|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những cái tên ngân hàng dễ bị nhầm lẫn khi đi giao dịch

08:47 | 09/10/2022
Chia sẻ
Nhiều cái tên ngân hàng có yếu tố giống nhau đã khiến người dùng khó phân biệt, thậm chí nhầm lẫn khi đi giao dịch.

Hệ thống các ngân hàng thương mại tại Việt Nam hiện nay rất đa dạng với hơn 50 ngân hàng. Trong đó, có 31 ngân hàng thương mại cổ phần, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Nhà nước sở hữu 100% vốn), 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 2 ngân hàng liên doanh, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cuối tháng 6/2022.

Nhiều cái tên ngân hàng có yếu tố giống nhau đã khiến người dùng khó phân biệt, thậm chí nhầm lẫn khi đi giao dịch. Nhóm hay bị nhầm lẫn nhất phải kể đến các ngân hàng có chữ "Sài Gòn" trong tên của mình.

Cụ thể, SCB thường bị nhầm là viết tắt của Sacombank, thậm chí có người nhầm sang với Saigonbank, SHB hay cả Standard Chartered Bank. Ngay cả trên ứng dụng Google Map, nhiều vị trí các chi nhánh, phòng giao dịch của Sacombank cũng được ghi là SCB.

Tuy nhiên, mặc dù có một số từ trùng nhau do cách viết tắt nhưng các ngân hàng trên vốn là các tổ chức khác biệt, độc lập nhau. Thông tin cụ thể về các ngân hàng như sau.

Những ngân hàng họ Sài Gòn hoặc có tên viết tắt gần giống nhau khiến một số người nhầm lẫn. (Ảnh: HP).

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã: STB). Trụ sở chính: số 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP HCM.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB): Cổ phiếu ngân hàng này chưa niêm yết, chỉ giao dịch trên OTC. Trụ sở chính: số 19-21-23-25 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank – Mã: SGB). Trụ sở chính: Số 2C Phó Đức Chính, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP HCM. 

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB – Mã: SHB). Trụ sở chính: Số 77, Phố Trần Hưng Đạo, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam (Standard Chartered Bank (Vietnam) Limited - SCBVL). Trụ sở tại: Tầng 3, Tháp 1 và Tháp 2, Phòng CP1.L01 và Phòng CP2.L02, Tòa nhà Capital Place, số 29 Liễu Giai, Phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội 

OceanBank bị nhầm lẫn thành OCB

Ngoài nhóm các ngân hàng có chữ "Sài Gòn" kể trên, hai ngân hàng OceanBank và OCB cũng hay bị nhầm lẫn do tên viết tắt khá giống nhau. Tuy nhiên, đó lại là hai ngân hàng hoàn toàn khác biệt.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – Mã: OCB). Trụ sở chính: 41, 45 Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM.

Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) hiện là ngân hàng 100% vốn của nhà nước. Trụ sở: Tòa nhà Daeha, 360 Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội

Hai ngân hàng OceanBank và OCB cũng từng bị nhiều người nhầm lẫn. (Ảnh: HP).

Các ngân hàng nhóm dầu khí

Một số ngân hàng thuộc nhóm dầu khí cũng là những cái tên mà nhiều người không phân biệt được hoặc đôi khi nhầm lẫn như GPBank, PG Bank hay cả PVcomBank.

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank – Mã: PGB). Trụ sở chính: Tòa nhà Mipec: 229 Tây Sơn, Đống Đa, TP Hà Nội

Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) hiện là ngân hàng 100% vốn nhà nước. Trụ sở chính: 109 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ngân hàng TMCPĐại Chúng Việt Nam (PVcomBank). Trụ sở chính:Số 22 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ngoài ra, hai cái tên khác cũng hay bị nhầm lẫn như Ngân hàng Việt Á (VietABank) và Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank).

Các ngân hàng có chữ Á trong tên của mình cũng khiến nhiều người khó phân biệt như: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Đông Á (DongABank), Ngân hàng Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng Việt Á (VietABank), Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank).

Việc nhầm lẫn tên các ngân hàng khác nhau có thể dẫn đến những tình huống "dở khóc dở cười" khi các khách hàng đi giao dịch. Đã từng có những trường hợp cầm sổ tiết kiệm ngân hàng này sang ngân hàng khác để tất toán.

Do đó, để thuận tiện trong giao dịch của mình, khách hàng nên nắm rõ các thông tin cơ bản về ngân hàng mà mình đang giao dịch nhằm tránh những hiểu nhầm không đáng có.

Huyền Phương

[Infographic] Toàn cảnh bức tranh kinh tế 2024: GDP tăng 7,09%, thu ngân sách hơn 2 triệu tỷ đồng
Năm 2024 đã cho thấy sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế với nhiều lĩnh vực đạt kết quả ấn tượng như: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và thu ngân sách Nhà nước lập kỷ lục, IIP tăng cao nhất trong 5 năm, khách du lịch quốc tế gần bằng thời điểm trước đại dịch COVID-19,...