý dự án thua lỗ không thể phục hồi. Nếu để kéo dài thì thất thoát càng lớn; kiến quyết xử lý người đứng đầu, kể cả người tham mưu sai để ngăn chặn tham nhũng”, Thủ tướng chỉ đạo.
Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu chấn chỉnh công tác quy hoạch đô thị. Các địa phương, đặc biệt TP.HCM và Hà Nội nghiêm túc rà soát lại nhằm chấn chỉnh kịp thời trước khi quá muộn.
Sử dụng nhanh, hiệu quả vốn ODA
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu thực tế trong năm 2016, huy động vốn ODA và vay ưu đãi tăng 1,4 lần so với 2015, nhưng sử dụng và giải ngân chưa thực sự hiệu quả, giải ngân vốn rất chậm, chỉ bằng 80% năm 2015. Với 9 bộ ngành, 26 tỉnh thành giải ngân dưới 50% và sẽ làm phí của các dự án tăng lên rất nhanh. Nguyên nhân chính do khó khăn giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng.
“Thời gian tới nếu không sử dụng nhanh nguồn vốn ODA, vay ưu đãi, chúng ta sẽ mất đi nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội”, ông nhấn mạnh.
Rà soát quy hoạch hệ thống cảng hàng không
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại tổng thể quy hoạch hệ thống Cảng hàng không của Việt Nam (hiện đa số các sân bay đã quá tải); phối hợp với Bộ Quốc phòng tập trung sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể, nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất (xây thêm đường lăn, nhà ga...); hoàn thành dự án khả thi sân bay Long Thành.
Đồng thời khẩn trương hoàn thành đề án đường cao tốc Bắc - Nam; xây dựng cơ chế đặc thu đầu tư xây dựng đường cao tốc; nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có; hoàn thành báo cáo về xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam...
Giám sát chặt hoạt động của Formosa
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung để bà con phấn khởi ăn Tết. Ông cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường giám sát chặt hoạt động của Formosa, bảo đảm sản xuất an toàn.
Cùng với đó tiếp tục thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, làm rõ vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; trong lĩnh vực khai thác tài nguyên (nhất là nạn cát tặc, khai thác vàng trái phép, phá rừng).
Ông đề nghị đẩy mạnh tấn công trấn áp các loại tội phạm thường xảy ra trong dịp Tết (đánh bạc, buôn lậu, hàng giả...), không để xảy ra trọng án lớn gây bức xúc dư luận xã hội.
Vay trong khả năng trả nợ
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng năm 2016 đã đi qua những rung lắc dữ dội, như sự kiện Brexit, chứng khoán Trung Quốc, FED tăng lãi suất, điều chỉnh chính sách sau bầu cử ở một số nước…
Ông yêu cầu sang năm tới, việc điều hành ngân sách cần chủ động chặt chẽ, hạn chế tối đa ban hành chính sách giảm thu, trừ những cam kết quốc tế, hạn chế ban hành chính sách tăng chi, trừ trường hợp đặc biệt.
Ngoài ra, các địa phương cần tiết kiệm chi tiêu ngân sách là quốc sách, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kỷ luật ngân sách, thu trong nền kinh tế, chi theo khả năng, vay trong năng lực trả nợ. Triển khai quyết liệt giải ngân vốn đầu tư ngân sách ngay từ đầu năm 2017.
“Khâu yếu nhất của chúng ta là tổ chức thực hiện. Vì vậy lần này Nghị quyết giao rất kỹ. Trong tháng 1/2017, các bộ ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động, có đơn vị, cơ quan chủ trì cụ thể.
Thường xuyên kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch đã đề ra, chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp trên để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh”, Phó thủ tướng nói.
"Không để Việt Nam ì ạch mãi thế này"
Với thông điệp "không để Việt Nam mãi ì ạch", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong năm tới thứ bậc khởi sự kinh doanh từ vị trí 121 phải xuống 60; thủ tục cấp phép xây dựng từ 166 ngày có ngắn rút ngắn thêm 30 ngày; giải quyết tranh chấp từ 400 ngày còn 300 ngày…
Ngoài ra, ông yêu cầu ngành y tế phải xử lý, khắc phục một số tiêu cực như thất thoát bảo hiểm, trong khi tiền bảo hiểm dù ngân sách hỗ trợ thì cũng là tiền của dân. Hiện có tới 23.000 loại thuốc toàn tên Latinh và gần 17.000 loại dịch vụ… gây nhiễu thị trường.
“Năm 2017, chúng ta phải đưa câu chuyện này về căn bản theo đúng định hướng”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.