Những cái 'nhất' của Hoa Sen
Cổ phiếu duy nhất nhóm VN30 gia nhập “câu lạc bộ dưới mệnh giá”
Theo thống kê, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 9 năm 2018 đến kết thúc phiên 4/12 có 18/30 cổ phiếu trong nhóm VN30 giảm trung bình 13 %.
Trong đó, ba cổ phiếu nhóm ngành thép, tiêu dùng, và ngân hàng có mức giảm giá mạnh nhất. Cụ thể, các cổ phiếu HSG (CTCP Tập đoàn Hoa Sen), KDC (CTCP Tập đoàn Kido) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng là 32,71%, 19,41% và 12,84%.
Thống kê giá cổ phiếu VN30 trong 3 tháng đầu năm 2018 (giá cổ phiếu đóng tại thời điểm ngày 4/9/2018 là giá điều chỉnh sau khi doanh nghiệp chia cổ tức, phát hành...). Nguồn: MA tổng hợp |
Đáng chú ý, HSG là cổ phiếu duy nhất trong rổ VN30 có giá dưới mệnh giá. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HSG mất đến 66% giá trị, kết phiên 4/12 ở mức 7.200 đồng/cp, thấp hơn 30% so với mệnh giá.
Diễn biến giá cổ phiếu HSG từ đầu năm đến nay (Nguồn: VNDirect). |
Vậy điều gì đã khiến giá cổ phiếu của ông lớn đứng đầu ngành tôn mạ một thời lại rớt thảm như vậy?
Doanh nghiệp duy nhất nhóm VN30 ghi nhận lỗ trong quý III
Kết quả thống kê lợi nhuận sau thuế của nhóm VN30 cho thấy có 14/30 doanh nghiệp ghi nhận lãi ròng quý III giảm so với cùng kì năm ngoái.
Trong đó, Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận lỗ gần 102 tỉ đồng trong quý IV (niên độ tài chính từ 1/10/2017 đến 30/9/2018), trong khi cùng kì lãi 203 tỉ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhóm VN30 trong quý III. Nguồn: PQ tổng hợp |
Nguyên nhân là giá vốn hàng bán tăng 35% kéo lợi nhuận gộp giảm 36% còn 723,8 tỉ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính 134 tỉ đồng, gấp 31 lần cùng kì. Chi phí tài chính 351 tỉ đồng, gấp 2 lần cùng kì trong đó chi phí lãi vay 234,6 tỉ đồng, tăng 54%.
Theo nhận định của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), cạnh tranh gia tăng giữa các nhà sản xuất tôn mạ trong nước cùng với việc giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng cao (giá HRC trung bình 9 tháng 2018 tăng 18%) tiếp tục là lý do chính khiến biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen giảm mạnh.
Bên cạnh đó, Chứng khoán TP HCM (HSC) cho rằng sản phẩm thép dẹt của Hoa Sen có vẻ khó khăn ở cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước do cung vượt cầu.
Hiện nay thị trường xuất khẩu chịu ảnh hưởng từ việc thuế chống bán phá giá tăng, thì triển vọng thị trường trong nước cũng không sáng sủa do có những doanh nghiệp mới gia nhập ngành cộng với sự mở rộng công suất mạnh mẽ của các doanh nghiệp hiện hữu.
Để ứng phó với chính sách áp thuế chống bán phá giá, Hoa Sen đã chuyển trọng tâm sang thị trường nội địa trong những năm gần đây. Đây là điều cũng được các công ty khác như Nam Kim hay Đông Á thực hiện.
Nợ vay của Hoa Sen dẫn đầu doanh nghiệp ngành thép
Không chỉ giá nguyên liệu tăng cao, chi phí lãi vay cũng là một nguyên nhân quan trọng tác động mạnh đến lợi nhuận và làm xấu đi tình hình tài chính của Hoa Sen.
Hoa Sen đã phải trả lãi vay 812 tỷ đồng trong năm vừa qua, trong khi năm trước chỉ là 482 tỷ đồng.
Điều này cũng dễ hiểu khi theo thống kê, Hoa Sen dẫn đầu về nợ vay của doanh nghiệp ngành thép trong 9 tháng với tổng nợ hơn 16.000 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kì.
Nợ vay doanh nghiệp thép niêm yết 9 tháng (MA tổng hợp). |
Tỷ lệ nợ ròng/ vốn chủ sở hữu của Hoa Sen cũng đang ở mức cao 2.69 lần tại cuối năm tài chính 2018.
HSC cho biết, thực tế con số vay nợ của Hoa Sen đã giảm so với mức kỷ lục 15.900 tỷ đồng hồi tháng 6. Công ty nỗ lực giảm nợ ngắn hạn nhiều nhất có thể, thông qua giảm tồn kho và các khoản phải thu.
Đồng thời, trong quý vừa qua, Hoa Sen cũng kiểm soát chặt chi phí hoạt động, như cho nghỉ việc những nhân viên không cần thiết, nhằm giảm chi phí nhân công, hay nỗ lực giảm hàng tồn kho. Tuy nhiên, vay nợ của Hoa Sen vẫn ở mức rất cao và tạo gánh nặng nợ cho công ty trong tương lai.
Liệu Hoa Sen có tự mình vực dậy sau “cơn bão”?
Trước tình hình thị trường thép gặp nhiều khó khăn và bất ổn, cuối tháng 10, Hội đồng quản trị của Hoa Sen đã thông qua chủ trương tái cấu trúc hệ thống phân phối (HTPP) của Tập đoàn nhằm gia tăng sản lượng tiêu thụ, tăng trưởng thị phần nội địa.
Hoa Sen cho biết, sản lượng sản xuất của Tập đoàn đã đạt gần 2 triệu tấn/năm, do đó phải mở rộng HTPP để đáp ứng quy mô sản xuất của Tập đoàn.
Bước đi đầu tiên của Hoa Sen trong chiến lược này là việc chấm dứt hoạt động chi nhánh tại Dĩ An - Bình Dương và Châu Thành - Tiền Giang.
Được biết, trước đây Tập đoàn Hoa Sen đã triển khai mô hình nhượng quyền thương mại với một số đơn vị. Tuy nhiên, mô hình này lại không thành công do các đơn vị chuyển sang kinh doanh sản phẩm của các doanh nghiệp khác. Do vậy, Tập đoàn phải mở nhanh các chi nhánh mang thương hiệu Hoa Sen và phân phối 100% sản phẩm của Hoa Sen.
Không chỉ tái cấu trúc hệ thống phân phối, Tập đoàn Hoa Sen còn bắt tay với Formosa thể hiện bằng việc ký kết thỏa thuận mua bán thép cuộn cán nóng (HRC) từ khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh.
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, việc hợp tác với Formosa là một bước đi đúng hướng ban đầu.
Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều thách thức dành cho Hoa Sen khi giá nguyên liệu đầu vào tăng quá nhanh trong lúc thị trường tôn mạ bị dư cung trung hạn.
Mặt khác, dù cạnh tranh thép cuộn cán nóng cả trong nước lẫn quốc tế vẫn duy trì lành mạnh nhưng môi trường xuất khẩu đầy thách thức sẽ tạo áp lực cho sản lượng và giá bán của tất cả các công ty trong ngành.
Đánh giá tổng thể về Hoa Sen, HSC lo ngại về vấn đề quản trị doanh nghiệp của công ty. HSC cho rằng, lợi nhuận Hoa Sen giảm mạnh trong giai đoạn này do ảnh hưởng từ chính sách quản lý tồn kho.
Bên cạnh đó là một số vấn đề khác với hệ thống phân phối, tồn kho và giao dịch với các công ty liên quan. Những vấn đề này lặp lại nhiều lần khiến nhà đầu tư mất dần sự tin tưởng đối với đội ngũ lãnh đạo.