Những câu hỏi về bảo hiểm xã hội và ALCII
Agribank thông tin về vụ việc của ALCII |
Ảnh: T.L |
Bởi thế chuyện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mang hơn 1.000 tỉ đồng cho Công ty Cho thuê tài chính II của Agribank (ALCII) vay nhiều năm trước có lẽ là “hiện tượng thiên nga đen”. Bảo hiểm Xã hội có trách nhiệm và quyền hạn lớn. Hầu hết người lao động, dù làm việc cho doanh nghiệp tư nhân hay Nhà nước hay công ty cổ phần, nước ngoài... đều tham gia đóng phí bảo hiểm xã hội hàng tháng. Đổi lại họ mong chờ nhận khoản lương hưu. Bảo hiểm Xã hội là “nồi cơm” của hàng triệu con người đã và sẽ nghỉ hưu. Nói ngắn gọn, người lao động đã chắt chiu từng đồng lương của mình để đóng bảo hiểm xã hội mỗi tháng, coi như gửi tiết kiệm. Bảo hiểm Xã hội phải có trách nhiệm với từng đồng chắt chiu ấy.
Ngày 9-11-2018, ông Lê Bạch Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội, và một số bị can đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam. Câu hỏi đầu tiên mà dư luận quan tâm bây giờ là liệu Bảo hiểm Xã hội có thu hồi được số tiền đã cho ALCII vay?
Với sự phá sản của ALCII, Agribank mất khoản vốn đã đầu tư vào đây và nó có thể ảnh hưởng đến việc tăng/giảm vốn chủ sở hữu của ngân hàng.
Vấn đề nằm ở chỗ ALCII đã được Tòa kinh tế TPHCM tuyên bố cho phá sản mấy tháng trước. Khoản nợ Bảo hiểm Xã hội, ALCII mới trả được rất ít. Cho đến nay, chưa thấy Bảo hiểm Xã hội lên tiếng về số nợ còn phải thu ở ALCII là bao nhiêu. Liên quan đến vụ việc ALCII, Agribank ngày 11-11-2018 thông tin rằng việc phá sản ALCII không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng này. “ALCII là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có tư cách pháp nhân độc lập” - thông tin của Agribank nhấn mạnh.
Tuy vậy, ALCII khi thành lập là công ty 100% vốn của Agribank. Giả sử ALCII là công ty cổ phần, hoặc công ty dân doanh, hoặc không phải Agribank cấp vốn điều lệ cho nó, liệu Bảo hiểm Xã hội có cho ALCII vay tiền?
Vào tháng 8 năm nay, Thời báo Ngân hàng - cơ quan ngôn luận của Ngân hàng Nhà nước - trích dẫn thông tin từ chính Agribank cho biết tại ngày 31-12-2017 ALCII âm vốn chủ sở hữu 12.034 tỉ đồng, lỗ lũy kế 12.464 tỉ đồng, đồng thời có khoản tiền vay và tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác và tiền gửi của khách hàng phải trả đã quá hạn, lần lượt là 2.865 tỉ và 1.579 tỉ đồng.
Những số liệu từ Agribank chỉ ra ALCII có cả tiền vay và tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác. Sao các tổ chức tín dụng khác lại “hào phóng” cho ALCII vay đến thế?
Theo Thời báo Ngân hàng, tổng nợ phải thu của ALCII là hơn 15.700 tỉ đồng và 32.400 đô la Mỹ, tổng nợ phải trả là hơn 10.160 tỉ đồng và 8,5 triệu đô la Mỹ.
ALCII đã được phá sản, tài sản còn lại theo luật định, sẽ được thu hồi, đấu giá và trả cho các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên của luật. Bảo hiểm Xã hội được ưu tiên ở mức độ nào trong thu hồi nợ từ ALCII thì chưa rõ. Nhưng đơn vị được ưu tiên thu hồi nợ trong các vụ việc phá sản trước tiên là cơ quan thuế.
ALCII là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất, là công ty con trực thuộc một ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất
từ trước đến nay được cho phá sản. Với sự phá sản của ALCII, Agribank mất khoản vốn đã đầu tư vào đây và nó có thể ảnh hưởng đến việc tăng/giảm vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Nhưng đối tượng bị thiệt hại hơn cả, chính là các chủ nợ của công ty, những đơn vị đã cho ALCII vay tiền như Bảo hiểm Xã hội.
Những cá nhân, tổ chức sai phạm trong vụ việc của ALCII đã và đang tiếp tục bị xử lý theo pháp luật. Việc thu hồi nợ của ALCII sẽ mất nhiều thời gian và tỷ lệ thu hồi được là việc khó đoán định. Còn Agribank, việc cho phá sản ALCII đã “giải phóng” ngân hàng khỏi trách nhiệm của một đơn vị mẹ trong việc kiểm soát, quản lý hoạt động của một công ty trực thuộc. Xét cho cùng, tiền đầu tư thành lập ALCII mà Agribank bỏ ra là tiền Nhà nước, tiền Bảo hiểm Xã hội cho ALCII vay là tiền đóng bảo hiểm của hàng triệu người lao động. Lẽ nào Agribank không có phần trách nhiệm nào trong cả hai khía cạnh này?
Ngày 9-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn bị can nguyên là cán bộ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cùng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999. Đó là các ông: Lê Bạch Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Tổng giám đốc BHXH), ông Nguyễn Huy Ban (nguyên Tổng giám đốc), Trần Tiến Vỹ (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Ban Kế hoạch tài chính) và Hoàng Hà (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Ban Kế hoạch Tài chính).
Việc bắt giữ được Bộ Công an thực hiện khi điều tra mở rộng vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại BHXH, ALCII và các đơn vị có liên quan, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Trong hai năm 2008 và 2009, BHXH cho ALCII vay hơn 1.000 tỉ đồng, và đã thu hồi 200 tỉ đồng (đến hạn hợp đồng).