|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những 'bóng hồng' nổi bật trong các phiên tòa xét xử Phan Văn Vĩnh và đồng phạm

15:40 | 19/11/2018
Chia sẻ
Trong gần 10 ngày diễn ra phiên tòa xét xử vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ, có nhiều “bóng hồng” đã xuất hiện trước vành móng ngựa và thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi nhan sắc nổi bật và những lời khai đi kèm những con số "không thể tin được".

Theo kết luận của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ về vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng xã hội xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh thành khác, có tổng cộng 92 bị cáo liên quan đến vụ án này, trong đó có tới 16 bị cáo là phụ nữ. Họ từng giữ vị trí giám đốc doanh nghiệp hoặc người thân của trùm cờ bạc và bị truy tố các tội danh khác nhau như Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn...

Thực tế, trong gần 10 ngày diễn ra phiên tòa xét xử vụ án trên, có nhiều “bóng hồng” đã xuất hiện trước vành móng ngựa. Nổi bật trong số đó là bị cáo Lưu Thị Hồng – được nhiều người chú ý bởi nhan sắc mặn mà và nền tảng sự nghiệp nhiều người mơ ước.

nhung bong hong noi bat trong cac phien toa xet xu phan van vinh va dong pham
Bị cáo Lưu Thị Hồng bị dẫn giải tới tòa. Ảnh: Soha.

Lưu Thị Hồng (42 tuổi, quê huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, thường trú ở Trung Hòa, Cầu Giấy, TP.Hà Nội) là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC - công ty bình phong của Cục Cảnh sát phòng, chống sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an do Nguyễn Văn Dương điều hành. Lưu Thị Hồng từng làm việc ở một đài truyền hình lớn. Năm 2014, Lưu Thị Hồng, khi đó là Tổng giám đốc CNC đã gây chú ý khi kiện Youtube vì xâm phạm bản quyền chương trình Gặp nhau cuối năm và Gala hài.

Nữ bị cáo này bị VKS truy tố về tội "Tổ chức đánh bạc".

nhung bong hong noi bat trong cac phien toa xet xu phan van vinh va dong pham
Bị cáo Lưu Thị Hồng khai rằng, vì tin tưởng Nguyễn Văn Dương và nhân viên nên bị cáo "cứ ký chứ không xem lại các điều khoản của hợp đồng". Ảnh: Zing news.

Theo cáo trạng, thực hiện sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Dương, Lưu Thị Hồng ký các hợp đồng hợp tác phát hành game bài Rikvip, thuê tên miền, đăng ký dịch vụ tin nhắn thương hiệu và tham gia ký đối soát doanh thu tổ chức đánh bạc tổng cộng 4 tháng. Song Hồng không được ăn chia, hưởng lợi nguồn thu do đánh bạc mà có.

Quá trình vận hành game bài Rikvip (giai đoạn 2 là Tip.club), Lưu Thị Hồng còn thực hiện chỉ đạo của Dương, ký nhiều hợp đồng cung cấp các dịch vụ liên quan đến Rikvip/ Tip.club với nhà mạng nhằm thu hút người chơi để thu lời bất chính.

VKSND quy buộc Lưu Thị Hồng phạm tội Tổ chức đánh bạc với vai trò đồng phạm giúp sức. Nữ bị can đã thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt nên được xem xét tình tiết giảm nhẹ.

Ngoài ra, trong thời gian được Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Thiếu tướng, cựu Cục trưởng cục C50) tạo điều kiện cho Công ty CNC tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng game bài Rikvip/Tip.Club, theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Dương, Lưu Thị Hồng đưa 600 triệu đồng tiền tết cho Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

"Quá trình điều tra, Lưu Thị Hồng đã chủ động khai báo và Cơ quan điều tra đã chứng minh việc Lưu Thị Hồng thực hiện việc chuyển tiền cho Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm 600 triệu đồng là có thực. Thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho Lưu Thị Hồng về tội Đưa hối lộ.

nhung bong hong noi bat trong cac phien toa xet xu phan van vinh va dong pham
Lưu Thị Hồng khai đến khi bị bắt thì mới biết đó là những game bài bất hợp pháp. Ảnh: Pháp luật TP HCM.

Khai trước vành móng ngựa, bị cáo Hồng cho biết, trước khi về công ty CNC làm thì có quan hệ bạn bè với Nguyễn Văn Dương, còn Phan Sào Nam là đồng nghiệp làm việc cùng nhau trước đó. Khi là Tổng giám đốc CNC, Hồng thực hiện ký kết các hợp đồng theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Dương và nhân viên cấp dưới chuyển lên, “vì tin tưởng anh Dương và nhân viên nên bị cáo cứ ký chứ không xem lại các điều khoản của hợp đồng".

Trả lời câu hỏi của HĐXX: "Đến khi nào bị cáo biết những hợp đồng mình ký là vi phạm pháp luật?", Hồng đáp: "Bị cáo thấy nhiều tiền về, bị cáo có thắc mắc và không ký đối soát nữa. Bị cáo có đề nghị với anh Dương làm giấy ủy quyền nhưng anh Dương không làm". Hồng khai đến khi bị bắt thì bị cáo mới biết đó là những game bài bất hợp pháp.

Một nữ bị cáo khác nhan sắc và quyền lực cũng không kém phần nổi trội đó là nữ doanh nhân Châu Nguyên Anh - nguyên là Giám đốc điều hành Công ty CP thanh toán điện tử VNPT EPAY.

nhung bong hong noi bat trong cac phien toa xet xu phan van vinh va dong pham
Bị cáo Châu Nguyên Anh tại tòa. Ảnh: TTXVN.

Theo cáo buộc, cuối 2015, Nguyễn Văn Dương chỉ đạo cấp dưới kết nối thêm với các công ty thanh toán trực tuyến để người chơi có thêm lựa chọn khi mua thẻ cào viễn thông phục vụ game bài Rikvip.

Theo thỏa thuận, các công ty thanh toán giao dịch tiền với Công ty CNC nhưng không xuất hóa đơn. Hàng loạt doanh nghiệp đã từ chối, chỉ có VNPT EPAY và một số công ty khác đồng ý sẽ thanh toán một phần sản lượng bằng tiền mặt cho Công ty CNC nhưng không xuất hóa đơn.

nhung bong hong noi bat trong cac phien toa xet xu phan van vinh va dong pham
Tại tòa, Châu Nguyên Anh thừa nhận hành vi Mua bán trái phép hóa đơn của mình và cho biết VNPT EPAY đã nộp khắc phục hậu quả số tiền 53 tỷ đồng. Ảnh: Người Lao động.

Để hợp thức khoản tiền không có hóa đơn này, Châu Nguyên Anh cùng đồng phạm đã thỏa thuận để nâng khống doanh số hóa đơn lên 1.200 tỷ đồng. Trong đó, doanh số nâng khống xác định là 650 tỷ. Tuy nhiên, theo VKSND tỉnh Phú Thọ xác định, Châu Nguyên Anh không được hưởng lợi. Do hết thời hạn điều tra, Cơ quan chức năng đã đình chỉ điều tra đối với Châu Nguyên Anh về hành vi Tổ chức đánh bạc.

Tại cơ quan điều tra, Châu Nguyên Anh đã thừa nhận hành vi Mua bán trái phép hóa đơn, thừa nhận đó là những hành vi sai lầm. VNPT EPAY đã nộp khắc phục hậu quả số tiền 53 tỷ đồng.

Một "bóng hồng" khác thu hút sự chú ý lớn của những người theo dõi vụ xét xử này đó là nữ doanh nhân Lê Thị Lan Thanh - đối tượng được xem là "nút thắt" lớn của vụ đánh bạc nghìn tỷ. Lê Thị Lan Thanh đóng vai trò chính làm trung gian để hợp thức hóa hàng nghìn tỷ đồng cho Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương.

nhung bong hong noi bat trong cac phien toa xet xu phan van vinh va dong pham
Bị cáo Lê Thị Lan Thanh. Ảnh: Vtv.vn.

Theo cáo trạng từ năm 2009 đến năm 2013, Lê Thị Lan Thanh - sinh năm 1981 thành lập 5 công ty và trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông: Công ty Cổ phần công nghệ và dịch vụ NETVIET; Công ty TNHH phát triển dịch vụ và giải trí Đất Việt; Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghệ thương mại và truyền thông Tam Giác; Công ty Cổ phần viễn thông và giải trí số Việt Nam GTS; Công ty Trách nhiệm hữu hạn truyền thông BIBO.

Tháng 2/2016, Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương kết nối thêm với cổng thanh toán "NetViet" của Công ty cổ phần viễn thông và giải trí số Việt Nam (Công ty GTS) do Lê Thị Lan Thanh điều hành, nhưng không ký hợp đồng.

Cáo trạng cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 2016 đến tháng 8/2017 (giai đoạn thu lời bất chính từ game bài Tip.club), Công ty GTS của Lan Thanh đã ký các hợp đồng thanh toán qua thẻ cào với 3 nhà mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone. Tổng số tiền các nhà mạng thu được từ các khách hàng sử dụng các dịch vụ liên quan đến cổng thanh toán Công ty GTS của Lê Thị Lan Thanh là 7.128 tỷ đồng.

Tại đây, 3 nhà mạng được phân chia lợi nhuận là 1.049 tỷ đồng đồng, nhà mạng trả cho công ty GTS 6.079 tỷ đồng.

Theo bản cáo trạng, căn cứ vào tài liệu điều tra, lời khai của các bị can có cơ sở để để xác định số tiền mà công ty GTS của Lê Thị Lan Thanh đã chuyển cho công ty CNC của Nguyễn Văn Dương là 4.583 tỷ đồng.

Lê Thị Lan Thanh được hưởng 3% trên tổng số tiền này, tương đương 168,7 tỷ đồng. Ngoài ra, đối tượng còn được hưởng 4% trên tổng số tiền 266,7 tỷ đồng (thu lời từ game bài Rikvip).

Như vậy tổng tố tiền mà Lê Thị Lan Thanh hưởng lợi từ đường dây đánh bạc này là 182,8 tỷ đồng.

Trước vành móng ngựa, trả lời câu hỏi của HĐXX về việc bị cáo hưởng lợi bao nhiêu, Lê Thị Lan Thanh nói: “Vì là công ty của riêng bị cáo nên không tính toán được hưởng lợi bao nhiêu, vì thời gian ngồi tính toán xem mình hưởng lợi bao nhiêu thà làm việc còn hơn”.

Thanh cho biết mình là người làm kinh doanh nên chỉ mải mê chạy theo lợi nhuận. Thậm chí, Thanh còn nói mình "không có đủ thời gian để suy nghĩ xem người ta có khả năng hay không mà phải hợp tác với mình" sau khi được hỏi có bao giờ đặt câu hỏi "tại sao không đặt câu hỏi đối tác tự làm mà phải làm thông qua trung gian?".

Trong số 16 nữ bị cáo của vụ án, có không ít người là người nhà của "trùm" cờ bạc Phan Sào Nam. Bị cáo Đỗ Bích Thủy (46 tuổi, trú quận Tân Bình, TP.HCM) là Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt, con chị gái ruột mẹ Phan Sào Nam.

nhung bong hong noi bat trong cac phien toa xet xu phan van vinh va dong pham
Bị cáo Đỗ Bích Thủy tại tòa. Ảnh: Dân trí.

Theo cáo trạng, năm 2015, Phan Sào Nam đến gặp Thủy đề nghị mượn pháp nhân Công ty Nam Việt để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến. Thủy đã đồng ý.

Sau đó, Phan Sào Nam ký hợp đồng với Thủy về việc phát triển và khai thác kinh doanh phần mềm thương mại Rikvip. Trong đó, phí bản quyền phần mềm theo thoả thuận là 600 triệu đồng. Công ty Nam Việt được hưởng 30% doanh thu. Sau khi ký hợp đồng, Thủy phân công Hoàng Thành Trung (Phó Giám đốc Công ty Nam Việt) phụ trách Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Từ đó, Thủy và Trung đã tuyển dụng hàng chục nhân viên để vận hành game bài Rikvip.

Quá trình thực hiện, Nam yêu cầu Thủy rút 50 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Nam Việt để gửi tiết kiệm. Người hưởng thụ khoản tiền bất chính này là Thủy.

Trong vụ án, VKSND tỉnh Phú Thọ cáo buộc sau khi đồng ý cho Phan Sào Nam mượn pháp nhân Công ty Nam Việt, Đỗ Bích Thủy đã chỉ đạo cấp dưới xây dựng phần mềm, vận hành hệ thống Rikvip để tổ chức đánh bạc trên mạng.

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Thủy khóc, thừa nhận các hành vi của mình và nói: “Bị cáo tin tưởng tuyệt đối vì Nam là em bị cáo, sống với nhau từ nhỏ. Khi Nam đưa hợp đồng, bị cáo cũng đã tước bỏ quyền hỏi và quyền được biết của mình nên cứ thế ký”.

nhung bong hong noi bat trong cac phien toa xet xu phan van vinh va dong pham
Bị cáo Phan Thu Hương, dì ruột của Phan Sào Nam. Ảnh: VOV.

Bị cáo Phan Thu Hương (39 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP VTC Online) là dì ruột của Phan Sào Nam. VKS xác định sau khi Phan Sào Nam thu lời tiền tỷ bất chính từ tổ chức đánh bạc trên mạng, ông trùm này đã nhờ bà Hương cất giữ giúp 236 tỷ đồng. Sau đó, Phan Thu Hương lấy khoản tiền này và tiền của mình để mua mảnh đất rộng hơn 950 m2 tại quận 7, TP HCM.

Phan Thu Hương bị VKS truy tố tội Rửa tiền. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã kê biên thửa đất trên, bị cáo Hương đã nộp lại 12 tỷ đồng.

Một "bóng hồng" khác cũng bị truy tố tội Rửa tiền đó là Đoàn Thị Thu Hà (38 tuổi, ở quận Long Biên).

nhung bong hong noi bat trong cac phien toa xet xu phan van vinh va dong pham
Nữ bị cáo Đoàn Thị Thu Hà. Ảnh: Thời đại.

Theo cáo trạng, Hà là kế toán Công ty CP đầu tư UDIC do Nguyễn Văn Dương làm Chủ tịch HĐQT. Cuối 2015, Dương điều động người phụ nữ sang làm kế toán Công ty CNC. Nữ nhân viên này được phân công tiếp nhận tiền doanh thu tổ chức đánh bạc, quản lý và thanh toán các chi phí liên quan đến các hạng mục trong hệ thống Rikvip do Công ty CNC và đối tác Công ty Giải pháp Việt thỏa thuận như: thuê tên miền, đầu số chăm sóc khách hàng, dịch vụ tin nhắn… Sau đó, Hà chuyển số tiền bất chính cho Dương.

VKSND còn cáo buộc Đoàn Thị Thu Hà giúp Nguyễn Văn Dương nâng khống vốn điều lệ góp vào UDIC lên. Từ đó, Dương được làm Chủ tịch HĐQT công ty này Sau khi nâng khống tiền, Hà giúp Dương lấy tiền thu lời bất chính từ tổ chức đánh bạc rồi hoàn trả vào Công ty UDIC. Từ đây, Nguyễn Văn Dương rửa tiền bằng việc góp 329 tỷ đồng vào dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Xem thêm

Khánh Hà