|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những ai liên quan đến Vũ 'nhôm' đã vướng lao lý?

15:59 | 19/04/2018
Chia sẻ
Sau khi Phan Văn Anh Vũ ( tức Vũ "nhôm") bị bắt, hàng loạt các quan chức cũng bị khởi tố để làm rõ những sai phạm có liên quan. Đến hết ngày 17/4 đã có 8 người "dính chàm".

Liên quan đến vụ án Cố ý làm lộ bí mật nhà nước, Trốn thuế, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 - ngày 17/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có quyết định khởi tố 7 bị can.

Trong số trên, ông Phan Hữu Tuấn (63 tuổi, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) và ông Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an (55 tuổi) cùng bị khởi tố về hành vi Cố ý làm lộ bí mật nhà nước; ông Trần Văn Minh (63 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2006-2011) và ông Văn Hữu Chiến (64 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2011-2014), bị khởi tố về các hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.

3 bị can khác bị khởi tố để điều tra hành vi Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai. Họ gồm: ông Nguyễn Điểu (60 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Đà Nẵng); Trần Văn Toán (nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng) và Lê Cảnh Dương (Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng).

Trong số 7 bị can, có 3 người bị bắt tạm giam.

Trước đó, một nhân vật khác có liên quan đến ngân hàng cũng vướng lao lý vì Phan Văn Anh Vũ. Người này là Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB).

nhung ai lien quan den vu nhom da vuong lao ly

Cảnh sát phong tỏa chung quanh nhà ông Tuấn tối 17/4. Ảnh: Quang Anh.

Hai cựu lãnh đạo TP Đà Nẵng liên quan gì đến Vũ 'nhôm'?

Bị can Nguyễn Điểu là người được áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú nói với Zing.vn, những vấn đề công an tập trung điều tra làm rõ là vai trò của các cá nhân trong việc bán các dự án và nhà công sản cho Phan Văn Anh Vũ một cách chóng vánh và không qua đấu giá.

Theo Người Lao Động, khi còn làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Minh đã đồng ý bán bán hàng loạt nhà, đất công sản cho Vũ "nhôm". Những tài sản này đang được Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an điều tra vì nghi việc mua - bán chưa đúng pháp luật.

Cụ thể, tháng 9/2009, UBND TP Đà Nẵng bán nhà, đất tại số 7 Bạch Đằng, hơn 10 tỷ đồng cho Phan Văn Anh Vũ. Ngôi nhà 3 tầng tại số 45, 49 đường Nguyễn Thái Học cũng được địa phương bán cho các công ty mà Vũ "nhôm" góp vốn. Những căn nhà này là nơi cư ngụ của gia đình ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Năm 2010, chính quyền Đà Nẵng cũng bán nhà, đất tại số 2 Hải Phòng cho Công ty TNHH Minh Hưng Phát (công ty này Vũ Nhôm góp vốn hơn 40 tỷ), với giá trên 3 tỷ đồng. Cũng trong năm này, Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 mua ngôi nhà, đất tại 319 Lê Duẩn rồi chuyển đổi tên người nhận chuyển quyền sử dụng đất sang cho ông Phan Văn Anh Vũ.

Ngoài ra, theo Tuổi trẻ, tháng 3/2008, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại 106 Trần Phú cho đơn vị đang thuê là Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng với đơn giá 3,5 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2008, Công ty CP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng có tờ trình xin chuyển tên trực tiếp cho Công ty CP Xây dựng 79 do Vũ "nhôm" làm chủ, được mua nhà và chuyển quyền sử dụng đất.

nhung ai lien quan den vu nhom da vuong lao ly

Ông Trần Văn Minh cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng được cho là đã thông qua nhiều quyết định bán đất giá rẻ cho Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng.

Cùng thời điểm đó, UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà và đất tại 37 Pasteur cho cá nhân ông Phan Văn Anh Vũ.

Một khu đất khác có diện tích gần 1.500 m2 tại vị trí 3 mặt tiền đường 2/9 - Phan Thành Tài và đường quy hoạch được UBND TP Đà Nẵng giao trực tiếp cho Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 từ năm 2012.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ (công bố năm 2013) cho biết năm 2006, UBND TP Đà Nẵng và Công ty TNHH Daewon Cantavil ký bản thỏa thuận nguyên tắc, để phía Daewon triển khai đầu tư dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước với số vốn khoảng 300 triệu USD.

Năm 2016, Daewon quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn đã góp vào dự án này cho Công ty CP Nova - Bắc Nam 79 (công ty do Phan Văn Anh Vũ góp vốn cùng 1 doanh nghiệp bất động sản lớn).

Năm 2017, Công ty CP Nova - Bắc Nam 79 đổi tên Công ty TNHH Daewon Cantavil thành Công ty TNHH Sunrise Bay (do Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch Hội đồng thành viên). Sau đó, dự án này cũng được đổi tên từ khu đô thị quốc tế Đa Phước thành Dự án khu đô thị The Sunrise Bay Novaland Đa Phước Đà Nẵng.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng UBND TP Đà Nẵng giao Công ty CP Xây dựng 79 (của ông Phan Văn Anh Vũ) 29 ha trong Khu đô thị Đa Phước (vịnh Đà Nẵng) với giá 300.000 đồng/m2 là thấp hơn giá đất quy định.

Cựu Tổng giám đốc DongABank giúp Vũ mua cổ phần

Ngày 16/4, VKSND Tối cao ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại hơn 3.400 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB).

Quyết định trả hồ sơ được VKND Tối cao đưa ra khi thấy một số nội dung liên quan cần được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ, trong đó có việc ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc DAB) chỉ đạo cấp dưới chuyển 200 tỷ cho Vũ “nhôm”.

nhung ai lien quan den vu nhom da vuong lao ly

Ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongAbank. Ảnh: Người Lao Động.

Theo kết luận điều tra, năm 2013, DAB làm ăn sa sút, thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền và vàng trong kho quỹ. Ông Trần Phương Bình mong muốn có doanh nghiệp tiềm lực về tài chính, quan hệ để đầu tư vào ngân hàng này.

Vì vậy, ông Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ của DAB từ 5.000 tỷ lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014 để thu hút vốn đầu tư và trang trải, xử lý khó khăn và nâng thương hiệu và vị thế, ảnh hưởng của DAB.

Nhóm Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 sở hữu 12,73% cổ phần DAB. Vũ "nhôm" sở hữu hơn 92% cổ phần của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79.

Cuối năm 2013, Vũ "nhôm" và ông Bình bàn bạc, thống nhất Vũ "nhôm" sẽ mua 60 triệu cổ phần của DAB với giá 600 tỷ đồng khi DAB tăng vốn điều lệ. Mục đích của việc này để Vũ "nhôm" trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB.

Theo Thanh niên, Vũ "nhôm" đã thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng vay 400 tỷ đồng của DAB. Còn 200 tỷ đồng còn thiếu, ông Bình chỉ đạo DAB xuất quỹ chi cho Vũ" nhôm", sau đó Vũ "nhôm" ký chứng từ nộp khống 200 tỷ đồng tại DAB.

Tháng 1/2014, DAB tăng vốn điều lệ không thành nên ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo chuyển 600 tỷ đồng kèm theo cả tiền lãi nữa là 609 tỷ trả lại cho công ty của Vũ "nhôm".

Sau đó, Vũ "nhôm" mua 50 triệu cổ phần DAB từ 4 cổ đông hiện hữu (4 cổ đông này là 4 công ty sân sau của ông Bình) với giá 500 tỷ đồng.

Trong số 500 tỷ có 200 tỷ được thu khống nên ông Bình đề nghị Vũ hoàn trả. Phan Văn Anh Vũ đề nghị ông Bình chờ đến lúc ông ta bán đất ở Đà Nẵng sẽ trả tiền nhưng đến nay chưa thực hiện.

Tháng 8/2015, trước khi DAB bị kiểm soát đặc biệt, Vũ còn mua hơn 13 triệu cổ phần DAB từ công ty sân sau của ông Bình với giá hơn 136 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vũ mới thanh toán 46 tỷ.

nhung ai lien quan den vu nhom da vuong lao ly

Phan Văn Anh Vũ trước lúc bị bắt. Ảnh: P.V.

Vũ 'nhôm' là ai?

Phan Văn Anh Vũ được biết đến là một đại gia bất động sản, giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 và là cổ đông của nhiều công ty khác.

Tối 21/12/2017, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã khám nhà riêng của ông Vũ ở Đà Nẵng. Thời điểm công an khám xét, ông Vũ không có mặt tại nơi cư trú. Sau đó, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định truy nã.

Ngày 2/1, Cơ quan Xuất nhập cảnh và Cửa khẩu Singapore (ICA) cho biết đang tạm giữ người có tên Phan Van Anh Vu từ ngày 28/12/2017 vì vi phạm Luật di trú.

Đến chiều 4/1, chuyến bay Vietnam Airlines từ Singapore về Hà Nội chở ông Vũ đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ngay sau đó, Bộ Công an phát đi thông báo cho biết cơ quan điều tra đã tiếp nhận, bắt bị can Vũ để điều tra theo quy định của pháp luật.

Ngày 7/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Vũ về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để làm rõ vi phạm pháp luật của Vũ và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn TP Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác.

Trước đó, trung tuần tháng 1, tại một cuộc họp báo do Bộ Công an tổ chức, nhiều phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ.

Trung tướng Trần Đăng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục an ninh nói nhiều người nghĩ doanh nghiệp không liên quan bí mật quốc gia, tuy nhiên trên thực tế có doanh nhân, cán bộ hưu trí vẫn bị khởi tố về tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Theo ông Yến, ngoài hành vi trên cơ quan điều tra còn đang làm rõ một số hành vi khác của Phan Văn Anh Vũ để xử lý.

Ngày 18/4, Phan Văn Anh Vũ tiếp tục bị khởi tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản để điều tra về khoản tiền 200 tỷ Ngân hàng Đông Á bị thất thoát.

Hoài Thanh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.